Đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể đặt kính nội nhãn đơn tiêu điều chỉnh để có thị giác một mắt
Huỳnh Trần Dương Giang, Đỗ Văn Đoàn
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Đeo kính gọng hoặc phẫu thuật khúc xạ với chi phí cao là những yếu tố làm bệnh nhân không hài lòng khi phẫu thuật đục thuỷ tinh thể đặt kính đơn tiêu.
Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm, kết quả điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân mổ đục thủy tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một.
Phương pháp nghiên cứu: Đây là một nghiên cứu can thiệp lâm sàng không nhóm chứng, tiến cứu, cắt dọc. Nghiên cứu khảo sát 35 mắt của các bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt tại khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương từ 1/2019 đến 10/2019. Tất cả bệnh nhân được theo dõi 3 tháng sau điều trị.
Kết quả: Tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 62,34 ± 7,78 với lệ nam và nữ lần lượt là 42,86% và 57,14%. Trước mổ, thị lực logMAR 2 mắt trung ở khoảng cách xa và gần lần lượt là 0,39 ± 0,068 (~4/10) và 0,489 ± 0,062 (~3/10). Sau phẫu thuật, thị lực logMAR 2 mắt trung bình là 0,092 ± 0,045 (~ 8/10) cho khoảng cách xa và 0,084 ± 0,051 (~8/10) cho khoảng cách gần, cải thiện có ý nghĩa thống kê so với trước mổ. Tỉ lệ bệnh nhân không phụ thuộc kính đạt 71,43%. Không có biến chứng nặng nào được ghi nhận. Tỉ lệ bệnh nhân hài lòng với kết quả phẫu thuật đạt 97,14%.
Kết luận: Phẫu thuật đục thủy tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt là một phương pháp hiệu quả, an toàn và chi phí thấp với tỉ lệ hài lòng cao sau mổ của bệnh nhân.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đục thủy tinh thể là một bệnh lý mắt rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trên người lớn tuổi. Phương pháp nhũ tương hoá chất nhân bằng sóng siêu âm (phaco) có đặt kính nội nhãn đã trở thành phẫu thuật tiêu chuẩn trong điều trị bệnh lý này vì phương pháp này có nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, thời gian hồi phục nhanh và ít biến chứng hơn so với các phương pháp phẫu thuật khác.
Sau phẫu thuật đặt kính nội nhãn đơn tiêu, thị lực nhìn xa của bệnh nhân có thể được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, kính đơn tiêu chỉ cho phép bệnh nhân nhìn rõ ở một khoảng cách nhất định. Để đạt thị lực nhìn xa tối đa thì nhìn gần bệnh nhân phải đeo thêm kính lão thị bổ sung (+2 đến +3 đi-ốp) hoặc phải phẫu thuật khúc xạ với chi phí khá cao. Để tránh những khó khăn, vướng víu và bất tiện của việc đeo kính lão thị cũng như không để bệnh nhân bỏ ra một chi phí quá lớn để phẫu thuật khúc xạ, phương pháp điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt sau mổ thủy tinh thể đặt kính nội nhãn đơn tiêu ra đời.
Trong phương pháp này (monovision), sau khi phẫu thuật thủy tinh thể đục, kính nội nhãn với công suất phù hợp sẽ được đặt vào mắt của bệnh nhân sao cho một mắt gần chính thị hoặc chính thị để giúp nhìn xa, còn mắt thứ hai được chỉnh sao cho trở nên cận thị 1 đến 1,5 dioptre sử dụng cho thị lực gần. Sự chênh lệch khúc xạ này không quá cao nên bệnh nhân dễ dàng thích nghi, đồng thời có thể sinh hoạt tương đối dễ dàng mà ít phụ thuộc vào kính gọng.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu đi sâu tìm hiểu về hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, tại Bình Dương hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện. Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể đặt kính nội nhãn đơn tiêu điều chỉnh để có thị giác một mắt”.
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm bệnh nhân phẫu thuật đục thuỷ tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt; Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật đục thuỷ tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt và sự hài lòng của bệnh nhân.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu: Can thiệp lâm sàng không nhóm chứng, tiến cứu, cắt dọc.
Dân số đích: Toàn bộ bệnh nhân mổ đục thuỷ tinh thể đặt kính nội nhãn đơn tiêu điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt đến khám, điều trị tại Khoa Mắt - Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Dân số nghiên cứu: Bệnh nhân mổ đục thủy tinh thể đặt kính nội nhãn đơn tiêu điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt đến khám và điều trị tại khoa Mắt của BVĐK Bình Dương và thỏa các điều kiện của tiêu chuẩn chọn mẫu trong thời gian nghiên cứu từ tháng 01/2019 đến tháng 10/2019.
