Chuyển đổi số: Con đường ngắn nhất để doanh nghiệp phát triển
Chuyển đổi số góp phần đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng, là một trong những động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề xã hội.
Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2019 và 60% vào năm 2021; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15% năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhiều nước trong trên thế giới đã xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số như: Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Mexico, Singapore, Thái Lan, Uruguay,… Nội dung chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số… đến nay nhiều nước đã có những thành tựu và đi đầu thế giới trong chuyển đổi số.
So với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức về mất việc làm trong bối cảnh chịu sự tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như robots. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa trong hai thập kỷ tới. Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tỉ lệ cao nhân công làm việc trong các lĩnh vực may mặc, nông nghiệp và bán lẻ, đây là những ngành có rủi ro bị thay thế cao.
Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, bắt buộc chúng ta phải chuyển đổi số để không tụt hậu, lỡ chuyến tàu 4.0.
Chính sách của nhà nước
Đứng trước những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trở mình, phát triển cùng với các doanh nghiệp trong khu vực.
Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mục tiêu đến năm 2025 là Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Về phía doanh nghiệp, Nghị quyết đưa ra chủ trương là hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng… và ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số.
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ đạo cho các Bộ, ngành là phải đề xuất giải pháp chính sách tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn thông tin, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo. Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ là phải ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong từng ngành và các công nghệ chiến lược, nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có tác động tan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, trọng tâm là: công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử; công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng; trí tuệ nhân tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học, điện tử y sinh.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); Kinh tế số chiếm 20% GDP và Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); Kinh tế số chiếm 30% GDP và Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Trong Chiến lược này, quan điểm của Chính phủ là lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số và Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
“Chuyển dịch” sang lĩnh vực công nghệ để phát triển
Nhắc đến “sự chuyển dịch” sang lĩnh vực công nghệ, chắc không ai không biết đến tập đoàn Vingroup. Trước khi thành lập VinFast, VinSmart và các công ty con chuyên về công nghệ, Vingroup thuần túy là một tập đoàn chuyên về bất động sản, dịch vụ và bán lẻ. Đến cuối năm 2018, cùng với xu thế cả nước tham gia vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính. Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, cụ thể:
Với mảng thương mại dịch vụ hiện có: Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động. Thương mại dịch vụ không chỉ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp.
Với mảng công nghiệp: Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh - gia dụng; mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.
Với mảng công nghệ: Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính. Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart. Công ty VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội.
Đặc biệt, Vingroup đã thành lập 3 công ty về lĩnh vực công nghệ vào cuối năm 2018: Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS: Vốn điều lệ 20 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100%. Ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect: Vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100%. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS: Vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 100%. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm.
Trong báo cáo tại Đại hội cổ đông thường niên tổng kết tình hình kinh doanh năm 2019 và thông qua kế hoạch năm 2020 cho biết tổng doanh thu năm 2019 đạt hơn 130.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.717 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 24% so với năm 2018. Trong thời gian tới, Vingroup khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, hướng đến cung cấp cho khách hàng dịch vụ tiện lợi, giá trị và xuyên suốt trong hệ sinh thái Vingroup.
Chuyển đổi số để tồn tại và tăng trưởng
Vào cuối năm 2019, cụm từ “chuyển đổi số hay là chết” được mọi người lan truyền từ một hội thảo do Shark Tank Việt Nam tổ chức và gần hơn nữa là vào tháng 8/2020, NXB Thông tin và Truyền thông vừa cho ra mắt cuốn sách Internet vạn vật (loT): Chuyển đổi số hay là Chết (Digitize or Die) của tác giả Nicolas Windpassinger. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề này không chỉ là chọn một trong hai mà vấn đề cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp lựa chọn sẽ là “chuyển đổi số sao cho thật nhanh để tồn tại”.
Từ kinh nghiệm của cuộc cách mạng công nghệ trước cho thấy, mọi ngành công nghiệp nếu không phát triển đủ nhanh sẽ ít cạnh tranh hoặc thậm chí lỗi thời khi họ phải đối mặt với sự gián đoạn và trong nghiên cứu về chuyển đổi số của Microsoft Châu Á chỉ ra rằng các lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu hành động hướng đến nhu cầu cần chuyển đổi kỹ thuật số để xử lý các thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở khu vực.
