Cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Cùng với đó, nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đã được triển khai; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh; các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động tham gia vào các hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, chỉ số cạnh tranh. Từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Doanh nghiệp là trung tâm cho sự phát triển
Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn tồn tại, tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia vào hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nói riêng. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa hoạt động trong lĩnh vực này như: Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020”; Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương về ban hành “Quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương về ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Quyết định số 826/QĐ-UBND, ngày 27/3/2020 của HĐND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”…
Đặc biệt, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó, tỉnh sẽ triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua xây dựng mới cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng có sẵn để hình thành cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục thực hiện và thay đổi, bổ sung một số nội dung, hạn mức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trong đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025” cho phù hợp với Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng
Các hoạt động đầu tư hạ tầng trong thời gian qua được chú trọng. Đặc biệt, ngày 19/3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án “Thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương” - BIIC dưới sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ. Sau khi được thành BIIC trở thành trung tâm hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của tỉnh với nhiều hoạt động hỗ trợ được triển khai hàng năm như cung cấp không gian mở, cơ sở vật chất để các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đến tư vấn chính sách, phát triển ý tưởng và kết nối mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
BIIC đóng vai trò trung tâm kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh như: Vườn ươm doanh nghiệp tại Trường Đại học Quốc tế miền Đông; Câu lạc bộ khởi nghiệp tại Trường Đại học Thủ Dầu Một; Tổ chức hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại Trường Đại học Bình Dương… Trung tâm còn làm cầu nối giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tham gia vào các thị trường mới.
Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất với nhiều phòng thí nghiệm, thực nghiệm thuộc các lĩnh vực được đầu tư trang thiết bị hiện đại gắn với nhu cầu thực tiễn ngành nghề của địa phương:
(1) FabLab Trường Đại học Quốc tế miền Đông là mô hình điển hình trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Bình Dương, với ba khu chính: khu lên ý tưởng, khu thiết kết và khu chế tác và tạo mẫu nhanh, các khu được trang bị một loạt các công cụ hỗ trợ chế tác, điều khiển bằng máy tính linh hoạt. Bao gồm nhiều nguyên lý gia công: Khoa, cắt, bồi đắp và khắc laser hỗ trợ nhiều vật liệu khác nhau. Với mục đích làm ra các mẫu prototype với thời gian nhanh nhất. Fablab EIU chính là xưởng chế tác ý tưởng trở thành sản phẩm thực tế. Đây là FabLab đầu tiên được công nhận bởi hệ thống FabLab thế giới;
(2) Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đông và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương - BIIC) được trang bị một số loại thiết bị ở nhiều lĩnh vực như điện tử, cơ khí, thiết kế với máy khắc laser mini, máy cắt decal, máy in 3D, máy CNC mini, kính hiển vi, máy hàn điện tử, máy cưa bào liên hợp 5 chức năng… phục vụ nhu cầu thực hiện các sản phẩm mẫu. Với những trang thiết bị ở FabLab, trong thời gian ngắn các bạn trẻ có thể thỏa sức thiết kế, sáng tạo, biến những ý tưởng thành những sản phẩm thực tế. FabLab tại BIIC cũng là FabLab thứ hai tại Bình Dương được công nhận bởi hệ thống FabLab thế giới.
(3) Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore), đây là một xưởng chế tạo được thành lập để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trong cộng đồng từ trẻ em đến người lớn, từ học sinh đến sinh viên, từ cá nhân đến cộng đồng, bao gồm cả các doanh nghiệp, viện trường biến ý tưởng của họ thành sản phẩm mới (thử nghiệm) bằng cách tạo điều kiện cho họ sử dụng một loạt các máy móc, thiết bị sản xuất cần thiết.
(4) Fablab phục vụ hoạt động nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng (Trường Đại học Thủ Dầu Một), là dự án nằm trong khuôn khổ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2025.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hợp tác, phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thành lập đội ngũ nghiên cứu và phát triển, khuyến khích nhân viên đổi mới sáng tạo, đóng góp vào phát triển của công ty thông qua việc thành lập Viện nghiên cứu và phát triển của Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) và Công ty TNHH Wustech Việt Nam lập phòng nghiên cứu và phát triển chung.
Phòng thí nghiệm chiếu sáng (Lighting Lab) được xây dựng tại trường Đại học Quốc tế miền Đông trên cơ sở hợp tác giữa Tổng Công ty Becamex IDC, Đại học Quốc tế miền Đông và Tập đoàn Philips Lighting (Hà Lan) và được xem như phòng thí nghiệm tiền đề trong kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Lighting Lab sẽ được sử dụng trong việc giảng dạy các môn học liên quan đến kỹ thuật chiếu sáng cho sinh viên EIU, giúp sinh viên được tiếp cận, nắm bắt, thực hành các công nghệ chiếu sáng hiện đại của Philips, đặc biệt là các bài thí nghiệm được thiết kế với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Philips…
Song song đó, hệ thống các cơ sở hạ tầng cũng được tỉnh chú trọng đầu tư nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn:
+ Vùng đổi mới sáng tạo: được quy hoạch lấy thành phố Thủ Dầu Một làm trung tâm, qua đó hình thành nên hệ sinh thái giáo dục và đào tạo, trung tâm thương mại, khu đô thị chất lượng cao; phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho thương mại điện tử… với khu công nghiệp khoa học và công nghệ cao được quy hoạch tại huyện Bàu Bàng để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, ít thâm dụng lao động vừa phục vụ cho phát triển hệ sinh thái thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao.
