Đẩy mạnh triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ chuyển đổi số
Dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp
Trong nhiều năm, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là điểm nghẽn của quá trình phát triển Chính phủ điện tử. Một trong các nguyên nhân chính là thiếu quy định pháp lý, dẫn đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu là tự phát, dựa trên sự tự nguyện của các bên tham gia. Thời gian vừa qua, để thúc đẩy triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc trực tiếp ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn kỹ thuật như: Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Thông tư số 02/2017/TT-BTT&TT ngày 04/4/2017 của Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN 109:2017:BTT-TT); Thông tư số 13/2017/TT-BTT&TT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thông tư này quy định về nguyên tắc, yêu cầu kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu trao đổi phục vụ kết nối và trách nhiệm của các bên liên quan thực hiện kết nối; Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Thông tư số 03/2017/TT-BTT&TT ngày 24/4/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP 16 của Chính phủ.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu là cần thiết
Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số, đó là “Dữ liệu là tài nguyên mới, Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.
Về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đầy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong những nội dung chính được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg) do Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương được phân công tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ chủ trì triển khai các nhiệm vụ và giải pháp gồm kiến tạo thể chế; nhiệm vụ giải pháp tạo nền móng Chuyển đổi số; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; nhiệm vụ giải pháp tạo nền móng Chuyển đổi số; tổ chức thực hiện và triển khai các nhiệm vụ giao chung cho tất cả bộ, ngành.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử. Nếu như các văn bản pháp luật trước đó như Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản dưới luật khác chủ yếu đề cập chủ yếu đến hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thì Nghị định số 47/2020/NĐ-CP sẽ trọng tâm vào dữ liệu, là nội dung bên trong và là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử. Thêm vào đó, Nghị định này nhấn mạnh “dữ liệu số” thể hiện tinh thần dữ liệu số sẽ là nền tảng để phát triển hướng tới Chính phủ số.
Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, việc kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương trên quy mô quốc gia phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, đưa nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào sử dụng, phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa bộ, ngành, địa phương.
Từ cuối năm 2020, toàn bộ 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, Bộ TT&TT đã kết nối được với 90 bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp; 05 cơ sở dữ liệu, 08 hệ thống thông tin.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước bước đầu phát huy hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, hàng ngày có khoảng 200 ngàn giao dịch thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các bộ, ngành, địa phương, chưa phát huy tối đa giá trị của các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn phản ánh có khó khăn, vướng mắc trong kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Ưu tiên kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới
Đối với các bộ, ngành chủ quản các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương: rà soát, xác định danh sách các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin hiện đang sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu; xác định dữ liệu có thể chia sẻ; xác định lộ trình, đầu mối triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu; nêu khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về kết nối, chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu ảu của các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.
Ưu tiên nguồn lực triển khai kết nối, có lộ trình đưa vào khai thác chính thức ngay trong năm 2021 các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương đã kết nối vào nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của mình.
Cung cấp nhu cầu cụ thể về kết nối, chia sẻ, tích hợp với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương do các bộ, ngành khác làm chủ quản.
Về vấn đề triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các văn kiện lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ đều đưa ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chính phủ số… trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xác định được nội hàm của chuyển đổi số, quản lý nhà nước về chuyển đổi số và đưa ra các vấn đề cần giải quyết. Bộ trưởng cũng lưu ý một số đơn vị cần có hoạt động chuyển đổi sớm, triển khai mạnh mẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin… Để có kế hoạch, chiến lược triển khai hoạt động này trong thời gian tới, Bộ trưởng đã có yêu cầu cụ thể với một số đơn vị liên quan.