Chuyển đổi số quốc gia: Động lực cho doanh nghiệp đổi mới và phát triển
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số được hiểu là một bước phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý số liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Chính sự phát triển đột phá này của công nghệ đã cho phép chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện mà trước kia không thể làm được.
Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và quá trình chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong Nghị quyết 52/NQ-TW là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ định hướng đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu. Ngoài ra, hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội, từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam.
Đề cập đến điểm mạnh của chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, “Nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng và Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, đây là điểm mạnh của nước ta thể hiện ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ; hạ tầng công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng công nghệ phát triển rất nhanh; nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu; điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên” [3]
Về cơ hội, Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng; Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình; Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. [3]
Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của chúng ta. Chuyển đổi số cũng là cơ hội cuối cùng của chúng ta trong vòng vài thập kỷ tới. Những đột phá về công nghệ số đều thai nghén trong nghiều chục năm mới có một lần. Chúng ta không tiến khi người khác tiến là chúng ta đã tụt lại. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa, do người đi trước thắng cuộc là người lấy được tất cả.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức, vì sự thay đổi nên trước tiên đó là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức. Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy và nhận thức. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chuyển đổi số nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng các nền tảng.
Có thể nói, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, nhưng doanh nghiệp phải giữ vai trò tiên phong. Chuyển đổi số là câu chuyện chung cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt ngành, nghề. Chuyển đổi số là sân chơi của tất cả doanh nghiệp mà ở đó bất kỳ ai đủ nhanh nhạy đều có thể nắm bắt được thời cơ. Doanh nghiệp công nghệ chỉ là một phần nhỏ, là những người tạo ra công nghệ số hoặc tư vấn ứng dụng công nghệ số. Theo quan điểm của Chính phủ trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia thì “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu”. Như vậy, những doanh nghiệp khác dùng công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số mới là phần lớn và là phần quan trọng nhất.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, trong Chương trình chuyển đổi số Chính phủ cũng đã đề ra nhiệm vụ phát triển 04 loại hình doanh nghiệp công nghệ số:
+ Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi;
+ Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất;
+ Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội;
+ Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Để phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đang Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030 phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Chuyển đổi số mang lại thay đổi lớn, làm gián đoạn toàn bộ nhiều ngành công nghiệp, đồng thời lại tạo ra sự sáng tạo “phá hủy” giúp một số doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển kỷ lục, nghĩa là vòng xoáy sáng tạo liên tục hình thành các sáng kiến mới và nghiền nát những cái cũ trên đường đi của nó. Đưa doanh nghiệp qua chặng đường chuyển đổi số không phải là việc dễ dàng. Khi vừa phải củng cố thế mạnh hiện tại, vừa xây dựng cho tương lai, nghĩa là người lãnh đạo phải quản lý đồng thời hai doanh nghiệp. Doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn chuyển đổi có thể sẽ giảm, trước khi có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện tại, quá trình chuyển đổi số hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn và nhanh chóng hơn.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số tại Việt Nam cần thực hiện theo cách của Việt Nam vì chuyển đổi số liên quan đến mọi ngành nghề và cần được tiến hành theo cách phù hợp với văn hóa Việt Nam. Mấu chốt quan trọng để chuyển đổi số thành công là cần có sự thay đổi trong nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các đơn vị. Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi mô hình, quản trị, mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động, vận hành và nên bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể, nằm trong khả năng, trong tầm tay. Nhận định chuyển đổi số là vấn đề toàn dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, với Việt Nam, những vấn đề vì nhân dân, cần sự hợp lực của toàn dân thì Việt Nam sẽ chiến thắng, sẽ làm được. [1].
Tài liệu tham khảo
1. https://dangcongsan.vn/khoa-giao/chuyen-doi-so-can-su-vao-cuoc-cua-chinh-phu-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-558486.html
2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3.http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/day-manh-qua-trinh-phat-trien-dat-nuoc-tren-nen-tang-so-qua-thuc-tien-phong-chong-dich-covid_19-va-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.html
Ngọc Loan