Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025
Nhằm đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin (ATTT) là nội dung quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ATTT, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), ngày 06/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021- 2025”.
Mục tiêu của Đề án là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về ATTT ở nước ngoài cho các cơ sở giáo dục đại học; đào tạo thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT trong nước; đào tạo kiến thức, kỹ năng ATTT cho các tổ chức, cá nhân và đào tạo ATTT theo cơ chế xã hội hóa. Cụ thể:
Tổ chức 3.000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật ATTT cho cán bộ kỹ thuật chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về ATTT của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước và các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia;
Tổ chức 1.000 lượt đào tạo ngắn hạn về quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng ATTT cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước;
Tổ chức 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) khi làm việc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước;
Lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về ATTT ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ và đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đề án cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, những vấn đề đặt ra cụ thể bảo đảm nguồn lực thực hiện Đề án trong giai đoạn này.
Thy Diễm