Đánh giá kết quả điều trị gãy đầu trên xương cánh tay có di lệch ở người lớn bằng kết hợp xương nẹp vit khóa tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương
Lương Thiện Tích, Phan Thanh Thiện, Lê Thị Huyền Anh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Gãy đầu trên xương cánh tay chiếm tỉ lệ cao trong gãy xương chi trên, chiếm khoảng 4-5% tổng số các loại gãy xương ở mọi lứa tuổi. Điều trị cho gãy đầu trên xương cánh tay di lệch cần phải nắn tương đối chính xác các di lệch của xương gãy, bất động vững chắc và tập vận động sớm khớp vai, nếu thiếu một trong ba yếu tố này sẽ dẫn đến hạn chế chức năng của khớp vai. Gần đây phương pháp phẫu thuật bằng nẹp vit khóa với bộc lộ tối thiểu mô mềm nhưng bất động vững chắc các mảnh gãy với mục đích bảo vệ mạch máu nuôi chỏm và tập vận động sớm khớp vai nhằm hạn chế teo cơ, cứng khớp và rối loạn dinh dưỡng. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm nghiên cứu, đánh giá kết quả điều trị gãy đầu trên xương cánh tay di lệch, mổ nắn kết hợp xương bằng nẹp vit khóa.
Mục tiêu nghiên cứu:
- Đánh giá kết quả điều trị gãy đầu trên xương cánh tay di lệch bằng kết hợp xương bằng nẹp vit khóa.
- Đánh giá sự vững chắc (nắn chỉnh di lệch và cố định) của phương pháp kết hợp xương.
- Đánh giá sự liền xương và phục hồi chức năng khớp vai sau phẫu thuật.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tiền cứu mô tả.
Kết quả: Chúng tôi đã phẫu thuật và theo dõi được 32 trường hợp. Tỉ lệ liền xương tốt là 87,5%, chỉ 2 trường hợp chậm, liền xương nhưng sau theo dõi 10 tuần xương cũng lành tốt. Kết quả cuối cùng theo NEER tốt và khá là 81,25%, trung bình là 15,63% tương đương các nghiên cứu kết hợp xương bằng nẹp khóa khác và cao hơn kết quả kết hợp xương bằng nẹp vit thường.
Kết luận: Gãy đầu trên xương cánh tay là gãy xương thường gặp trong chấn thương chỉnh hình độ tuổi gãy thường là tuổi lao động, tỉ lệ nam nhiều hơn nữ, nguyên nhân thường do tai nạn giao thông. Kết hợp xương bằng nẹp vit khóa cho phép nắn chỉnh hết di lệch, cố dịnh xương gãy vững chắc. Kết hợp xương bằng nẹp vit khóa cho kết quả lành xương tốt 87,5%. Thời gian lành xương nhanh hơn các phương pháp khác. Kết quả cuối cùng theo NEER bao gồm (Đau, chức năng, biên độ vận động) tốt và khá đạt tỉ lệ cao 81,25%.
Từ khóa: Nẹp vit khóa, đầu trên xương cánh tay
ABSTRACT
Introduction: Proximal humeral fractures are relatively frequent; they account for 4–5% of all fracture. Internal fixation of the proximal humerus with locking plate favors the maintenance of the reduction obtained during surgery, allowing for earlier passive mobilization and thus facilitating post-operative rehabilitation.
Objects: To correlate the functional outcomes and unions indices of proximal humerus fractures treated using an anatomical locking plate for the proximal humerus.
Methods: From June 2017 to November 2018, with 32 patients who suffered fracture of the proximal humerus and underwent surgical treatment (open reduction and internal fixation) with locking anatomic plate.
Results: With Thirty-two patients with fractures of the proximal humerus who had been treated using locking plate. We found that 81,25% of the results were good and fair, bad 3,12%..