Cỡ mẫu: Được tính theo công thức với:
Z =1,96 (tương ứng với hệ số tin cậy với α = 0,05)
d = 0,2: sai số cho phép.
P = 0,8: Tỉ lệ bệnh nhân đạt thị lực nhìn xa tương đương 7/10 trở lên và thị lực nhìn gần N8 (J4). Theo các nghiên cứu trước đây, tỉ lệ này là khoảng 80% (p = 0,8).
Từ đó, tính được cỡ mẫu tối thiểu cần lấy là n = 28.
Thực tế chúng tôi tuyển chọn được 35 bệnh nhân. Như vậy, thỏa điều kiện về cỡ mẫu.
Phương pháp chọn mẫu: Kể từ thời điểm nghiên cứu, chúng tôi tiến hành chọn mẫu thuận tiện, chọn liên tục các bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu cho đến khi đủ cỡ mẫu cần thiết.
Tiêu chuẩn lựa chọn:
Bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên.
Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể 2 mắt có chỉ định phẫu thuật phaco.
Bệnh nhân đã mổ đục thủy tinh thể một mắt có thị lực ≥ 7/10 và có mắt còn lại bị đục thủy tinh thể có chỉ định phẫu thuật phaco.
Tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ:
Bệnh nhân có dấu hiệu viêm cấp tại mắt như viêm giác mạc, kết mạc, viêm màng bồ đào…
Bệnh nhân có các bệnh lý khác ở mắt gây ảnh hưởng đến thị lực mà không thể điều chỉnh bằng kính: sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể nặng, bệnh lý võng mạc…
Bệnh nhân bị tâm thần, không có khả năng trả lời câu hỏi trong bảng thu thập số liệu.
Các biến số nghiên cứu:
Biến số về đặc điểm dịch tễ và lâm sang mẫu nghiên cứu: Tuổi, giới tính, mắt phẫu thuật, thị lực 2 mắt không chỉnh kính (thị lực xa được đo ở khoảng cách 5 mét, thị lực gần được đo ở khoảng cách 30 cm), độ khúc xạ của mắt đã phẫu thuật.
Biến số về kết quả phẫu thuật: Thị lực xa và thị lực gần của mắt nhìn xa (mắt chính thị) và mắt nhìn gần (mắt không chính thị), thị lực 2 mắt không chỉnh kính ở khoảng cách xa và gần, độ khúc xạ của mắt nhìn xa và mắt nhìn gần (được mô tả bằng độ cầu tương đương), chênh lệch khúc xạ 2 mắt, biến chứng sau phẫu thuật.
Biến số về mức độ hài lòng của bênh nhân: sự phụ thuộc kính, mức độ hài lòng của bệnh nhân, lý do không hài lòng.
Xử lý và phân tích số liệu: Số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm Excesl 2013 và phân tích với phần mềm thống kê SPSS. Các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và kết quả điều trị sẽ được trình bày với tỉ lệ % hoặc số trung bình và được so sánh bằng phép kiểm chi-bình phương (tỉ lệ %) hoặc phép kiểm t (số trung bình).
KẾT QUẢ
Nghiên cứu khảo sát tổng cộng 35 bệnh nhân điều trị đục thuỷ tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt tại khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bỉnh Dương từ 01/2019 đến 10/2019. Các kết quả chính thu được từ nghiên cứu được trình bày như sau:
Bảng 1: Đặc điểm dân số nghiên cứu
Đặc điểm
|
Số lượng (N=35)
|
Tỉ lệ %
|
Giới tính:
Nam
Nữ
Tuổi trung bình
Mắt phẫu thuật:
1 mắt
2 mắt
Độ khúc xạ của mắt đã mổ
Thị lực trung bình 2 mắt trước mổ:
Thị lực xa
Thị lực gần
|
15
20
62,34 ± 7,78
19
16
- 0,75 ± 0,26 Dioptre
0,390 ± 0,068 logMAR (~ 4/10)
0,489 ± 0,062 logMAR (~ 3/10)
|
42,86%
57,14%
54,29%
45,71%
|
Bảng 2: Kết quả điều trị sau phẫu thuật 3 tháng
|
Mắt chính thị (nhìn xa)
|
Mắt không chính thị (nhìn gần)
|
Thị lực xa
Thị lực gần
Độ khúc xạ
|
0,080 ± 0,054 logMAR (~ 8/10)
0,478 ± 0,105 logMAR(~ 3/10)
- 0,30 ± 0,24 dioptre
|
0,526 ± 0,120 logMAR (~ 3/10)
0,078 ± 0,032 logMAR (~ 8/10)
-1,45 ± 0,42 dioptre
|
Bảng 3: Thị lực 2 mắt sau phẫu thuật 3 tháng
Thị lực 2 mắt sau phẫu thuật
|
logMAR
|
Thập phân
|
Thị lực xa
Thị lực gần
|
0,092 ± 0,045
0,084 ± 0,051
|
~ 8/10
~ 8/10
|
Nhận xét: Sau phẫu thuật, kết quả ghi nhận có 2 bệnh nhân bị tăng nhãn áp, 3 bệnh nhân có phản ứng viêm màng bồ đào trước. Những bệnh nhân này đều đáp ứng với điều trị nội khoa. Ngoài ra, nghiên cứu không ghi nhận trường hợp nào bị viêm mủ nội nhãn hoặc các biến chứng nặng khác.