+ Dự án Trung tâm Thương mại Thế Giới tại thành phố mới Bình Dương (WTC), là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị theo mô hình thành viên được thành lập để hỗ trợ vận hành các trung tâm thương mại thế giới. Tổ chức được thành lập nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại và cơ hội đầu tư cho các nhà phát triển bất động sản thương mại, các cơ quan phát triển kinh tế khu vực và các doanh nghiệp quốc tế mong muốn kết nối toàn cầu để phát triển khu vực địa phương. WTC có quy mô hơn 15.000 m2, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
+ Dự án xây dựng tòa nhà cao tầng A9 tại vòng xoay trung tâm thành phố mới có diện tích gần 25ha, cao 30 tầng nổi và 2 tầng hầm. Với quy mô 14.000m, nơi đây sẽ là nơi phục vụ cho các sự kiện triển lãm, các hoạt động đa năng như: nhà hàng, hội nghị tầm cỡ quốc tế, thể thao trong nhà, sân khấu… đặc biệt có nhiều khu vực, văn phòng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp
+ Dự án BLOCK71 sẽ được xây dựng tại Việt Nam với sự hợp tác giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Đại học Quốc gia Singapore. Trong đó, Đại học Quốc gia Singapore sẽ có sự hỗ trợ phát triển, tư vấn, kết nối… cho các dự án khởi nghiệp. "Block 71" là hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo rất thành công tại Singapore, Dự án này được triển khai tại Việt Nam sẽ là sự mở rộng mới nhất của mạng lưới cửa ngõ khởi nghiệp quốc tế thuộc NUS, giúp cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ của NUS tiếp cận các thị trường mới, và ngược lại, thúc đẩy tiếp cận các chương trình giáo dục và đổi mới sáng tạo tại NUS cho sinh viên và doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam…
Việc hạ tầng cơ sở vật chất về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn được đầu tư, phát triển đồng bộ với kỳ kỳ vọng sẽ là địa chỉ thúc đẩy hình thành hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp đối với một số ngành công nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trên cơ sở đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực khác có ý nghĩa quan trọng về khoa học công nghệ, có khả năng thúc đẩy sự phát triển và tăng tưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo không gian tập trung với sự tham gia của các thành phần cần thiết của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm kết nối, tận dụng những ưu điểm của mỗi thực thể trong mạng lưới để xây dựng một hệ thống bền vững. Đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, ươm tạo công nghệ, tối ưu hóa, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân.
Với cơ sở hạ tầng và hoạt động đã triển khai, tháng 10/2018, Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam đạt được Smart21 và chính thức trở thành thành viên của ICF. Đến tháng 10/2019, Bình Dương được vinh danh lần thứ hai. Kết quả này cũng góp phần nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế; tạo "đà" cho sự bứt phá kinh tế - xã hội; mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 Thành phố thông minh thịnh vượng khắp thế giới của ICF; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và các viện, trường trên thế giới; đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.Và năm 2019, Bình Dương cũng đã gia nhập Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới, lấy thương hiệu Trung tâm thương mại Thành phố mới Bình Dương (World Trade Center Binh Duong New City).
Giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Đẩy mạnh Tuyên truyền, phổ biến các chính sách của nhà nước hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các Kênh truyền thông trực tuyến, Cộng tác viên hỗ trợ tại các hội nhóm Doanh nghiệp tại tỉnh.
Phát triển các Chương trình truyền thông về: Hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư, tuyên truyền điển hình khởi nghiệp trên tất cả các nền tảng truyền thông. Triển khai Chuyên mục, chuyên trang về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp địa phương, các đối tác tổ chức các ngày hội, sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hội nghị, hội thảo, diễn đàn, gặp gỡ, đối thoại trực tuyến với các chuyên gia trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kết nối thị trường, nhà đầu tư, các chương trình ươm tạo chuyên sâu cho các dự án/ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Xây dựng và kết nối phát triển hệ thống cố vẫn hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ, giảng viên nòng cốt và tổ chức các hoạt động khởi nghiệp
Đặc biệt, trong năm tới cần triển khai hiệu quả nội dung về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 của UBND tỉnh Bình Dương. Thúc đẩy xây dựng và phát triển cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, Khu làm việc chung, Tổ chức dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương tạo nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và hoạt động truyền thông thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và dự án tham gia phát triển hệ sinh thái.
Ngọc Trang