Conclusion: The use of locking plates in the treatment of displaced proximal humerus fractures is becoming more widespread. With precise knowledge of and experience with the surgical technique, locked plating can be performed safely with good results. However, surgeons should be aware that complications can arise.
Keywords: Locking plate, head of humerus.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Gãy đầu trên xương cánh tay chiếm tỉ lệ cao trong gãy xương chi trên, chiếm khoảng 4-5% tổng số các loại gãy xương ở mọi lứa tuổi.
Điều trị cho gãy đầu trên xương cánh tay di lệch cần phải nắn tương đối chính xác các di lệch của xương gãy, bất động vững chắc và tập vận động sớm khớp vai, nếu thiếu một trong ba yếu tố này sẽ dẫn đến hạn chế chức năng của khớp vai. Gần đây phương pháp phẫu thuật bằng nẹp vit khóa với bộc lộ tối thiểu mô mềm nhưng bất động vững chắc các mảnh gãy với mục đích bảo vệ mạch máu nuôi chỏm và tập vận động sớm khớp vai nhằm hạn chế teo cơ, cứng khớp và rối loạn dinh dưỡng.
Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm nghiên cứu, đánh giá kết quả điều trị gãy đầu trên xương cánh tay di lệch, mổ nắn kết hợp xương bằng nẹp vit khóa.
Mục tiêu:
Đánh giá kết quả điều trị gãy đầu trên xương cánh tay di lệch bằng kết hợp xương bằng nẹp vit khóa cụ thể:
- Đánh giá sự vững chắc (nắn chỉnh di lệch và cố định) của phương pháp kết hợp xương.
- Đánh giá sự liền xương và phục hồi chức năng khớp vai sau phẫu thuật.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: Chúng tôi chọn tất cả những bệnh nhân trên 15 tuổi gãy kín đầu trên xương cánh tay được phân loại gãy 2 phần, 3 phần, 4 phần theo phân loại của NEER có di lệch (di lệch mảnh gãy >1cm hoặc gập góc >450) tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương từ tháng 6-12 năm 2017 đến tháng 12-2018.
Tiêu chuẩn chọn bệnh: Bệnh nhân gãy kín vùng đầu trên xương cánh tay được phân loại gãy 2 phần, 3 phần, 4 phần có kèm trật khớp theo phân loại của NEER có di lệch (di lệch mảnh gãy >1cm, gập góc >450 do chấn thương. Bệnh nhân có đủ điều kiện phẫu thuật. Bệnh nhân không có chống chỉ định phẫu thuật như bệnh lý nội ngoại khoa kèm theo.
Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân gãy kín đầu trên xương cánh tay phân loại theo NEER không có di lệch hoặc di lệnh ít (di lệch mảnh gãy <1cm, gập góc <450 ). Bệnh nhân không tái khám theo lịch hẹn và không theo dõi đánh giá được. Gãy xương bệnh lý.
Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tiền cứu mô tả.
Thu thập số liệu: Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương bị gãy đầu trên xương cánh tay có chỉ định phẫu thuật.
Theo dõi các trường hợp nghiên cứu: Bệnh nhân được lập hồ sơ theo phiếu thu thập dữ liệu cho bệnh nhân gãy đầu trên xương cánh tay được phẫu thuật.
Đánh giá sự phục hồi chức năng sau mổ của chi gãy theo NEER:
- Đau hay không đau.
- Chức năng: Sức cơ, tầm với, độ vững của khớp vai.
- Biên động vận động.
- Phục hồi giải phẫu:
+ Tốt: > 89 điểm
+ Khá: 80- 89 điểm
+ Trung bình: 70- 79 điểm
+ Xấu, thất bại < 70 điểm
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Từ tháng 6 - 2017 đến tháng 12 năm 2018 chúng tôi đã phẫu thuật và theo dõi được 32 bệnh nhân bị gãy kín đầu trên xương cánh tay 2 mảnh, 3 mảnh, 4 mảnh được phân loại theo NEER.