Biểu đồ 1: Sự phụ thuộc kính sau phẫu thuật của nhóm nghiên cứu
Bảng 4: Mức độ hài lòng của bệnh nhân
Đặc điểm
|
Số lượng
|
Tỉ lệ %
|
Mức độ hài lòng của bệnh nhân:
Hài lòng hoàn toàn
Chấp nhận được
Không chấp nhận
Lí do không hài lòng:
Nhìn không rõ
Mỏi mắt trong sinh hoạt
Phụ thuộc kính (bệnh nhân phải đeo kính thường xuyên)
|
26
8
1
4
2
3
|
74,29
22,86
2,86
44,44
22,22
33,33
|
BÀN LUẬN
Đặc điểm bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt
Về giới tính, nghiên cứu có 35 bệnh nhân gồm 15 nam (42,86%) và 20 nữ (57,14%). Qua kiểm định Chi bình phương so sánh tỉ lệ nam và nữ bị đục thủy tinh thể, kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,73). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Anh Trí Cường (2012), Findelman (2009) và Goldberg (2018).
Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là 62,34 ± 7,78 tuổi. Kết quả này tương tự nghiên cứu của Nguyễn Anh Trí Cường (2012) và Goldberg (2018).
Số bệnh nhân đã phẫu thuật 1 mắt trước đó là 19 bệnh nhân, chiếm tỉ lệ 54,29%. Có 16 bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể 2 mắt, chiếm tỉ lệ 45,71%. Qua kiểm định Chi bình phương so sánh 2 tỉ lệ, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0,82.
Độ khúc xạ trung bình của mắt đã mổ thủy tinh thể trước đó là - 0,75 ± 0,26 D.
Nghiên cứu cho thấy thị lực logMAR 2 mắt trung bình trước mổ ở khoảng cách xa là 0,390 ± 0,068 logMAR (tương ứng ~ 4/10) và ở khoảng cách gần là 0,489 ± 0,062 logMAR (tương ứng ~ 3/10). Thị lực này khá thấp. Đó cũng chính là lý do bệnh nhân cần mổ thủy tinh thể. Kết quả này khá tương tự nghiên cứu của Nguyễn Anh Trí Cường (2012) và Goldberg (2018).
Kết quả điều trị
Đối với mắt chính thị (mắt nhìn xa), thị lực logMAR sau mổ ở khoảng cách xa và gần lần lượt là 0,080 ± 0,054 (~8/10) và 0,478 ± 0,105 (~3/10) với độ khúc xạ tồn lưu trung bình là - 0,30 ± 0,24 (bảng 2). Thị lực này khá cao, có thể giúp bệnh nhân nhìn xa rõ.
Đối với mắt không chính thị (nhìn gần), thị lực logMAR sau mổ 3 tháng ở khoảng cách xa và gần lần lượt là 0,526 ± 0,120 (~ 3/10) và 0,078 ± 0,032 (~8/10), với độ khúc xạ tồn lưu trung bình là -1,45 ± 0,42 (bảng 2). Thị lực nhìn gần khá tốt, giúp mắt nhìn gần rõ.
Sau phẫu thuật 3 tháng, thị lực logMAR 2 mắt trung bình ở khoảng cách xa và gần lần lượt là 0,092 ± 0,045 và 0,084 ± 0,051 (tương ứng với thị lực thập phân ~ 8/10) (bảng 3), giảm có ý nghĩa thống kê so với thị lực logMAR 2 mắt trước mổ. Điều này có nghĩa là thị lực thập phân sau mổ tăng có ý nghĩa thống kê so với trước mổ. Như vậy, sau phẫu thuật, thị lực 2 mắt ở khoảng cách xa và gần đều cải thiện rõ rệt so với trước phẫu thuật. Kết quả này tương đồng với tác giả Nguyễn Anh Trí Cường (2012) và Goldberg (2018).
