Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Xác định thị trường trong nước sẽ đóng vai trò là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với trên 100 triệu dân là một trong những quan điểm trong Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 13/7/2021
Phát triển thương mại trong nước trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu của thị trường, phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường trong nước. Phát triển thương mại trong nước trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và sự sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa; coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hoá lĩnh vực thương mại trong nước trong thời kỳ mới…
Mục tiêu đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm; tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Năm 2031 trở đi, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5 - 15,7% vào GDP cả nước. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 75%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước
Định hướng chủ yếu trong giai đoạn tới, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực; phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững; phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng chuyên nghiệp; đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đầu tư và đổi mới quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường.
Chiến lược có 09 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế; gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại trong nước; đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước; nâng cao ý thức, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại.
Ánh Nguyệt