Công nghệ sấy trong bảo quản và chế biến nông thủy sản
Trong công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản, sấy là một trong những phương pháp có lịch sử lâu đời nhất và được sử dụng phổ biến nhất. Công nghệ này làm giảm hàm lượng ẩm có trong nguyên liệu; từ đó, làm giảm hoạt độ của nước, ức chế các biến đổi do có sự hiện diện của nước như: Sự phát triển của vi sinh vật, sự xúc tác của các enzyme. Bên cạnh đó, sấy còn góp phần tạo những biến đổi về mặt hóa học và cảm quan; từ đó tạo ra những thuộc tính đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đối với nông sản sấy, các đặc trưng liên quan đến chất lượng sau đây thường được quan tâm: Vi sinh vật trong quá trình sấy (các độc tố do vi sinh vật gây ra, các vi sinh vật gây bệnh, các vi sinh gây hư hỏng thực phẩm, hư hỏng về cấu trúc, tổn thất dinh dưỡng, mùi vị xấu…); hóa học (Các phản ứng tạo màu, phản ứng oxi hóa, sự thay đổi các thành phần tạo mùi…); sự thay đổi về tính chất vật lý của nguyên liệu (khả năng tái hút ẩm, khả năng hòa tan, sự thay đổi cấu trúc, sự co lại của nguyên liệu…); sự biến đổi của các thành phần dinh dưỡng trong nguyên liệu (trong cácloại nguyên liệu giàu vitamin và các hoạt chất sinh học như trái cây, dưới tác dụng của nhiệt độ, các thành phần này dễ bị tổn thất, từ đó, làm giảm giá trị dinh dưỡng của nguyên liệu)
Quá trình sấy là một trong những quá trình tiêu hao năng lượng, có thể có các tổn thất như: tổn thất trong dòng khí thải, tổn thất trong nguyên liệu, tổn thất do rò tác nhân sấy và tổn thất do sấy quá mức yêu cầu. Tuy nhiên, có thể áp dụng các giải pháp sau để tiết kiệm nguyên liệu đáng kể: Kiểm soát tốt quá trình sấy để tránh sấy quá mức: có thể tiết kiệm 25 - 35% năng lượng; hồi lưu tác nhân sấy hoặc sử dụng nhiệt này cho mục đích hữu ích khác có thể tiết kiệm 25% năng lượng; kiểm soát lưu lượng tác nhân sấy phù hợp có thể tiết kiệm 25% năng lượng; thiết kế và vận hành lò hơi phù hợp có thể tiết kiệm 10% năng lượng và cách nhiệt tốt trong hệ thống sấy có thể tiết kiệm 5% năng lượng.
Trong điều kiện phát triển của ngành nông nghiệp và chế biến nông sản hiện nay, những vấn đề đang được ngành quan tâm để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng các phương pháp sấy trong công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản như: Phát triển phương pháp sấy một số loại nguyên liệu để tạo sản phẩm có các tính chất đặc trưng mà nó không thể được tạo ra khi thực hiện theo các theo phương pháp sấy truyền thống; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sấy; cải thiện chất lượng sản phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm trong quá trình sấy tốt hơn; tìm kiếm các giải pháp để thực hiện quá trình sấy an toàn hơn: giảm nguy cơ cháy nổ, giảm các mối nguy liên quan tác nhân sấy, vận hành an toàn; nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc giảm chi phí thực hiện quá trình sấy; sử dụng năng lượng tái tạo; tối ưu hóa tốc độ bốc hơi ẩm dựa trên đường cong sấy, giảm hiện tượng sấy quá mức (overdrying); giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường.
Minh Thanh (Nguồn: Cesti)