Công tác xã hội với việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi hòa nhập cộng đồng (Nghiên cứu tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương).
Công tác xã hội (CTXH) đối với trẻ em mồ côi là một trong những lĩnh vực chuyên biệt của nghề Công tác xã hội nhằm giúp trẻ em mồ côi đáp ứng được đúng những nhu cầu mà trẻ em mồ côi cần, tạo điều kiện và cơ hội giúp các em hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Chính vì những lý do đó, tác giả Trần Thị Bé đã thực hiện luận văn “Công tác xã hội với việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi hòa nhập cộng đồng (Nghiên cứu tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương (TTBTCTXH))” vào năm 2022 với mục tiêu nghiên cứu thực trạng Công tác xã hội với hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương. Áp dụng tiến trình công tác xã hội cá nhân để đánh giá vai trò của nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) đối với trẻ em mồ côi tại TTBTCTXH từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò của Công tác xã hội với hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm.
Cụ thể hơn, đề tài đã thực hiện mục tiêu tìm hiểu thực trạng công tác xã hội với hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi tại TTBTCTXH (những mặt đã làm được và những tồn tại, hạn chế của hoạt động này). Tìm hiểu, nhận diện đặc điểm tâm lý của trẻ em mồ côi và những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập cộng đồng của trẻ. Thực hành công tác xã hội cá nhân với 01 trường hợp trẻ em mồ côi, từ đó đánh giá vai trò quan trọng của nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm. Xây dựng cơ sở lý luận làm nền tảng trong nghiên cứu đề tài.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đề tài đã đưa ra các cơ sở lý luận của công tác xã hội với hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi, tác giả đã làm rõ một số khái niệm liên quan đến đề tài như: khái niệm công tác xã hội, trẻ em, trẻ em mồ côi, hòa nhập cộng đồng… Tìm hiểu các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có tương quan đến đề tài nghiên cứu nhằm kế thừa những kết quả nghiên cứu đã công bố có liên quan đến đề tài.
Trong luận văn, tác giả vận dụng các lý thuyết xã hội như thuyết nhu cầu của Abraham Maslow và lý thuyết năng động tâm lý của S.Freud làm cơ sở lý luận để luận giải vấn đề.
Bên cạnh đó, qua phỏng vấn sâu 02 Lãnh đạo, 04 NVCTXH và 06 trẻ em mồ côi tại TTBTCTXH tỉnh Bình Dương, tác giả đã đánh giá được Thực trạng sự đáp ứng nhu cầu cho trẻ em mồ côi tại Trung tâm. Nhìn chung, Trung tâm đã đáp ứng được một số nhu cầu cơ bản của trẻ em mồ côi như nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn. Một số nhu cầu khác như nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu khẳng định bản thân thì mặc dù Trung tâm có thực hiện nhưng mức độ đáp ứng nhu cầu còn thấp.
Thực trạng các hoạt động hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi tại Trung tâm. Ở hoạt động này, nếu xem xét một cách khách quan thì tuy TTBTCTXH chưa phải là một tổ chức CTXH chuyên nghiệp nhưng các hoạt động hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi mà Trung tâm đang triển khai thực hiện đã đem đến những kết quả nhất định như: tháo gỡ những vướng mắc về giao tiếp trong mối quan hệ giữa các trẻ với nhau, trang bị cho trẻ những kỹ năng hòa nhập cộng đồng. Qua phỏng vấn sâu, tác giả cũng đánh giá được những hạn chế của hoạt động hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi tại Trung tâm như: Quy trình tham vấn tư vấn chưa được thực hiện liên tục, một số NVCTXH chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức chuyên sâu về tâm lý trẻ em mồ côi. Về thực trạng những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em mồ côi đang nuôi dưỡng tại Trung tâm, tác giả trình bày 02 nguyên nhân chính đó là: yếu tố từ bản thân trẻ và những nguyên nhân, hạn chế từ phía Trung tâm.
Trên cơ sở những nội dung lý luận và những đánh giá về thực trạng, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò công tác xã hội trong hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi tại TTBTCTXH trong thời gian tới. Cụ thể đối với nhóm giải pháp về công tác quản lý: nâng cao nhận thức cho Ban Lãnh đạo, đội ngũ cán bộ quản lý về vai trò của CTXH trong hoạt động hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi; nâng cao năng lực và số lượng đội ngũ NVCTXH tại Trung tâm; cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng mô hình quản lý trường hợp (quản lý ca) đối với trẻ em mồ côi. Đối với giải pháp nâng cao kỹ năng cho trẻ em mồ côi: giáo dục rèn luyện kỹ năng sống; Xây dựng các mô hình chăm sóc thay thế giúp hình thành kỹ năng và phát triển các mối quan hệ cho trẻ em mồ côi.
Có thể thấy luận văn là công trình nghiên cứu trực tiếp và có hệ thống về hoạt động hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi, sẽ góp phần luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền của trẻ em. Sau khi hoàn thành, luận văn sẽ là công trình khoa học có giá trị tham khảo việc nghiên cứu hoạt động tham vấn hỗ trợ tâm lý đối với trẻ em mồ côi tại các cơ sở nuôi dưỡng.
Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu phản ánh được thực trạng của hoạt động công tác xã hội với hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi tại TTBTCTXH tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đó Ban lãnh đạo Trung tâm có cách điều chỉnh, bổ sung các mô hình hoạt động phù hợp hơn với tình hình thực tế tại đơn vị. Mặt khác, nhân viên tại Trung tâm cũng sẽ có cách chăm sóc, giáo dục phù hợp hơn với trẻ em mồ côi.
Võ Thị Quế Trâm