Công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là bệnh gì?
Bệnh Alzheimer hay còn gọi là bệnh mất trí nhớ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Alzheimer ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và tư duy. Bệnh tiến triển chậm và thường bắt đầu với triệu chứng đãng trí nhẹ. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường bị tổn thương não nghiêm trọng.
Trung bình người bệnh chỉ có thể sống được từ 8 - 10 năm kể từ khi mắc bệnh này. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp có thể sống lâu hơn nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Tùy vào mỗi người, mà bệnh có thể diễn tiến nhanh hay chậm. Dù bệnh này thường không do yếu tố di truyền, nhưng nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Triệu chứng thường gặp
Triệu chứng đầu tiên của bệnh Alzheimer thường là đãng trí, bao gồm quên tên hoặc nơi vừa đặt đồ vật.
Triệu chứng kế tiếp là trí nhớ và tư duy bất thường, bao gồm quên tên người quen, hỏi cùng một câu hỏi hoặc kể một câu chuyện tương tự nhiều lần và gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ trong cuộc sống hằng ngày.
Trong giai đoạn sau của bệnh, người bệnh cần được giúp đỡ nhiều hơn và ở giai đoạn cuối họ cần phải được chăm sóc một cách toàn diện. Người bệnh Alzheimer ở giai đoạn cuối thường hay đi lang thang hoặc bị lạc, thay đổi cảm xúc và tính cách, và không thể hoạt động thể chất bình thường nữa.
Phương pháp chẩn đoán, điều trị
Bệnh Alzheimer không thể chữa khỏi. Thuốc được chỉ định chỉ có thể làm chậm diễn tiến bệnh, bao gồm thuốc ức chế cholinesterase và memantine. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc an thần giúp giảm lo âu, trầm cảm, kích động, và các vấn đề về hành vi khác. Người bệnh sẽ gặp khó khăn thích nghi với sự thay đổi môi trường sống, vì vậy bạn nên cố gắng không thay đổi môi trường sống của người bệnh (nhà ở, người chăm sóc,…) trừ khi thật cần thiết. Bạn nên in thông tin quan trọng và đặt ở một vài nơi trong nhà.
Việc phát hiện sớm căn bệnh này là rất quan trọng, nó sẽ giúp đưa ra các phương án điều trị kịp thời, giảm quá trình suy giảm trí nhớ. Mới đây nhất, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Bari, Ý đã phát hiện ra trí thông minh nhân tạo giúp phát hiện ra những thay đổi nhỏ nhất trong cấu trúc não bộ trước 10 năm kể từ khi căn bệnh phát tác.
Kết quả này đã được các nhà nghiên cứu phân tích sự liên kết giữa các tế bào (neuron) thần kinh từ việc chụp cộng hưởng MRI 67 bản, trong đó 38 từ bệnh nhân Alzheimer và 29 từ người bình thường. Thuật toán này sau đó được thử nghiệm với 148 người (52 người khỏe mạnh, 48 người đã bị Alzheimer và 48 người mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ sẽ phát tác thành Alzheimer trong 2,5 đến 9 năm tới). Kết quả chẩn đoán chính xác 86% trong khoảng thời gian đó, quan trọng hơn nó giúp phát hiện chứng suy giảm nhận thức nhẹ (Mild Cognitive Impairment) với độ chính xác đạt 84%, là cơ sở để chẩn đoán sớm bệnh này. Trong tương lai với những nghiên cứu mẫu và sự phát triển của AI thì phương thức chẩn đoán này sẽ còn chính xác và tin cậy hơn.
Trần Phước (Tổng hợp từ Internet)