Về mặt biến chứng, kết quả ghi nhận có 2 bệnh nhân bị tăng nhãn áp, 3 bệnh nhân có phản ứng viêm màng bồ đào trước. Những bệnh nhân này đều đáp ứng với điều trị nội khoa. Ngoài ra, nghiên cứu không ghi nhận trường hợp nào bị viêm mủ nội nhãn hoặc các biến chứng nặng khác.
Sau phẫu thuật, có 20 bệnh nhân không cần đeo kính khi nhìn (chiếm 71,43%), 7 bệnh nhân thỉnh thoảng cần đeo kính (chiếm 20,00%) và có 3 bệnh nhân luôn luôn phải đeo kính (chiếm 8,57%). Như vậy, tỉ lệ bệnh nhân không phụ thuộc vào kính chiếm tỉ lệ cao nhất. Kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu của Nguyễn Anh Trí Cường (2012), Findelman (2009) và Goldberg (2018).
Các kết quả trên cho thấy, phẫu thuật đục thủy tinh thể điều chỉnh khúc xạ để có thị giác một mắt là một phương pháp rất hiệu quả và an toàn với tỉ lệ bệnh nhân không phải phụ thuộc vào kính đeo sau mổ khá cao.
Nghiên cứu cho thấy, có 26/35 bệnh nhân hài lòng hoàn toàn với kết quả phẫu thuật (chiếm 74,29%), 8/35 bệnh nhân hài lòng một phần (chấp nhận được) với tỉ lệ 22,86% và có 1 bệnh nhân không hài lòng, chiếm tỉ lệ 2,86% (bảng 4). Như vậy, tỉ lệ bệnh nhân hài lòng chiếm tỉ lệ rất cao, đạt 97,14%. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Anh Trí Cường (2012) và Goldberg (2018).
Trong số các bệnh nhân không hài lòng hoặc hài lòng một phần, lý do hay gặp nhất là do nhìn không rõ (44,44%), kế đến là do phụ thuộc kính (33,33%) và có 22,22% than phiền là mỏi mắt trong sinh hoạt. Mặc dù tỉ lệ bệnh nhân không hài lòng với kết quả phẫu thuật không cao, nhưng các lý do khiến bệnh nhân không hài lòng cũng là một yếu tố giúp phẫu thuật viên tham khảo khi tư vấn trước mổ, nhằm cải thiện tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân trong các lần phẫu thuật sau này.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu này, chúng tôi ghi nhận các kết quả chủ yếu như sau:
Về đặc điểm dân số nghiên cứu: Tỉ lệ nam/nữ là 15/20, với tuổi trung bình là 62,34 ± 7,78.
Về kết quả điều trị: Thị lực xa của mắt chính thị sau phẫu thuật là 0,080 ± 0,054. Thị lực gần của mắt không chính thị là 0,078 ± 0,032. Thị lực logMAR 2 mắt trung bình sau mổ ở khoảng cách xa và gần lần lượt là 0,092 ± 0,045 và 0,084 ± 0,051, cải thiện có ý nghĩa thống kê so với trước mổ. Tỉ lệ bệnh nhân không phụ thuộc kính sau mổ đạt 71,43%. Tỉ lệ bệnh nhân hài lòng với kết quả phẫu thuật đạt 97,14%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Đỗ Như Hơn. Nhãn khoa tập 1. Nhà xuất bản Y Học. 2012.
2. Nguyễn Anh Trí Cường. Đánh gái chức năng thị giác và sự không phụ thuộc kính ở bệnh nhân được đặt thuy tinh thể nhân tạo với thị giác một mắt”, Luận văn bác sĩ chuyên khoa cấp II. 2012.
Tiếng Anh
3. Bowling B. Kanski’s Clinical ophthalmology: A systemic approach, 8th edition. 2016.
4. Finkelman YM, Ng JQ, Barrett GD. Patient satisfaction and visual function after pseudophakic monovision. J Cataract Refract Surg. 2009; 35(6):998-1002.
5. Goldberg DG, Goldberg MH, Shah R, Meagher JN, Ailani H. Pseudophakic mini-monovision: high patient satisfaction, reduced spectacle dependence, and low cost. BMC Ophthalmol. 2013; 18(1):293.
6. Greenbaum S. Monovision pseudophakia. J Cataract Refract Surg. 2002; 28(8):1439-43.
7. Labiris G, Toli A, Perente A, Ntonti P, Kozobolis VP. A systematic review of pseudophakic monovision for presbyopia correction. Int J Ophthalmol. 2017; 10(6):992-1000.
8. Lee HY, Her J. Clinical Evaluation of Monovision After Cataract Surgery. J Korean Ophthalmol Soc. 2008; Sep;49(9):1437-1442.
9. Xiao J, Jiang C, Zhang M. Pseudophakic monovision is an important surgical approach to being spectacle-free. Indian J Ophthalmol. 2011; 59(6):481-5.