Chính sách ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ trong phát triển du lịch
Hiện nay, khoa học, công nghệ đang góp phần phát triển các tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch, như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… Thậm chí, nó còn có thể tạo sự tương tác trực tiếp với khách du lịch, như: góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch.
Công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng rộng rãi vào tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có ngành du lịch. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang giúp ngành Du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Phát triển du lịch ở Việt Nam
Trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, một trong những quan điểm quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch.
Tại Quyết định 1671/QĐ - TTg, phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội của một quốc gia, đặc biệt là trong việc phát triển ngành Du lịch. Đề án nêu rõ “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện được mục tiêu đặt ra, Chiến lược đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ: Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số.
Thực hiện phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Phát triển du lịch ở Bình Dương
Trong những năm qua, mặc dù đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn thấp, tuy nhiên du lịch Bình Dương ngày càng được khẳng định có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận quan trọng và có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2019, ngành Du lịch Bình Dương đón 5.150.000 lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.440 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 5%/năm về lượt khách và 6%/năm về doanh thu. Toàn tỉnh hiện có 27 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 10 đơn vị lữ hành quốc tế; 743 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 12.700 phòng, trong đó có 41 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao; đồng thời hệ thống nhà hàng, cơ sở ăn uống ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Nhằm đưa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào cuộc sống và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện tình hình phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương. Tập trung các nguồn lực xây dựng du lịch Bình Dương trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực có liên quan cùng phát triển, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Từng bước xây dựng phát triển thương hiệu du lịch Bình Dương. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch; thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bình Dương.
Trong Kế hoạch nêu rõ giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là phải Phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch ven sông; phát triển du lịch văn hoá, du lịch tâm linh; phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; phát triển loại hình du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm; phát triển sản phẩm du lịch tham quan khu công nghiệp, nhà máy sản xuất; phát triển loại hình du lịch thể thao; phát triển sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; phát triển du lịch công đồng, du lịch nông thôn gắn với sản phẩm đặc trưng và liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng.
Cùng với các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ, Bình Dương đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp lữ hành lớn phát triển các tuyến du lịch khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh trong chương trình kích cầu du lịch Đông Nam bộ: (1) Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ”; (2) Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”.
Ngọc Trang