Đánh giá dự báo chất lượng nước trên lưu vực sông cái tỉnh Ninh Thuận và đề xuất chương trình quản lý giám sát chất lượng nước.
Đây là luận văn thạc sĩ của tác giả Bùi Bình Dương được thực hiện vào năm 2021 với mục tiêu đánh giá và dự báo chất lượng nước trên lưu vực sông Cái đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ nguồn nước sông Cái đạt Quy chuẩn chất lượng nước mặt loại A theo như ban hành và phân bổ của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và nghị định số 38/2015/NĐ-CP ban hành.
Đồng thời, để làm cơ sở định hướng các mục tiêu chính của đề tài sẽ phải đạt, mục tiêu cụ thể được đặt ra là đánh giá hiện trạng, dự báo xả thải vào sông Cái, và diễn biến chất lượng nguồn nước sông Cái đến năm 2025 và đến năm 2035. Xác định khả năng tiếp nhận nước thải, khả năng tự làm sạch và sức chịu tải của sông Cái. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, chương trình quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm sông Cái hiệu quả phù hợp theo các kịch bản phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 của tỉnh Ninh Thuận trong tương lai.
Để thực hiện được đề tài tác giả đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp cận dựa vào cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc chất lượng nước trên lưu vực sông Cái cũng như số liệu về các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận, chọn lọc phân tích các kết quả nghiên cứu trước đó liên quan đến đề tài. Tiếp cận tích hợp thông tin (các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, các loại hình ảnh, ảnh viễn thám, bản đồ và hệ thống GIS...). Thêm vào đó, tác giả tiến hành đi khảo sát thực địa, tìm hiểu các hồ sơ, tình hình hoạt động của các đối tượng thuộc lưu vực sông Cái.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nước trên các đoạn sông thuộc thượng nguồn sông Cái về cơ bản đều có chất lượng tốt (chỉ số WQI tổng hợp đạt trên 76), trái ngược với các đoạn sông khu vực hạ lưu nơi có mật độ dân cư tập trung cao hơn cùng với sự tập trung dòng chảy từ các khu vực thượng lưu. Có thể thấy sự khác biệt giữa chỉ số chất lượng nước WQI giữa giai đoạn mùa khô (tháng 04) và giai đoạn cuối mùa mưa (tháng 11). Cụ thể một số đoạn sông trên sông chính sông Cái qua thị trấn Tân Sơn và xã Quảng Sơn huyện Ninh Sơn, sông Lu và sông Quao. Điều này có thể do sự ảnh hưởng của sự thay đổi nhu cầu nước đối với hai mùa. Bên cạnh đó việc mưa nhiều có tác dụng rửa trôi bề mặt đất, việc này có tác động không nhỏ đến chất lượng nước trên dòng chính, đặc biệt trong điều kiện tự do xả thải và chưa có hệ thống thu gom xử lý tập trung.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra được kết quả tính toán dự báo chất lượng nước và khả năng tiếp nhận theo các kịch bản. Trong quá trình phân tích, đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước thải xả vào sông, tác giả đã lựa chọn 6 kịch bản bất lợi nhất kết hợp giữa kịch bản chất lượng nước với phát triển kinh tế trong tương lai.
Kết quả diễn biến chất lượng nước của các kịch bản phát triển kinh tế xã hội được thể hiện qua hàm lượng DO, BOD, NH4, NO2, PO4 dọc theo các vị trí trên sông Cái. Các hàm lượng đánh giá các chất đều trong giới hạn cho phép theo QCVN 08-2015/BTNMT theo cột B1.
Kết quả tính toán tải lượng cho phép và khả năng tiếp nhận thành phần ô nhiễm trên lưu vực sông Cái theo từng đoạn. Từ đó xác định khả năng tiếp nhận nước thải, khả năng tự làm sạch và sức chịu tải của sông Cái. Trên cơ sở đó đề xuất hệ thống giải pháp quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm sông Cái hiệu quả phù hợp theo các kịch bản phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 của tỉnh Ninh Thuận trong tương lai bằng 5 giải pháp: Giải pháp thúc đẩy công tác quản lý môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Giải pháp cải thiện hệ thống quan trắc và xác định hiện trạng ô nhiễm trên lưu vực sông Cái; Giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Giải pháp đẩy mạnh quản lý theo lưu vực sông Cái; Giải pháp nâng cao nhận thức môi trường và sự tham gia của công chúng.
Thêm vào đó, tác giả cũng đã xây dựng và đề xuất chương trình quản lý giám sát chất lượng nước trên lưu vực sông Cái. Từ hiện trạng và diễn biến chất lượng nước mặt lưu vực sông Cái trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay đã có 7 vị trí, luận văn đề xuất thực hiện quan trắc tại thêm 11 vị trí như vậy tổng vị trí quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt trên khu vực nghiên cứu là 18 vị trí nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm sông Cái hiệu quả phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong tương lai.
Dựa vào kết quả nghiên cứu cho thấy sông Cái khả năng tiếp nhận nguồn thải từ các khu dân cư, chăn nuôi, công nghiệp không còn nhiều cho tất cả các kịch bản nghiên cứu. Thêm vào đó, trong số kịch bản thì sông Cái không còn khả năng tiếp nhận đối với các nguồn ô nhiễm khác.
Có thể thấy, các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp cơ quan quản lý đánh giá và dự báo mức độ ô nhiễm của lưu vực sông Cái. Trên cơ sở đó có kế hoạch sử dụng và bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm sông Cái hiệu quả phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong tương lai.
Ngọc Dung