Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025
Ngày 22/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1632/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2011 -2015” với mục tiêu kiểm soát hiệu quả bệnh Lở mồm long móng (LMLM) trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng vi rút LMLM mới từ bên ngoài vào Việt Nam; xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) LMLM cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố; tiến tới xây dựng vùng ATDB cấp tỉnh; góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Chương trình đưa ra những nội dung thực hiện trọng tâm: Ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút LMLM từ bên ngoài vào Việt Nam; Phòng bệnh bằng vắc xin LMLM, tập trung tiêm phòng cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống; giám sát bệnh LMLM nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; về xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về vùng, cơ sở ATDB. Trong đó có quy định về lộ trình các cơ sở sản xuất, cung ứng gia súc giống phải đạt ATDB (có tiêm phòng vắc xin hoặc không tiêm phòng vắc xin).
Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh LMLM, nghiên cứu sản xuất vắc xin, hàng năm thu thập, gửi mẫu bệnh phẩm, vi rút LMLM đến các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế của OIE, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) về bệnh LMLM để phân tích chuyên sâu, xác định chủng loại, đặc tính di truyền, đặc tính kháng nguyên, nghiên cứu đánh giá tương đồng kháng nguyên giữa vi rút thực địa và vi rút vắc xin, đánh giá hiệu lực các loại vắc xin để có cơ sở quyết định việc khuyến cáo lựa chọn chủng loại vắc xin phòng bệnh LMLM tại Việt Nam.
Kiểm soát vận chuyển, thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, thiết lập hệ thống nhận diện gia súc trên cơ sở thực hiện việc đánh dấu gia súc theo quy định; xây dựng dữ liệu về vận chuyển gia súc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch; xây dựng chiến lược truyền thông nguy cơ phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, loại hình truyền thông và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước…
Ánh Nguyệt