Đề án Thành phố thông minh: Tạo động lực, đặt nền tảng bứt phá mới cho Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020
TS. Nguyễn Việt Long - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng Thành phố Thông minh
Từ nền tảng công nghiệp hóa, năm 2016 Bình Dương đã triển khai đề án thành phố thông minh để đột phá kinh tế xã hội tỉnh, đón làn sóng 4.0, và đã gặt hái được nhiều thành công, xây dựng được nền tảng mới. Bài viết sẽ phân tích quá trình triển khai đề án Thành phố thông minh Bình Dương từ 2016 đến nay và những đóng góp của Đề án Thành phố thông minh vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương.
Từ khóa: Bình Dương, thành phố thông minh, 4.0
Nền tảng cho sự phát triển
Bình Dương là một tỉnh có truyền thống đổi mới. Từ năm 1997, tỉnh đã mạnh mẽ công nghiệp hóa, từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp trở thành vùng công nghiệp lớn của Việt Nam. Năm 2015, đứng trước xu thế 4.0, bùng nổ về khoa học công nghệ với nhiều thách thức và cơ hội mới [1], đồng thời mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp gia công cũng đến điểm tới hạn, Bình Dương quyết định đột phá, trong giai đoạn 2016-2020 xây dựng được một nền tảng phát triển mới, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Đề án thành phố thông minh Bình Dương ra đời trong hoàn cảnh đó. Hợp tác cùng thành phố kết nghĩa Eindhoven (Hà Lan) - một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu Châu Âu [2], đề án được công bố vào tháng 3/2016, nhằm mục tiêu đưa Bình Dương từ sản xuất truyền thống lên nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, với dịch vụ, sản xuất công nghệ cao mà đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, đô thị xanh sạch đáng sống, tạo tiền đề vươn đến kinh tế tri thức, kinh tế số [3].
Như vậy, khác với cách tiếp cận thông thường chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ vào đô thị, đề án thành phố thông minh Bình Dương đột phá toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ, tập trung nâng cao hàm lượng tri thức và sáng tạo trong đời sống và kinh tế. Theo cách tiếp cận của Bình Dương, thành phố thông minh (TPTM) như một hệ sinh thái năng động sáng tạo, trong đó mọi thành tố không ngừng được cải tiến, đổi mới, tối ưu hóa. Tỉnh đã triển khai một kế hoạch hành động tổng thể “Binh Duong Navigator 2021”, dựa trên mô hình Ba Nhà.
Mô hình Ba Nhà
Xuất phát từ lí thuyết, mô hình Ba Nhà/Triple Helix [4] khuyến khích, thúc đẩy, chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà trường - viện để phát triển kinh tế xã hội. Nhà nước gồm chính quyền địa phương, và có thể là chính phủ hay các chính quyền khu vực có liên quan. Nhà trường chủ yếu là trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, cũng như là các cơ sở giáo dục đào tạo khác. Nhà doanh nghiệp bao gồm từ các tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp và khởi nghiệp trong vùng. Điều quan trọng là các đối tác này có quan hệ mật thiết với địa phương, và có động lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Từ nửa cuối thập niên 90 đã có nhiều khu vực trên thế giới ứng dụng mô hình này, trong đó thành phố Eindhoven là một ví dụ thành công tiêu biểu [5]. Tiếp biến từ Eindhoven, năm 2016 Bình Dương đã triển khai Ba Nhà [6]: đặt người dân và tri thức làm trọng tâm, các bên hợp tác trên cơ sở linh động và tự nguyện, cùng nhau thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, thách thức, cơ hội, nguồn lực để xây dựng các định hướng phát triển chung cho địa phương, và cùng cam kết triển khai các ý tưởng. Từ đó, họ có thể cùng tham gia vào những dự án cụ thể giúp cho tổ chức của mình đạt được vị thế cạnh tranh cao hơn ở cả trong lẫn ngoài vùng. Hợp tác Ba Nhà đóng vai trò hỗ trợ mỗi đối tác tham gia có được những quyết định tốt hơn, phù hợp hơn với môi trường, đồng thời liên kết với mục tiêu chung của các bên. Tại Bình Dương, Ba Nhà đã trở thành một nguyên tắc để hướng đến khi triển khai mỗi dự án TPTM.
Bên cạnh tính hợp tác, tính linh hoạt thích ứng cũng được Bình Dương áp dụng quyết liệt trong triển khai TPTM. Đây được xem là nguyên tắc quan trọng trong thời kì 4.0 đổi mới đầy biến động, như ý tưởng trong thuyết tiến hóa đã nêu: không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là loài thích ứng tốt nhất với sự thay đổi sẽ tồn tại.