Phân bố gãy xương theo độ tuổi:
Tuổi trung bình theo nghiên cứu là 52 hay gặp là 45-60 là độ tuổi lao động lao động chiếm 53,12%, tuổi trẻ ít gặp chỉ 1 cas chiếm tỉ lệ 9,38%, tuổi hay gặp thứ 2 là > 60 tuổi đây là độ tuổi xương bắt đầu loãng nên khi té dễ gãy xương.
Phân bố gãy xương theo giới:
Giới nam gặp nhiều hơi nữ do nam hoạt động nhiều hơn như: tham gia giao thông…
Bảng 1: X quang xương gãy (Phân bố mức độ xương gãy theo mảnh gãy)
Theo mảnh gãy
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
2 mảnh
|
11
|
34,38%
|
3 mảnh
|
15
|
46,88%
|
4 mảnh
|
6
|
18,74%
|
Tổng cộng
|
32
|
100%
|
Nhận xét: Gãy 3 mảnh là gãy phức tạp với 15 cas chiếm tỉ lệ 46,88%, tổng số cas của gãy 3 và 4 mảnh là gãy phức tạp có 21 cas chiếm tỉ lệ 65,62%. Tương tự như các nghiên cứu của các tác giả khác.
Phân bố theo chi bị gãy:
Tay trái tỉ lệ gãy xương nhiều hơn, so với các tác giả khác như Đặng Hoàng Anh và Nguyễn Hữu Lộc thì tỉ lệ tay trái cũng nhiều hơn phải.
Bảng 2: Đánh giá có các bệnh nội khoa đi kèm trong lô nghiên cứu
Bệnh kèm theo
|
Nam
|
Nữ
|
Tỷ lệ (%)
|
Tăng huyết áp
|
2
|
3
|
15,63%
|
Tiểu đường
|
1
|
1
|
6,25%
|
Tổng cộng
|
3
|
4
|
|
Nhận xét: Có 5 trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo trong đó có 3 trường hợp ở lứa tuổi > 60 tuổi và 2 trường hợp ở lứa tuổi 45 - 60 tuổi. Các trường hợp trên được hạ áp sau đó mổ kết hợp xương thời gian lành xương và cơ năng tương tự như các trường hợp khác.
Bảng 3: Các tổn thương đi kèm
Tổn thương phối hợp
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Sọ não
|
1 (máu tụ NMC TD ít )
|
3,12%
|
Ngực
|
3 (gãy xương sườn )
|
9,37%
|
Bụng
|
1 (vỡ lách )
|
3,12%
|
Gãy xương khác đi kèm
|
4 (2 cas gãy đầu dưới xương quay, 2 cas gãy cẳng chân)
|
12,5%
|
Tổng cộng
|
9
|
28,12%
|
Nhận xét: Có tổng cộng 9 cas có tổn thương kèm theo khi gãy đầu trên xương cánh tay phải phẫu thuật chiếm tỉ lệ 28,21% do gãy đầu trên xương cánh tay là gãy tương đối nặng nên khi gãy có thể kèm theo 1 số tổn thương khác như: 2 cas gãy đầu dưới xương quay 2 cas gãy 2 xương cẳng chân. Một số tổn thương ngoài chi như 3 cas gãy xương sườn, 1 cas chấn thương bụng kín vỡ lách, 1 cas chấn thương sọ não kèm theo. Các tác giả khác không thấy ghi nhận tổn thương kèm theo khi gãy đầu trên xương cánh tay. Theo dõi thì thời gian lành xương có chậm hơn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Bảng 4: Thời gian phẫu thuật
Lượng thời gian (phút)
|
2 Mảnh
|
3 Mảnh
|
4 Mảnh
|
Tỷ lệ (%)
|
< 60
|
5
|
1
|
0
|
18,75%
|
60- 90
|
10
|
9
|
5
|
75%
|
> 90
|
0
|
1
|
1
|
6,25%
|
Tổng cộng
|
15
|
11
|
6
|
100%
|
Nhận xét: Thời gian phẫu thuật đa số trong khoảng 60-90 phút, đối với các trường hợp gãy đơn giản 2 mảnh thì thời gian phẫu thuật ngắn hơn dưới 60 phút, chỉ có 2 cas gãy phức tạp (NEER 3 mảnh và 4 mảnh) thời gian mổ trên 90 phút.
