Đầu tư máy móc tiên tiến trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận và giá trị thương mại luôn được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Để đạt được những điều này, thì doanh nghiệp phải tìm được chỗ đứng cho mình, bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và biết vận dụng một cách có hiệu quả. Cụ thể là việc đưa máy móc thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất, với máy móc thiết bị tiên tiến, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu cho một đơn vị sản phẩm, ít tiêu hao nhiên liệu hơn, hạn chế phế phẩm. Đồng thời, giảm bớt lao động thủ công. Từ đó góp phần hạ giá thành sản xuất sản phẩm, chất lượng, mẫu mã đa dạng và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Công ty TNHH Thớt gỗ Thanh Điền, nằm trên địa bàn Khu Phố Thạnh Lợi, Phường An Thạnh, TP.Thuận An. Một doanh nghiệp có gần 20 năm sản xuất thớt, chày gỗ và gần đây là các sản phẩm gia dụng như: Tô, chén, đũa, muỗng, bàn ghế,... Đơn vị được thụ hưởng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ chương trình Khuyến công tỉnh. Sau 2 năm đổi mới, đầu tư công nghệ, thương hiệu Thớt Gỗ Thanh Điền đã và đang tạo được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Ông Đỗ Thanh Điền - Chủ doanh nghiệp Gỗ Thanh Điền chia sẻ: Vốn là cơ sở sản xuất thủ công kế thừa từ truyền thống của gia đình. Hiện nay, doanh nghiệp đang dần chuyển đổi phương thức sản xuất từ bán thủ công lên 90% máy móc. Bởi doanh nghiệp nhận thức được nếu không đầu tư máy móc thì sản phẩm sẽ không có chỗ đứng và cạnh tranh được trên thị trường. Máy móc tiên tiến không chỉ giúp tăng năng suất, mà còn tạo ra sản phẩm đồng đều. Chẳng hạn, một cái cối tiện bằng tay thì 10 cái cối làm ra không giống nhau, nhưng khi chuyển qua công nghệ CNC thì dù có sản xuất 1000 chiếc ra cũng vẫn giống nhau. Khi chưa có máy CNC thì doanh nghiệp chỉ làm ra khoảng 600 chiếc/ngày, nhưng qua công nghệ CNC thì trung bình sản xuất từ 3000 - 4000 sản phẩm/ngày. Thậm chí có thể ra tới trên 5 - 6 ngàn sản phẩm nếu người lao động thao tác máy tốt.
Có thể nói, thay đổi phương thức sản xuất, bằng việc ứng dụng máy móc tiên tiến đã tạo ra những sản phẩm đẹp hoàn hảo, đồng đều, năng suất tăng gấp nhiều lần. Hiện nay, doanh nghiệp Thớt Gỗ Thanh Điền sản xuất khoảng 50 - 60 ngàn sản phẩm thớt, chày gỗ/tháng. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ nội địa trong chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh tại hơn 60 tỉnh thành, mà còn xuất đi thị trường Trung Quốc, Nhật, Pháp và một số nước Trung Đông. Từ một cơ sở nghề truyền thống làm thớt, chày thủ công, đến nay doanh nghiệp này đã gần như hoàn thiện qui trình sản xuất khép kín, với 90% phụ thuộc máy móc. Với chiếc máy cắt CNC đầu tư gần 500 triệu đồng (trong đó, nguồn khuyến công hỗ trợ là 50%) Thanh Điền đã không chỉ dừng lại ở 2 sản phẩm truyền thống là chày và thớt, mà chuyển sang sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới như: Chén, tô, muỗng, đũa, phù điêu, đồ chơi mỹ nghệ, bộ bàn ghế dã ngoại, tấm lót sàn...
Theo anh Đỗ Thanh Điền, kể từ khi ứng dụng máy CNC, thì doanh nghiệp có cơ hội để phát triển thêm nhiều sản phẩm đa dạng. Máy CNC có thể tạo ra các sản phẩm có hình dạng bất kỳ, phức tạp từ hình vẽ 3D, file mẫu trên máy vi tính. Bên cạnh đó, máy CNC có tính linh hoạt cao trong công việc lập trình, tiết kiệm được thời gian; cắt, gọt đạt được độ chính xác cao ngay cả với loạt sản phẩm nhỏ. Qua đó, không những rút ngắn các công đoạn thủ công, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm mà còn góp phần giải phóng sức lao động, cải thiện môi trường sản xuất.
