Chương trình Phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ngày 25/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2559/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Chương trình này được thực hiện nhằm xác định các nhiệm vụ chủ yếu cần tổ chức thực hiện để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của đời sống, xã hội; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH); nâng cao mức đóng góp của ngành khoa học này vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 20%, góp phần đóng góp tối thiểu 5% GDP từ công nghiệp sinh học; xây dựng các trung tâm công nghệ sinh học, các phòng thí nghiệm trọng điểm có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp sinh học và kiểm định an toàn sinh học.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, phát triển tăng tối thiểu 50% các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; góp phần đạt tối thiểu 7% GDP từ công nghiệp sinh học; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp sinh học; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học, chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành, chủ động phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học.
Đồng thời, chú trọng và triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ sinh học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, giới thiệu mô hình doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong các lĩnh vực; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thu hút đội ngũ cán bộ chuyên ngành công nghệ sinh học để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học;…
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp các sở, ban ngành có liên quan thực hiện xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ và chuyển giao, áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; tăng cường các đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ thực phẩm và bảo vệ môi trường;… xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Thảo Nguyên