Chính sách phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo này nhận định, động lực chính thúc đẩy những con số ấn tượng là nhờ thương mại điện tử, nơi các thị trường trong nước như: Sendo và Tiki cạnh tranh với những người chơi trong khu vực là Lazada và Shopee. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD.
Chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Bộ Chính trị bàn hành vào năm 2000 cho thấy, sau 15 năm triển khai, từ tình trạng lạc hậu, phát triển triển chậm, có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, công nghệ thông tin Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển đất nước. Đặt biệt, vai trò, vị thế của ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã ngày càng được khẳng định. Không chỉ lan tỏa rộng rãi, giữ vai trò “chủ công” trong mọi mặt đời sống xã hội, những năm qua công nghệ thông tin Việt Nam còn liên tục cải thiện vị thế, thứ hạng trên trường quốc tế.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ra đời được các chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá là một bước tiến dài so với Chỉ thị 58-CT/TW, văn bản này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ mở ra vận hội mới cho công nghệ thông tin Việt Nam, để Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin bằng công nghệ thông tin.
Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ra đời nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin theo các Mục tiêu đã đặt ra trong Điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 nêu rõ, cuộc Cách mạng 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng 4.0 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Chỉ thị khẳng định cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến năm 2020, các ngành, các cấp phải tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ... để tận dụng tối đa lợi thế cuộc cách mạng 4.0 đem lại.
Gần đây, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.
Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (Nghị định 47). Điểm mới trong Nghị định là tăng cường vai trò của các cơ quan, cá nhân về dữ liệu; phân biệt các cơ sở dữ liệu trong cơ quan quản lý nhà nước như Cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương bao gồm: cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành; cơ sở dữ liệu dùng chung của địa phương và các Cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ một hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước.
Nghị định 47 cũng quy định về việc chia sẻ dữ liệu trong các cơ quan nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Đối với dữ liệu mở, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu đã được cơ quan nhà nước công bố theo quy định. Bên cạnh đó, việc quản trị dữ liệu; nền tảng phục vụ quản trị dữ liệu cũng được quy định rõ trong Nghị định này.