Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam bộ và tiếp cận cách mạng 4.0
Vùng Đông Nam bộ có 6/7 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (trừ Bình Thuận), là trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), giáo dục đào tạo, thu hút đầu tư nước ngoài của cả khu vực phía Nam. Đồng thời là vùng kinh tế phát triển năng động và có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của cả nước (năm 2018 đóng góp 45,4% GDP và 42,6% tổng thu ngân sách cho cả nước), góp phần to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao trong những năm gần đây (GDP năm 2017 là 6,81%, năm 2018 là 7,08%).
Trong giai đoạn 2017 - 2019, hoạt động KHCN của vùng có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KHCN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN, thị trường KHCN…
Tiếp tục hoàn hiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KHCN
Nhằm cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản trong lĩnh vực KHCN, trong giai đoạn 2017 - 2019, các địa phương trong vùng đã ban hành 99 văn bản tập trung đến cơ chế chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… điển hình như:
Chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người tài có năng lực đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh; Cơ chế thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2018; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương; Quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019 - 2025; Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận; nội dung, mức chi cho hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Chính sách hỗ trợ, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…
Thông qua việc ban hành các văn bản, hành lang pháp lý cho phát triển KHCN của vùng ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm tốt chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết tới các viện, trường, doanh nghiệp
Các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu đóng vai trò lớn trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó có các kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa, có nguồn nhân lực chất lượng cao như giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương. Đây cũng là khu vực tập trung nguồn lực tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và có nhu cầu cao đối với các dự án đổi mới sáng tạo… để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các tỉnh thành đã thực hiện nhiều chương trình hoạt động điển hình như:
Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban điều hành về thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm các thành viên là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị nghiên cứu nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu phát triển có mục tiêu gắn với thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch, thành phố thông minh, chế tạo máy CNC, ứng dụng tế bào gốc… trên cơ sở xây dựng mối hợp tác chặt chẽ giữa trường, viện và doanh nghiệp nhằm hình thành các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố. Trong giai đoạn 2016 đến nay, kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau nghiệm thu được ứng dụng vào sản xuất, phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển tiềm lực KHCN đạt 90%.
Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho trên 11.300 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ cho 253 dự án; số lượng đăng ký doanh nghiệp KHCN tăng đột biến so với những năm trước, từ 35 doanh nghiệp cuối năm 2017 đến nay đã đạt 83 doanh nghiệp. (1)
Ở Bình Dương, thành lập 02 Fablab tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Cao Đẳng Việt Nam - Singapore. Cùng với Fablab được xây dựng nằm trong BIIC, các Fablab này sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo thành hệ thống Fablab cung cấp không gian và máy móc, thiết bị cần thiết để hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp, sinh viên và cộng đồng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiên cứu, phát triển ý tưởng, sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực cơ - điện tử. (2)
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực như: Cơ khí, điện tự động hóa, hóa, công nghệ cao, công nghệ thực phẩm, hóa dầu, các xưởng gia công thực hành cơ khí…; đẩy mạnh hoạt động đào tạo kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp; thực hiện các dự án phát triển sản phẩm mới, gia công cơ khí cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có một số tổ chức KHCN như: Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam, Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí biển, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ… đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào phát triển kinh tế của địa phương…
Theo ông Dilip Parajuli, Chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp Ngân hàng thế giới, các lựa chọn chính sách để có thể tăng cường liên kết viện, trường - doanh nghiệp có thể gồm: (1) Khuyến khích các viện, trường công nộp hồ sơ xin tài trợ cùng với doanh nghiệp để đảm bảo các dự án có liên quan đến các doanh nghiệp; (2) giới thiệu các chính sách nhằm cung cấp nhân lực của các viện, trường khuyến khích họ tham gia vào các doanh nghiệp; (3) phát hành các voucher đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để mua các dịch vụ từ viện, trường nghiên cứu cho các dự án đổi mới sáng tạo; (4) đưa hoạt động đào tạo sinh viên vào doanh nghiệp như là một phần của các khóa đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh; (5) sử dụng các thành viên Hội đồng trao đổi khi các viện, trường ngiên cứu mời các thành viên trong doanh nghiệp tham gia hội đồng của họ và ngược lại và (6) thực hiện một cơ chế đánh giá mạnh mẽ để đánh giá chất lượng và mức độ phù hợp của kết quả hoạt động nghiên cứu và liên kết các quyết định tài trợ với chất lượng và hiệu quả nghiên cứu trong quá khứ.