Trong cuộc cách mạng này, các doanh nghiệp phải tận dụng chuyển đổi số như một cơ hội để tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh; đưa chuyển đổi số vào chiến lược đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp giúp nâng cao năng suất lao động; hiệu suất công việc và thái độ làm việc của người lao động nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Xét cho cùng, chuyển đổi số là một chiến lược kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm. Khi chuyển đổi số thành công, năng suất hiệu quả của doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 30%.
Hiên nay, không chỉ tập đoàn lớn mới hành động mạnh mẽ mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến công nghệ, triển khai các quy trình, giải pháp chuyển đổi số nhỏ hoặc toàn bộ để tham gia vào chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp, của quốc gia, dần dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và khu vực:
Giải pháp áp dụng chuyển đổi số thành công của Mobifone là hệ thống ERP - Enterprise Resources Planning. Đây là hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ, kịp thời thông tin về các nguồn tài nguyên của mình, qua đó nâng cao năng lực quản trị, tăng cường khả năng điều hành, chỉ đạo, đảm bảo sản xuất kinh doanh. ERP đồng thời là cổng tổng hợp thông tin, kết hợp các dữ liệu bán hàng, tài chính, kế hoạch và các dữ liệu khác, phục vụ công tác điều hành, quản trị, giúp doanh nghiệp theo dõi kịp thời, chính xác các trạng thái nguồn lực để ra quyết định chính xác, kịp thời. Đây cũng sẽ là nền tảng giúp MobiFone chuyển mình mạnh mẽ trong mục tiêu chuyển đổi số doanh nghiệp, xây dựng Hệ sinh thái số hoàn thiện, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho MobiFone trong tương lai.
Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp qua việc ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử; và đã ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ khách hàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ của EVN, nâng cao trải nghiệm của khách hàng sử dụng điện. Bên cạnh đó, EVN cũng có những hệ thống để tối ưu hóa mạng lưới vận hành. Những ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và góp phần xây dựng nền kinh tế số. Một số hệ thống công nghệ thông tin tiêu biểu của EVN như: Phần mềm Quản lý văn phòng (E-office), Hệ thống thông tin Quản lý khách hàng (CMIS), phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS), phần mềm Quản lý kỹ thuật lưới và nguồn điện (PMIS), …
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã thành công số hóa mọi quy trình nghiệp vụ và quy trình trải nghiệm của khách hàng trong bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Sản phẩm của FWD nổi tiếng với thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ mua. Trong đó có thể kể đến sản phẩm bảo hiểm bệnh ung thư "FWD Sống khỏe" được giới thiệu trên Tiki vào năm 2018 và đến nay đã có hơn 15.000 khách hàng được bảo vệ với sản phẩm này.
BIDV iBank là sản phẩm ngân hàng điện tử trên nền tảng giao dịch đa kênh (web, thiết bị di động) của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV dành cho các khách hàng doanh nghiệp, định chế tài chính và khách hàng tổ chức, cho phép khách hàng quản lý tài khoản, xử lý giao dịch và quản lý dòng tiền.
TPBank đã xây dựng thành công hệ sinh thái ngân hàng số hoàn chỉnh, với những sản phẩm, dịch vụ như Ngân hàng tự động 24/7 LiveBank, app tiết kiệm điện tử Savy, cổng thanh toán mPOS, QuickPay, ngân hàng số eBank và các sản phẩm thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế, thẻ nội địa với nhiều tiện ích, an toàn, bảo mật, tích hợp công nghệ mang tính xu hướng như thanh toán không chạm, chip bảo mật thế hệ mới an toàn, hiện đại.
Chợ Nông sản điện tử (www.chonhaminh.gov.vn) của Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, 100% thương mại hàng hóa khi đưa vào Chợ Thương mại điện tử để tham gia giao dịch có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định. Các mặt hàng thương mại được phép kinh doanh trên chợ là từ các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, từ các mô hình sản xuất đã được chứng nhận (VietGAP, HACCP…).
Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả trong việc trải nghiệm cho khách hàng cũng như tăng trưởng của doanh nghiệp: Công ty CP Đầu tư Du thuyền và Sân Golf FLC Biscom; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam; Học viện Công nghệ thông tin ITPlus; Công ty TNHH Hệ thống Trí Thông minh nhân tạo Việt Nam; Công ty CP Đầu tư TM và Phát triển công ngệ FSI; Công ty TNHH MTV và Dịch vụ AGRHUB…
Chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, là cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp trở mình vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay bị bỏ lại phía sau cho những ai không quan tâm đến nó. Để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội, chứ không phải riêng một cá nhân, một tổ chức nào.
Trường Hải