Bảng 5: Biến chứng sau mổ
Biến chứng
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Tổn thương mạch máu
|
0
|
0
|
Tổn thương thần kinh
|
0
|
0
|
Nhiễm trùng vết mổ
|
1
|
18,35%
|
Tổng cộng
|
1
|
18,35%
|
Nhận xét: Không có biến chứng nặng trong phẫu thuật như chảy máu, tổn thương thần kinh có 1 cas nhiễm trùng vết mổ, điều trị cắt chỉ thay băng ổn định sau 15 ngày.
Bảng 6: Vững chắc của xương gãy sau mổ và sau thời gian theo dõi
Vững chắc
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Kết quả tốt (không di lệch)
|
28
|
87,5%
|
Di lệch xa
|
0
|
0%
|
Di lệch gập góc ( 30< -- <60)
|
1
|
3,13%
|
Di lệch sang bên
|
2 (chấp nhận được)
|
6,25%
|
Di lệch chồng ngắn
|
0
|
0%
|
Di lệch xoay
|
1 (chấp nhận được)
|
3,13%
|
Nhận xét: di lệch gập góc và 1 cas vit vào khớp do không sử dụng C-ARM phải phẫu thuật lại chỉnh gập góc và thay vit ngắn hơn. Có 2 cas sau mổ có di lệch sang bên nhưng chấp nhận được. So với tác giả Đặng Hoàng Anh với kết hợp xương nẹp vit thường thì lành xương tốt là 84,36% so với tác giả Nguyễn Hữu Lộc thì lành xương tốt là 91,48% .
Bảng 7: Kết quả liền xương
Liền xương
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Lành xương tốt
|
28
|
87,5%
|
Chậm liền xương
|
2 (2 trường hợp gãy 4 mãnh)
|
6,25%
|
Cal lệch (gập góc, sang bên)
|
3 (liền xương chấp nhận được)
|
9,38%
|
Khớp giả
|
0
|
0
|
Hoại tử chỏm
|
0
|
0
|
Tổng cộng
|
32
|
|
Nhận xét: Tỉ lệ liền xương tốt là 87,5% chỉ 2 trường hợp chậm liền xương (đó là gãy 4 mãnh là gãy phức tạp) nhưng sau theo dõi 10 tuần xương cũng lành tốt. so sánh với các tác giả khác như Đặng Hoàng Anh tỉ lệ lành xương tốt là 82,8% thì lành xương tốt hơn và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). So với Nguyễn Hữu Lộc là cũng kết hợp xương nẹp khóa thì tỉ lệ lành xương là 89,7% tỉ lệ lành xương không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Bảng 8: Đánh giá thời gian liền xương
Lượng thời gian
|
4-6 tuần
|
7-8 tuần
|
9-10 tuần
|
Không lành xương
|
2 mãnh
|
2
|
9
|
0
|
0
|
3 mãnh
|
1
|
12
|
2
|
0
|
4 mãnh
|
0
|
5
|
1
|
0
|
Tổng cộng
|
3
|
26
|
3
|
0
|
Tỉ lệ
|
9,375
|
81,25%
|
9,375
|
0
|
Nhận xét: Thời gian lành xương dài nhất là 10 tuần với 1 trường hợp gãy 3 mãnh và 1 trường hợp gãy 4 mãnh thời gian, thời gian lành xương nhanh nhất là 5,5 tuần với 3 trường hợp gãy 2 và 3 mãnh. Thời gian lành xương trung bình là 7,1 tuần so với các nghiên cứu khác như Đặng Hoàng Anh là 7,4 tuần (kết hợp xương bằng nẹp vit thường) thì sự lành xương do kết hợp xương bằng nẹp khóa cho thời gian lành xương nhanh hơn sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05). So với tác giả Nguyễn Minh Lộc là 6,9 tuần thì sự lành xương tương đương không có sự khác biệt. Như vậy kết hợp xương bằng nẹp vit khóa có thời gian lành xương nhanh hơn kết hợp xương nẹp vit thông thường.