Chương trình hành động
Các mục tiêu và hướng dẫn cụ thể cho đề án TPTM được trình bày trong bộ tài liệu “Binh Dương Navigator 2021”. Bộ tài liệu này chỉ ra viễn cảnh chung, xác định những phương hướng phát triển, phân công và cam kết từng chương trình hành động cụ thể để xây dựng Bình Dương - với vai trò là một bộ phận quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam - hướng đến TPTM, là khu vực mang tầm quốc tế về khoa học công nghệ (KHCN) và kinh tế trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao. Các hành động cụ thể có thể được thay đổi cho phù hợp từng thời điểm, dựa trên khung sườn định hướng chung của đề án. Bộ tài liệu gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia ra trong 4 lĩnh vực: “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp”, “các yếu tố nền tảng” [7] [3].
Con người: đặt con người là trọng tâm của toàn đề án, phần này tập trung vào lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc - con người. Đây là yếu tố quyết định để thu hút nhà đầu tư công nghệ cao [8]. Mục tiêu dài hạn là Bình Dương phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân được những nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế. Các trung tâm thực nghiệm - không gian sáng tạo (TechLab, FabLab, MakerSpace) sẽ được triển khai ở Bình Dương, là những không gian có sẵn máy móc thiết bị, sử dụng chung giữa viện trường và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, khởi nghiệp, cũng như giảng viên và các doanh nghiệp có điều kiện để phát triển các ý tưởng. Mục tiêu này sẽ được củng cố nhờ hạ tầng giáo dục tốt, chương trình tiêu chuẩn quốc tế, môi trường làm việc năng động, hợp tác các nguồn lực, giúp tỉnh có được lực lượng lao động tài năng, hiệu quả.
Công nghệ: triển khai các dự án hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu và phát triển; khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ mới với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội; và tạo điều kiện để công nghệ mới được thí điểm ở các môi trường thực tế (living lab), vừa hỗ trợ cho nghiên cứu đồng thời cải thiện cuộc sống người dân. Nhận diện được tầm quan trọng của yếu tố này, chính quyền tỉnh lãnh đạo cũng như hỗ trợ, tập hợp các viện trường, các công ty không chỉ trong nước mà cả các tập đoàn đa quốc gia cùng chung tay xây dựng. Mục tiêu dài hạn là Bình Dương cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc để có thể phục vụ được nhiều công ty sản xuất tiên tiến. Trong tương lai, cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển do tư nhân và nhà nước tài trợ không chỉ phục vụ riêng tỉnh Bình Dương mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và các bên hợp tác chặt chẽ để tăng cường tính cạnh tranh trong sản xuất. Bình Dương hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp: củng cố các doanh nghiệp hiện hữu, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, và thúc đẩy khởi nghiệp là mục tiêu chính của các chương trình hành động trong lĩnh vực này. Bình Dương có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các công ty sản xuất, tập trung thành các khu công nghiệp quy mô. Tỉnh tiếp tục thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và cổng thông tin về chuỗi cung ứng trong khu vực, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, khu KHCN, khu phức hợp thương mại quốc tế, vườn ươm doanh nghiệp với mô hình quốc tế. Trong tương lai, Bình Dương xác định sẽ hướng tới một hệ sinh thái kinh doanh đổi mới sáng tạo, và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng, thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao trong và ngoài nước, cả về công nghiệp lẫn dịch vụ.
Các yếu tố nền tảng: tập trung vào những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển một khu vực vững mạnh, ví dụ như xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin truyền thông tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống thoải mái và cuốn hút, xanh sạch, các trung tâm văn hóa vui chơi giải trí - thể thao năng động, tạo dựng thương hiệu danh tiếng. Bình Dương đặc biệt chú trọng các vấn đề xây dựng hệ thống giao thông chiến lược trong và liên tỉnh, các trung tâm đầu mối cảng khô, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, băng thông rộng, năng lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến. Bình Dương hướng đến một hình ảnh tầm quốc tế không chỉ với danh tiếng là một khu vực tốt để làm việc, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao, mà còn là một TPTM với môi trường sống đầy năng động sáng tạo, phấn đấu gia nhập các tổ chức tầm vóc toàn cầu.