Việc đổi mới dây chuyền máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang phát huy được hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Nếu trước đây, sản xuất thủ công hoặc máy móc lạc hậu tạo ra sản phẩm không ổn định về chất lượng, năng suất không cao, phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người lao động: Thì máy móc tiên tiến hơn sẽ khắc phục được những nhược điểm trên.
Hội nhập kinh tế đã mở ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm. Song cũng tạo nên nhiều cạnh tranh gay gắt, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất hàng truyền thống. Do đó, để tồn tại các doanh nghiệp bắt buộc phải hòa mình vào dòng chảy thị trường. Một trong những yếu tố tiên quyết là ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc tiên tiến để nâng cao chất lượng và giải quyết bài toán chi phí nhân công. Điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ là sản xuất thủ công, hoặc đang sử dụng máy móc cũ, lạc hậu. Điều này dẫn đến một thực tế: năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng thấp. Sản phẩm làm ra không đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Ưu điểm của sản phẩm truyền thống là bản sắc riêng, gần gũi với văn hóa truyền thống, nhưng lại có nhược điểm giá thành cao, sản phẩm không đồng đều như sản phẩm công nghiệp.
Doanh nghiệp gốm Như Ngọc, nằm trên địa bàn phường Hưng Định, Tp Thuận An là một ví dụ. Ông Trương Tư, chủ doanh nghiệp là người kế thừa đời thứ 4 về làm gốm mỹ nghệ. Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề gốm Bình Dương thì gia đình ông chủ yếu làm chậu, lu, khạp.…cung cấp đi khắp các vùng trong và ngoại tỉnh. Bước vào thời kỳ hội nhập, cơ sở sản xuất gốm của ông Tư cũng gặp khó khăn như các cơ sở sản xuất gia truyền khác, do không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp. Vốn là người có năng khiếu về mỹ thuật nên ông Tư đã nhạy bén chuyển hướng sản xuất sang đồ mỹ nghệ. Ông chọn dòng gốm Mosaic chuyên về làm tranh tường và bàn ghế nội, ngoại thất. Đây là dòng gốm “ghép mảnh” được tạo nên từ các viên gạch gốm, rất được thị trường ưa chuộng. Song, dù đã có sự chuyển mình nhưng doanh nghiệp Như Ngọc vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi sản xuất thủ công, máy móc lạc hậu, chắp vá. Năm 2019, được hỗ trợ từ nguồn vốn Khuyến công, doanh nghiệp này đã đầu tư một máy cắt sắt tự động, một máy cuốn và một máy cắt mài giúp cải tiến khâu hoàn thiện sản phẩm gốm Mosaic. Việc đầu tư các máy trên đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm, không còn phải thuê gia công bên ngoài các công đoạn định hình khung sắt của sản phẩm chân bàn, ghế… Đồng thời, ổn định về chất lượng, kích thước và mẫu mã sản phẩm.
Đầu tư máy móc không chỉ giúp cải tiến chất lượng, mẫu mã, năng suất mà doanh nghiệp còn tiết giảm được thời gian và chi phí sản xuất. Theo ông Tư, trước đây, các sản phẩm phụ trợ như: khung, chân bàn, ghế, đều phải gia công bên ngoài, nên sản phẩm chưa đạt thẩm mỹ, thiếu độ chính xác và sắc sảo. Hiện nay, việc đầu tư thêm máy móc mới đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 10% chi phí sản xuất.
Theo các chuyên gia, Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế; không chỉ ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam mà kể cả các nước phát triển trên thế giới. Bình Dương hiện có hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 32 làng nghề, 9 nghề truyền thống và 55 làng nghề truyền thống. Các sản phẩm nghề truyền thống ngoài gỗ, gốm sứ, còn có sơn mài, mây tre đan... Thời gian qua, các đề án, các chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn vốn khuyến công đã góp phần tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề hoạt động hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với mức hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư thiết bị, máy móc nhưng không quá 300 triệu đồng, đã tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
Thu Huyền