Bảng 9: Kết quả điều trị sau cùng dựa vào thang điểm của NEER
Kết quả sau cùng
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Tốt
|
14
|
43,75%
|
Khá
|
12
|
37,5%
|
Trung bình
|
5
|
15,63%
|
Xấu
|
1
|
3,12%
|
Tổng cộng
|
32
|
100%
|
Bảng 10: So sánh với các nghiên cứu khác
Kết quả sau cùng
|
Nghiên cứu
(Nẹp vit khóa)
|
Đặng Hoàng Anh
(Nẹp vit thường)
|
Nguyễn Minh Lộc
(Nẹp vit khóa)
|
Tốt
|
43,75%
|
40,55%
|
46,35%
|
Khá
|
37,5%
|
35,15%
|
37,24%
|
Trung bình
|
15,63%
|
14,93%
|
14,18%
|
Xấu
|
3,12%
|
9.37%
|
2,23%
|
Nhận xét: Kết quả tốt và khá là 81,25% So với các nghiên cứu khác như Đặng Hoàng Anh kết hợp xương gãy đầu trên xương cánh tay bằng nẹp vit thì kết quả tốt và khá là 75,7% là cao hơn và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Như vậy kết hợp xương nẹp khóa cho kết quả tốt và khá cao hơn kết xương nẹp vit thường. Kết quả xấu của kết hợp xương nẹp vit cho kết quả xấu cũng cao hơn. So với nghiên cứu của Nguyễn Minh Lộc cũng là kết hợp xương gãy đầu trên xương cánh tay bắng nẹp vit khóa, kết quả tốt và khá là 83,59%, kết quả tốt hơn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Kết quả trung bình và xấu cũng ít hơn nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê(p<0,05). Như vậy kết hợp xương nẹp vit khóa cho kết quả tốt hơn so với nẹp vit thường.
KẾT LUẬN
Gãy đầu trên xương cánh tay là gãy xương thường gặp trong chấn thương chỉnh hình độ tuổi gãy thường là tuổi lao động, tỉ lệ nam nhiều hơn nữ, nguyên nhân thường do tai nạn giao thông. Gãy phức tạp nhiều mãnh chiếm tỉ lệ cao. Gãy đầu trên xương cánh tay thường kết hợp với tổn thương chi và một số cơ quan khác.
Kết hợp xương bằng nẹp vit khóa cho phép nắn chỉnh hết di lệch, cố định xương gãy vững chắc từ đó giúp vận động khớp vai sớm giúp phục hồi cơ năng khớp vai.
Kết hợp xương bằng nẹp vit khóa cho kết quả lành xương tốt 87,5% cao hơn kết hợp xương nẹp vit thường. Thời gian lành xương cũng nhanh hơn các phương pháp kết hợp xương nẹp vit thường.
Kết quả cuối cùng theo NEER bao gồm (Đau, chức năng, biên độ vận động) tốt và khá đạt tỉ lệ cao 81,25%; trung bình 15,63%; xấu 3,12%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Đặng Hoàng Anh. Đánh giá kết quả điều trị gãy kín cổ phẫu thuật xương cánh tay bằng kết hợp xương nẹp vít, Tạp chí Y Dược học Quân sự. 2013.
Tiếng Anh
2. Crenshaw AH, Perez EA. Fractures of the shoulder, Arm and Forearm. In: Campbell’s Operative Orthopaedics. Canale ST, Beaty JH. Eleventh edition. Mosby Elsevier. 2008.