Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu. Kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Việc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân và lực lượng lao động của chúng ta bắt kịp với những thay đổi của công nghệ số và chuyển đổi số tốt như thế nào sẽ xác định sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.
“Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” là một trong những quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là một trong những đột phá chiến lược quan trọng. Trong đó, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô là những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế - xã hội
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (68) -và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo phân tích của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Chiến lược chỉ ra khát vọng gia nhập nhóm các nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam. Điều đó có nghĩa nền kinh tế sẽ phải tiếp tục tăng trưởng ít nhất 5% theo đầu người trong 24 năm tới. Mục tiêu này có thể đạt được nhưng đầy thách thức; chỉ có một số ít quốc gia vươn lên thành công từ quốc gia thu thập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình trong 50 năm qua; và con số những quốc gia có khả năng chuyển từ thu thập trung bình lên thu nhập cao thậm chí còn ít hơn. Chỉ có 18 quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình trong năm 1965 trở thành quốc gia thu nhập cao tính đến năm 2013, bao gồm 5 nền kinh tế Đông Á (Đặc khu Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Nhật Bản; Singapore và Đài Loan, Trung Quốc). Khát vọng và thách thức đối với Việt Nam là phải trở thành một trong những quốc gia chuyển mình thành công như thế.
Phải đi nhanh và đi đầu
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nước ta thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo; kinh tế số chiếm 20%GDP. Đến năm 2030, nước ta thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo; kinh tế số chiếm 30%GDP. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.
Trong bối cảnh hiện tại, nước ta có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số như: Nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số đã được Đảng và Nhà nước ban hành gần đây tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có nhiều hướng đi mới; Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở nước ta giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng.
Doanh số thương mại điện tử đã và đang tăng trưởng với tốc độ tương đương tốc độ tăng trưởng doanh số thương mại điện tử thế giới và cao hơn so với tăng trưởng GDP. Năm 2020, giá trị thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD - 2,5% GDP. Ước tính khoảng 53% dân số đã mua hàng trực tuyến qua các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo hoặc các nền tảng thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki... Việc sử dụng các nền tảng số dẫn đến doanh số tăng trung bình 4,3% sau khi đã tính đến các yếu tố như quy mô doanh nghiệp, địa bàn và lĩnh vực…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà chúng ta phải quan tâm đó là những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống có thể bị gián đoạn hoặc chấm dứt, tổ chức, doanh nghiệp có thể bị phá sản hoặc bị thay thế; nhân lực chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, người dân chưa có đủ kỹ năng số cần thiết; vấn đề an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của con người trên không gian mạng bị đe dọa…
Như vậy, chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.
Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy, để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số và thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.
Thy Diễm