Cơ hội chuyển giao khoa học công nghệ trong CPTPP
Cùng với các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết thì Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2019, đây chính là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận với khoa học công nghệ (KHCN) của các nước phát triển nhằm nâng cao sản xuất, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ (CGCN).
Điều kiện thuận lợi cho DN
Theo đánh giá của Bộ KHCN, thì hiện nay CGCN ở nước ta chủ yếu là CGCN thông qua dự án đầu tư nước ngoài (FDI), phần lớn các nhà đầu tư đồng thời là bên giao công nghệ chủ yếu dưới hình thức công ty mẹ CGCN cho công ty con thông qua các dự án 100% vốn FDI. Còn việc CGCN trong nước chủ yếu do doanh nghiệp tự tìm kiếm, mua thiết bị sản xuất kèm theo công nghệ từ nước ngoài và một số công nghệ được chuyển giao qua việc đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ông Trần Ngọc Hậu, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN) cho rằng, với CPTPP đã mở ra một hướng mới cho việc CGCN. Ngoài việc được tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại thì cũng mở ra một thị trường công nghệ “đa dạng” cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường trong khu vực CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc CGCN từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, CPTPP có các quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ (SHTT). Các nghĩa vụ về bảo hộ SHTT trong CPTPP giúp các doanh nghiệp được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn...
Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở KHCN nhấn mạnh, với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Bên cạnh đó, còn có nhiều loại thuế được xóa bỏ, các chuyên gia kinh tế cho hay, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Theo đó, CPTPP mang lại rất nhiều lợi ích về cải cách thể chế, về xuất khẩu, về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đòn bẩy cho một số ngành có sự tăng trưởng đột phá, về xã hội, lao động…
Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, việc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78 - 95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 - 10 năm, đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 98 - 100% số dòng thuế. Như vậy, từ ngày 14/1/2019, hàng nghìn dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình cho hàng Việt. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các hiệp định thương mại đã ký kết.
Cũng cần cẩn trọng
Bên cạnh việc mở ra cơ hội lớn cho việc CGCN thì CPTPP cũng là “con đường” để các công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu về Việt Nam thông qua việc chuyển giao toàn bộ dây chuyền, thiết bị sản xuất. Để kiểm soát, ngăn chặn công nghệ lạc hậu nhập vào Việt Nam, trước khi CPTPP có hiệu lực thì Quốc Hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành Luật, Nghị định, Thông tư… trong đó cụ thể là Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) 2017.
Các chuyên gia cũng nhận định, thực trạng của doanh nghiệp nước ta hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới còn hạn chế, lại thiếu nguồn vốn đầu tư, việc mở rộng quy mô sản xuất khó khăn, khoa học công nghệ lạc hậu, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao còn thấp nên năng suất lao động kém…
Theo ông Phạm Hồng Quách, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN) thì ngoài quy định về thẩm định công nghệ, Luật cũng sửa đổi tiêu chí xác định công nghệ được khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; bổ sung cơ chế quản lý đối với từng loại công nghệ, bảo đảm nắm được các luồng công nghệ chuyển giao. Cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động CGCN, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
“Mặc dù trong CPTPP có các cam kết về hàng “tân trang” nhưng sẽ có “lách luật”. Do đó, dự kiến trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ có các kiến nghị để điều chỉnh một số quy định pháp luật về CGCN cho phù hợp với các quy định của CPTPP, trong đó có các vấn đề liên quan đến SHTT, CGCN”, ông Quách nói.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn không thể không nhắc đến đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Một số ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều khi tham gia CPTPP như da giày, dệt may…cũng gặp rào cản về quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Sở KHCN tỉnh cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên nắm rõ các các quy định của CPTPP cũng như các quy định của pháp luật trong việc CGCN để tăng cường chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như hạn chế việc chuyển giao các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường.
Hoàng Nhân