Định hướng phát triển
Về chính sách, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế xã hội; phát triển nền kinh tế vùng đa dạng; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; xây dựng các chính sách động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cải tiến khoa học và công nghệ trong sản xuất…
Với tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới sẽ đầu tư cơ sở vật chất, không gian làm việc chung hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư; tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tăng cường liên kết với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương trong vùng để tạo môi trường liên kết, thiết lập quan hệ hợp tác của cộng đồng khởi nghiệp để hình thành chuỗi giá trị liên kết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong vùng. (3)
Đối với tỉnh Bình Dương, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyển truyền sâu và rộng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và ban hành chính sách đặc thù hút đội ngũ nhân lực phục vụ trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng đội ngũ cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương; hình thành và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương; củng cố và thúc đẩy hình thành các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức tư vấn dịch vụ trên địa bàn tỉnh qua đó dần phát triển, hoàn thiện các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương.
Giải pháp thực hiện
Liên kết giữa các địa phương trong điều kiện phân quyền, nâng cao năng lực quản trị phát triển địa phương là 2 mặt của một quá trình thực hiện đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện nền kinh tế hội nhập. Lực lượng doanh nghiệp phát triển mạnh sẽ là chủ công trong liên kết phát triển trong các chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ liên địa phương và liên vùng, tạo ra mạng sản xuất trong nước. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy chuỗi giá trị tiếp cận ngày càng có hiệu quả hơn mạng sản xuất toàn cầu.
Ý thức được sự tác động của tăng trưởng kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến kinh tế cả nước nên các tỉnh thành trong vùng đã chủ trương phát triển thương mại, logictics và các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, cần ít đất đai và lao động, hướng đến sản xuất bền vững. Tuy nhiên, các chính sách liên kết vùng cần chú trọng các vấn đề mở theo xu hướng chung của nền kinh tế thế giới hiện đại ngày nay, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, cả trong doanh nghiệp và quản lý nhà nước.
Đối với thành phố Hồ Chí Minh, sẽ hình thành Ban Điều hành hệ sinh thái vùng với sự tham gia của một số trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động có hiệu quả của các tỉnh trong ùng với tiêu chí chia sẻ, kết nối để sử dụng tối ưu, tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực, tạo sự lan tỏa các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cho cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trực tuyến, phát triển và lan tỏa cả khu vực; hoàn thiện, thống nhất các chính sách hỗ trợ tại các tỉnh/thành trong vùng; xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với các chương trình nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo cụ thể gắn với yêu cầu thị trường, thế mạnh của mỗi địa phương; phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm theo chiều sâu, thúc đẩy và tạo điều kiện thực hiện tốt liên kết bốn nhà. (1)
Với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh và có chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh có hiệu quả; tăng cường liên kết vùng và hợp tác, kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển nguôn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đổi mới sáng tạo; thử nghiệm các giải pháp mới để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Tài liệu tham khảo:
1. Phùng, GS.TS. Nguyễn Kỳ. Đổi mới sáng tạo - thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Tp. Hồ Chí Minh và vấn đề đặt ra cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ trong việc thúc đầy phát triển kinh tế. Bà Rịa - Vũng Tàu: Hội nghị KHCN vùng Đông Nam bộ, 2019.
2. Sở KHCN Bình Dương. Thực trạng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bà Rịa - Vũng Tàu: Hội nghị KHCN vùng Đông Nam bộ, 2019.
3. Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai. Đồng Nai: Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tạo động lực phát triển kinh tế. Bà Rịa - Vũng Tàu: Hội nghị KHCN vùng Đông Nam bộ, 2019.
Ngọc Trang