Về vấn đề nguồn lực, việc chuẩn bị một lộ trình chặt chẽ hướng đến TPTM sẽ tạo ra một sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư công nghệ, các bạn trẻ năng động và lao động trí thức cả trong và ngoài nước. Một mô hình hợp tác Ba Nhà, cũng giống như Eindhoven, lấy con người làm trọng tâm chứ không phải là công nghệ, sẽ giúp cho Bình Dương tạo ra môi trường năng động, thúc đẩy các trường đại học, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cùng chung tay xây dựng, đem đến những ý tưởng, giải pháp, mô hình kinh doanh thông minh, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Ngoài ra, Bình Dương cũng có lộ trình xây dựng từng bước để tránh phân tán nguồn lực, bắt đầu từ những dự án có thể làm đòn bẩy cho kinh tế xã hội, và tập trung vào những khu vực đô thị có vị trí chiến lược đã được quy hoạch tốt trước, sau đó dần dần lan tỏa ra khắp tỉnh.
Về các tiêu chí, Bình Dương được hoạch định đặc biệt theo sáu tiêu chí của tổ chức uy tín Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF (Intelligent Community Forum), với mục tiêu sớm được gia nhập mạng lưới này. Sáu tiêu chí đó cũng là những nền tảng cơ bản quan trọng để phát triển đô thị thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế số [9] [10]: (1) Băng thông rộng được triển khai trong khu vực, (2) Lực lượng lao động trí thức cũng như hoạt động đào tạo và nghiên cứu, (3) Chính sách và hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, (4) Bình đẳng tiếp cận công nghệ số cho tất cả mọi người trong cộng đồng, (5) Phát triển bền vững, và (6) Sự ủng hộ khích lệ từ cả cộng đồng. Tỉnh còn qui hoạch Vùng thông minh, tiên phong phát triển theo các tiêu chí trên. Với Bình Dương, việc vào được ICF sẽ giúp tỉnh mở rộng giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với gần 200 tỉnh thành thịnh vượng trên toàn cầu trong ICF, cùng hòa mình với những xu thế phát triển mới của thế giới, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, định vị lại danh tiếng trên trường quốc tế.
Kết quả đóng góp vào sự phát triển Bình Dương:
Đề án TPTM đã được lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai quyết liệt, thu hút toàn xã hội hăng hái góp sức, huy động được nguồn lực, sau gần 4 năm đã đạt được những kết quả thực sự to lớn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà, mở ra nhiều cơ hội mới đầy tiềm năng cho giai đoạn tiếp theo [3] [11].
Những năm qua, với các chương trình đổi mới, Bình Dương liên tiếp vượt các chỉ tiêu, đặc biệt có những tiêu chí đã tăng trưởng đột biến như về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu v.v. [12] Số lượng doanh nghiệp trong tỉnh từ đầu năm 2016 đến tháng 3/2020 tăng hơn gấp đôi, từ trên 20.000 lên hơn 45.000. Bình Dương nhiều năm liên tục gần đây trong tốp đầu toàn quốc trên nhiều lĩnh vực: đứng nhất về cơ sở hạ tầng, tốp 3 về thu hút đầu tư nước ngoài, tốp 3 về sản xuất nội địa, v.v. Ngay cả về an sinh xã hội, Bình Dương cũng là nơi đầu tiên của cả nước xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, là địa phương duy nhất cho đến nay đã xóa hết hộ nghèo, v.v. Các huyện phía bắc lần lượt công nghiệp hóa mạnh mẽ mà tiêu biểu là huyện mới Bàu Bàng, trong khi phía nam thì thành phố Thủ Dầu Một vươn lên đô thị loại một, còn Dĩ An và Thuận An được công nhận lên thành phố. Các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu KHCN, giáo dục hiện đại như STEM/STEAM, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, các phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, FabLab, các vườn ươm doanh nghiệp… đã và đang được triển khai rất chủ động và mạnh mẽ từ chính quyền cũng như viện trường, doanh nghiệp.Nhiều chương trình ứng dụng KHCN vào đời sống đang đi đầu cả nước như trung tâm hành chính tập trung hiện đại [13]; hệ thống thông tin địa lý GIS với dữ liệu số hóa bản đồ qui hoạch trên toàn tỉnh; hệ thống quan trắc tự động quan trắc các thành phần môi trường và kiểm soát các nguồn thải từ tất cả các khu công nghiệp và các khu vực quan trọng trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu về đất đai và môi trường để hỗ trợ quản lý sát sao và chủ động; bắt đầu hình thành cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để hỗ trợ quản lý và phân tích thúc đẩy thu hút đầu tư; triển khai thành công tổng đài 1022 và hệ thống mạng xã hội (zalo, facebook…) để người dân kết nối trực tiếp với chính quyền 24/7… Từ chiến lược thành phố thông minh, tỉnh đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong KHCN như tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA…, các viện trường trong nước và quốc tế danh tiếng như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Viện nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia Chungnam Hàn Quốc, đại học Portland State Mỹ, Đại học Quốc gia TP HCM, Viện cơ học và tin học ứng dụng - Viện hàn lâm KHCN Việt Nam… từ đó xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo qui mô.
