Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, khai thác sử dụng nhiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý góp phần bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những mục tiêu của “Chương trình Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Chương trình)” do Tỉnh ủy Bình Dương ban hành cuối tháng 7/2020.
Theo Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% và đến năm 2045 là 20%; xây dựng được hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.
Đến năm 2045, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học và công nghệ, năng lực quản trị ngành đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Chiến lược đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị trong ngành năng lượng cũng như những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng; khuyến khích liên kết giữa các lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp năng lượng tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ ngành năng lượng đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Trần Phước