Chính sách hỗ trợ ứng dụng sau khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ kết thúc
Các chính sách hỗ trợ ứng dụng sau khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc được ban hành nhằm nâng cao tính chủ động và hiệu quả trong công tác triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Trong thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn bó hơn với sản xuất và đời sống. Nhiều thành tựu KH&CN mới đã được ứng dụng, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao nǎng suất, chất lượng và hiệu quả trong các nghành sản xuất nông nghiêp, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, nǎng lượng, dầu khí, hành tiêu dùng, hàng xuất khẩu..., xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh.
Có được những thành tựu như vậy, là do nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nhờ sự đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, khoa học và công nghệ; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về kinh tế, KH&CN được mở rộng... và đặc biệt là sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc chuyển dịch trọng tâm hoạt động KH&CN sang khu vực doanh nghiệp, trong đó, nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng sau khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc đã được ban hành và thực hiện hiệu quả, cụ thể:
- Luật KH&CN năm 2013: Hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm KH&CN để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện các chương trình quốc gia:
+ 03 Chương trình KH&CN quốc gia:
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020: đối tượng áp dụng là các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp có năng lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN, các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN. Một số nhiệm vụ đã được triển khai như: dự án công nghệ sản xuất vacxin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc; công nghệ sản xuất vacxin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn; công nghệ sản xuất vacxin cúm A/H5N1 cho gia cầm; công nghệ sản xuất vacxin đa giá phòng 03 bệnh viêm phổi phổ biến ở lợn.
Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020: mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sản xuất sản phẩm, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Một số nhiệm vụ đã triển khai: nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ Nano; nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, Enzym và Protein; nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy nhập wifi (Access Point) dùng cho mạng VNPT wifi dựa trên nền điện toán đám mây; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất thuốc Peginterferon Lambda 1, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn Châu Âu; hoàn thiện công nghệ chế tạo chip led cục tím (UVLED) cho ứng dụng diệt vi khuẩn nước sinh hoạt và đo nồng độ ôzon trong không khí; nghiên cứu công nghệ sản xuất Nattokinase tái tổ hợp và ứng dụng để sản xuất thuốc ở quy mô công nghiệp…
Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020: tập trung phát triển về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, nhân lực quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến. Một số nhiệm vụ đã triển khai: đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong tạo giống và sản xuất lúa lai tại miền Bắc và duyên hải miền Trung; đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong sản xuất Vắc-xin cho người; nghiên cứu phương pháp, quy trình xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam; Nghiên cứu mô hình phát triển và lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành cơ khí chế tạo của Hàn Quốc và Thái Lan; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với qui mô công nghiệp; nghiên cứu ứng dụng kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ canh tác tiên tiến và công nghệ thông tin trong sàng lọc, chọn tạo và sản xuất giống cây trồng mới…
+ Chương trình phát triển thị trường và doanh nghệp KH&CN theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ định hướng một số nhiệm vụ: hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường KH&CN; thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN; thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ.
+ Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển 3000 doanh nghiệp KHCN, thành lập 100 cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN (tập trung chủ yếu tại các trường đại học, viện nghiên cứu); hỗ trợ 1000 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu mạnh được ươm tạo; tổ chức, bồi dưỡng cho 5000 lượt đối tượng thành lập doanh nghiệp KHCN…
- Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”: Đến năm 2025, Đề án dự kiến hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
- Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN: Được miễn thuế nhập 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp KH&CN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, cũng như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN; được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn; được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KH&CN; được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ của Nhà nước…
- Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến cung cầu công nghệ cũng được tích cực triển khai thông qua thành lập và đưa vào hoạt động các sàn giao dịch công nghệ, Techmart, Techdemo… nhằm tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn tới, các cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, trong đó chính sách hỗ trợ ứng dụng sau khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc sẽ được Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện phát huy vai trò là một đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.
Trần Phước