Chuyển giao kỹ thuật trong việc kết hợp GnRH, FGF 2α và CIRD nhằm cải thiện hiệu quả sinh sản của bò sữa
Trong những năm qua, đã có những nghiên cứu thành công đáng kể trong công tác nghiên cứu các giải pháp để gia tăng hiệu quả sinh sản trong chăn nuôi bò sữa như: Giảm stress nhiệt bằng hệ thống quạt gió - phun sương, phát triển nhiều nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, xây dựng khẩu phần ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sử dụng liệu pháp hormone để khắc phục những rối loạn sinh sản.
a. Tên nhiệm vụ: Chuyển giao kỹ thuật trong việc kết hợp GnRH, FGF 2α và CIRD nhằm cải thiện hiệu quả sinh sản của bò sữa
b. Tổ chức chủ trì: Trung tâm Công nghệ Sinh học Chăn nuôi
c. Họ và tên chủ nhiệm: Tiến sĩ Đoàn Đức Vũ
và những người tham gia chính:
1. Tiến sỹ Phạm Văn Quyến
2. Kỹ sư Nguyễn Thị Thủy Tiên
3. Kỹ sư Giang Vi Sal
4. Cán bộ kỹ thuật Bùi Văn Phi
5. Cán bộ kỹ thuật Nguyễn Văn Hậu
6. Cán bộ kỹ thuật Vương Quốc Tảo
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Hiện nay, ngoài một số trang trại chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn của các công ty như: Vinamilk, THMILK, Hoàng Anh Gia Lai, đàn bò sữa vẫn tập trung ở các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, đi đôi với việc gia tăng về tổng đàn bò (từ 41 nghìn con tăng lên 200 nghìn con vào năm 2015), tỷ lệ máu bò Holstein Friesian trong con lai ngày càng tăng và kéo theo sự gia tăng về sản lượng sữa nhưng hiệu quả sinh sản lại giảm xuống.
Như vậy, để giảm giá thành trong chăn nuôi bò sữa, ngoài việc gia tăng sản lượng sữa còn cần phải cải thiện hiệu quả sinh sản của đàn bò trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Xuất phát từ thực tế trên, tiến sỹ Đoàn Đức Vũ thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học Chăn nuôi đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Chuyển giao kỹ thuật trong việc kết hợp GnRH, FGF 2α và CIRD nhằm cải thiện hiệu quả sinh sản của bò sữa” bằng việc ứng dụng liệu pháp hormone để giải quyết những trường hợp bò sữa bị chậm động dục và bò sữa phối giống nhiều lần không đậu thai trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong những năm qua, đã có những nghiên cứu thành công đáng kể trong công tác nghiên cứu các giải pháp để gia tăng hiệu quả sinh sản trong chăn nuôi bò sữa như: Giảm stress nhiệt bằng hệ thống quạt gió - phun sương, phát triển nhiều nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, xây dựng khẩu phần ăn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sử dụng liệu pháp hormone để khắc phục những rối loạn sinh sản.
Theo đó, sự rối loạn sinh sản là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn hoặc đình chỉ tạm thời hay lâu dài chức năng sinh sản. Những nhân tố gây nên bao gồm: Chế độ nuôi dưỡng không thích hợp, khiếm khuyết di truyền, bệnh lý hoặc những dị thường về đường sinh dục, sự tiết không bình thường của một số hormone và thoái hóa giống do quản lý giống không tốt.
Điển hình, nhóm tác giả thực hiện dự án đã nghiên cứu, tìm hiểu những yếu gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao khả năng sinh sản của bò sữa như:
- Nhiệt độ và ẩm độ môi trường: gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất cũng như hiệu quả sinh sản của bò sữa. Đặc biệt đối với các giống bò có nguồn gốc từ ôn đới và đang được nuôi ở các nước nhiệt đới.
- Stress nhiệt: Ảnh hưởng đến năng suất sữa, sự biểu hiện và thời gian động dục, sự phát triển của nang noãn và tỷ lệ thai.
- Dinh dưỡng: bao gồm các khẩu phần thiếu hụt hoặc dư thừa năng lượng và protein so với nhu cầu, thành phần dinh dưỡng trong thức ăn thô và thức ăn tinh; hàm lượng các nguyên tố đa/vi lượng… có thể tồn tại trong thức ăn. Nếu cung cấp dư năng lượng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn và kéo theo tình trạng thiếu hụt năng lượng ở giai đoạn sau khi đẻ của bò sữa.
- Chăm sóc, quản lý: Với phương thức chăn nuôi cầm cột, thiếu sự vận động, không phân nhóm… sẽ dẫn đến tình trạng sinh sản kém đối với đàn bò sữa ở Việt Nam.
Với mục tiêu nghiên cứu của dự án: Đánh giá được hiện trạng chăn nuôi bò sữa và những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sinh sản ở bò sữa của tỉnh Bình Dương; Đánh giá được hiện trạng sinh sản của đàn bò sữa và phân nhóm được những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng trên những bò sữa trục trặc sinh sản; Chuyển giao quy trình chẩn đoán bệnh sinh sản và sử dụng kết hợp các hormone GnRH, FGF 2α và CIRD để xử lý trục trặc sinh sản ở bò sữa; Xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa có áp dụng các giải pháp tổng hợp để cải thiện khả năng sinh sản ở bò sữa
Sau 36 tháng nghiên cứu và áp dụng các phương pháp phân tích; quy trình chẩn đoán nguyên nhân và phân nhóm bệnh lý cũng như thực hiện xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp tổng hợp để nâng cao khả năng sinh sản ở bò sữa, dự án đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
1. Tìm ra những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng sinh sản kém ở đàn bò sữa như: Công tác quản lý của chủ hộ còn yếu, điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, chưa có sân chơi cho đàn bò; chưa khắc phục được tình trạng nóng ẩm trong chuồng; nguồn thức ăn có chất lượng cao chưa đảm bảo, chế độ nuôi dưỡng còn thiếu kinh nghiệm
2. Hiệu quả sinh sản của đàn bò sữa chưa cao tại thời điểm điều tra
3. Quy trình sử dụng kết hợp các loại hormone GnRH, FGF 2α; CIRD và gieo tinh vào thời điểm xác định có tác dụng tốt trong việc xử lý hội chứng trục trặc sinh sản ở bò sữa
4. Mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp, bao gồm cải tiến tiểu khí hậu chuồng nuôi và phương thức nuôi dưỡng góp phần nâng cao khả năng sinh sản của bò sữa và mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa.
Kết quả cuối cùng của dự án đã áp dụng những giải pháp tổng hợp để cải thiện khả năng sinh sản ở bò sữa. Đồng thời, giúp cho người chăn nuôi có được cái nhìn thực tế và thấy rõ được hiệu quả mang lại khi ứng dụng mô hình vào hoạt động chăn nuôi bò sữa.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 03/2013
- Thời gian kết thúc: 03/2016
g/ Kinh phí thực hiện: 725.3 triệu đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)