Bình Dương cũng đã đăng cai tổ chức liên tiếp các sự kiện tầm toàn cầu về hợp tác kinh tế, KHCN, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh như Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu với Hiệp hội đô thị KHCN thế giới WTA và UNESCO, diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis… thu hút mỗi năm vài ngàn lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, các đại học, chính trị gia, thị trưởng các tỉnh thành trên khắp các châu lục đến tham gia, mang lại lợi ích thiết thực vô cùng to lớn với các cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, đưa thương hiệu tỉnh lên tầm quốc tế. Đến năm 2019, theo Tổng Cục thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đã vươn lên đứng thứ nhất Việt Nam, và ít có chênh lệch giàu nghèo. Bình Dương và các vùng trong tỉnh đã lần lượt được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới như Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF, Hiệp hội đô thị KHCN thế giới WTA, Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới WTCA... Liên tiếp hai năm 2018 và 2019, vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21) [10].
Kết luận
Sau hơn 20 năm công nghiệp hóa thành công, trong bối cảnh bùng nổ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm 2016 Bình Dương đã hợp tác cùng thành phố Eindhoven-Hà Lan triển khai đề án TPTM như một chương trình đột phá hướng đến dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, đô thị năng động đáng sống. Với mô hình Ba Nhà, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thời gian qua Đề án đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của Bình Dương, đặt những nền tảng cơ bản, đưa tỉnh lên một vị thế mới trên trường quốc tế, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Tài liệu tham khảo
[1] K. Schwab, The Fourth Industrial Revolution. New York: Currency, 2017.
[2] Nguyễn Việt Long, “Phát triển xã hội thông minh: Điển cứu Eindhoven - Hà Lan,” Tạp Chí Khoa Học Chính Trị - Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh- Học Viện Khu Vực II, vol. 03/2020, 2020.
[3] Nguyen Viet Long, “The groundbreaking strategic socio-economic development - smart city planning : a case study of Binh Duong,” J. Archit. Plan. Taiwan, vol. 19, no. 2, 2019.
[4] H. Etzkowitz, The Triple Helix: University-Industry-Government Innovation in Action. New York: Routledge, 2008.
[5] R. Van Gijzel, A city creating the future. Lecturis, 2016.
[6] Nguyễn Việt Long and Nguyễn Thị Thu Hà, “Mô hình Ba Nhà: chìa khóa cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, phát triển xã hội & kinh tế tri thức,” Tạp Chí Khoa Học Chính Trị – Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh- Học Viện Khu Vực II, vol. 01/2020, 2020.
[7] UBND tỉnh Bình Dương, “Quyết định 3206/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 về việc phê duyệt đề án Thành phố Thông minh Bình Dương.” .
[8] Deloitte et al., “Global manufacturing competitiveness index report.” Deloitte, 2016.
[9] R. A. Bell, J. G. Jung, and L. A. Zacharilla, Brain Gain: How innovative cities create job growth in an age of disruption, 1 edition. New York: CreateSpace Independent Publishing Platform, 2014.
[10] Nguyễn Việt Long, “Tầm nhìn và bộ tiêu chí để phát triển nền tảng hướng tới kinh tế số : Cách tiếp cận của diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới,” Tạp Chí Khoa Học Chính Trị – Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh- Học Viện Khu Vực II, vol. 06/2019, 2019.
[11] UBND tỉnh Bình Dương - Ban điều hành Thành phố Thông minh, “Kế hoạch 09/KH-BĐH ngày 22/01/2020, thực hiện đề án thành phố thông minh Bình Dương trong năm 2020.” Jan. 22, 2020.
[12] UBND tỉnh Bình Dương - Ban điều hành Thành phố Thông minh, “Công văn 43/CV-BĐH ngày 18/8/2020 về Tài liệu tuyên truyền về Thành phố Thông minh.” Aug. 18, 2020.
[13] Nguyễn Việt Long and Đoàn Thị Ánh Ngọc, “Phát triển Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương, hướng tới xây dựng thành phố thông minh,” Tạp Chí Quản Lý Nhà Nước - Học Viện Hành Chính Quốc Gia, 2020.