Cục Sở hữu trí tuệ: Các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030
Năm 2019, đã có 3.293 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý hành chính với tổng số tiền phạt là 26,5 tỷ đồng, tăng 81,8% số vụ và 11% tổng số tiền phạt so với năm 2018. Ngoài ra đã có hơn 2 triệu sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị các cơ quan chức năng xử lý. Đối tượng bị xâm phạm nhiều vẫn là nhãn hiệu, chiếm 99% số vụ và 91,5% tổng số tiền phạt.
Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (Chiến lược) được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg vào năm 2019. Chiến lược này do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT), đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Trong khuôn khổ của Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tập trung trao đổi về việc triển khai thực hiện Chiến lược SHTT ở các địa phương. Bài viết này, tác giả xin tóm lược lại một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và vai trò của Sở KH&CN trong công tác triển khai của Cục SHTT.
Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và vai trò của Sở KH&CN
Ở địa phương, Sở KH&CN là đầu mối triển khai Chiến lược theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần xác định rõ SHTT không chỉ là vấn đề của ngành KH&CN mà có sự gắn kết mật thiết với các ngành, lĩnh vực khác. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Chiến lược thông qua nhiệm vụ “Lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực” và một loạt các nhiệm vụ khác.
Do vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị các Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các Sở ban ngành khác, ví dụ Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược chung của tỉnh, thành phố cũng như trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Tại Khoản 8 Điều 2 Quyết định số 1068/QĐ-TTg có nêu: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Do vậy, một số địa phương băn khoăn khi Chiến lược SHTT đến năm 2030 được ban hành trước khi có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Về cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chiến lược đều đi theo xu thế phát triển chung của thế giới và phù hợp với định hướng chung của Việt Nam (như kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý tài sản trí tuệ; đẩy mạnh thực thi quyền SHTT…). Riêng một số nội dung về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm/chủ lực… sẽ phụ thuộc vào định hướng, quy hoạch phát triển các ngành, địa phương nói riêng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Bên cạnh đó, một số ngành đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, ví dụ Chiến lược phát triển công nghiệp, Chiến lược phát triển du lịch…, đây cũng là cơ sở để các địa phương tham khảo khi xây dựng kế hoạch chi tiết.
Việc triển khai Chiến lược có thể được thực hiện theo cách thức sau: UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược của năm 2020 hoặc hai năm 2020-2021. Khi đã xác định các chỉ tiêu, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội (có liên quan và cần lồng ghép các vấn đề về SHTT) của địa phương (sau đại hội Đảng) thì xây dựng kế hoạch dài hạn/trung hạn (đến 2025 hoặc 2030).
Với các tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược đến 2030, có thể triển khai bằng các chương trình hành động hay kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn để xác định các nhiệm vụ ưu tiên.
Một số vấn đề trọng tâm
Chiến lược đặt ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính toàn diện và lâu dài để phát triển hệ thống SHTT. Từ góc độ quản lý nhà nước của các Sở KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng có một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây cần được chú trọng đẩy mạnh:
Một là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT: Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; xác định củng cố các đầu mối chuyên trách về SHTT tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở địa phương; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về SHTT.
Hai là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền SHTT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số…
Hỗ trợ xây dựng và ứng dụng phần mềm cung cấp thông tin, cảnh báo phát hiện vi phạm quyền SHTT; tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT và sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.
Ba là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ: Cung cấp dịch vụ thông tin SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các chương trình khoa học, công nghệ, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT, trong đó tăng cường sử dụng công cụ SHTT để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh; hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng.
Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT, bản đồ công nghệ, báo cáo phân tích thông tin SHCN và dự báo xu hướng phát triển công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng, triển khai hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức KHCN.
Xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo chuyên sâu về SHTT, trong đó: chú trọng đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và cán bộ quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của cộng đồng; ưu tiên đào tạo từ cơ bản đến nâng cao cho các nhóm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Bốn là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ: phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ bảo hộ và khai thác quyền SHTT ở nước ngoài; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tài sản trí tuệ.
Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các tài sản trí tuệ của Việt Nam ở trong và ngoài nước; hỗ trợ định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại, nhãn hiệu của các doanh nghiệp.
Năm là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT: nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.
Hỗ trợ liên kết sản xuất, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể.
Sáu là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT: tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền SHTT.
Hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, chủ thể quyền SHTT: Hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các tổ chức nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT, hỗ trợ thúc đẩy phát triển đội ngũ giám định viên, dịch vụ giám định SHTT và dịch vụ tư vấn pháp luật về SHTT.
Tổ chức, vận hành và nâng cao năng lực tổ chức chứng nhận độc lập phục vụ việc kiểm soát và quản lý các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tập thể là chủ sở hữu, chủ thể quản lý và khai thác các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Bảy là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng văn hóa SHTT: tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT.
Biên soạn, phát hành tài liệu về SHTT; tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, cuộc thi, triển lãm về kết quả hoạt động SHTT và văn hóa SHTT.
Trong các nhiệm vụ nêu trên, có những nhiệm vụ sẽ do Sở KH&CN chủ trì thực hiện, nhưng cũng có những nhiệm vụ Sở KH&CN chỉ đóng vai trò phối hợp, ví dụ nhiệm vụ về tăng cường sử dụng công cụ SHTT để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh như phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển ngành du lịch với những địa phương có ngành du lịch phát triển; về phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao… Vì vậy, Sở KH&CN có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp chặt chẽ với các Sở ban ngành, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu (Viện, trường) thực hiện các hoạt dộng cụ thể để triển khai Chiến lược SHTT.
Cục SHTT rất mong các Sở KH&CN cùng có ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nêu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết khi thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới để hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả Trung ương và địa phương được triển khai một cách hiệu quả, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Thy Diễm