Đề tài: Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và vui chơi giải trí của trẻ nhập cư - Nghiên cứu trường hợp tại lớp học tình thương, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương
Ngô Thị Thanh Trúc - Trường Đại học Thủ Dầu Một
1. MỞ ĐẦU
Đề tài nhằm tìm hiểu thực trạng việc tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục và vui chơi giải trí của trẻ nhập cư ở lớp học tình thương phường Phú Cường. Đồng thời qua đó có thể thấy được những thuận lợi và khó khăn của nhóm trẻ nhập cư nơi đây đang gặp phải. Thông qua việc phỏng vấn sâu các hộ gia đình, bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để độc giả có một cách nhìn sâu sắc hơn. Việc gia đình di cư sẽ kéo theo con cái của họ đi cùng mà trẻ nhập cư là người cần được hưởng quyền lợi nhiều nhất. Thế nhưng, trên thực tế trẻ nhập cư thuộc các hộ gia đình có trình độ lao động phổ thông thường rất khó tiếp cận được các dịch vụ về y tế, giáo dục và vui chơi giải trí... Với rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong đó nguyên nhân chính đó là vấn đề về kinh tế. Vì thế, tác giả nghiên cứu quyết định tìm hiểu đề tài “Thực trạng tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục và vui chơi giải trí của trẻ nhập cư thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - nghiên cứu tại lớp học tình thương phường Phú Cường thành phố Thủ Dầu Một” để làm rõ hơn về vấn đề này.
2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Về thực trạng việc tiếp cận các dịch vụ của trẻ nhập cư ở lớp học tình thương phường Phú Cường: Với các hộ gia đình được phỏng vấn , họ đều có chung các đặc điểm về nhu cầu mưu sinh, các quan niệm, lo cho kinh tế. Và đặc biệt là do quá chú trọng cho vấn đề kinh tế nên hầu như các ông bố, bà mẹ đã quên rằng việc để cho con em mình được hưởng các nhu cầu về y tế, giáo dục và vui chơi giải trí là một việc rất cần thiết. Phần lớn các gia đình nhập cư lao động phổ thông là chính, họ đều có cuộc sống rất khó khăn, cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ cũng không được cao, nên họ ít quan tâm đến các nhu cầu cơ bản của con người đặc biệt là đối với trẻ nhập cư.
Các em thường không có bảo hiểm y tế và thường bị các bậc phụ huynh xem nhẹ việc khám chữa bệnh, chỉ khi nào tự điều trị ở nhà mà thấy không khỏi mới nghĩ đến việc đưa đi khám bệnh. Họ bị thiếu kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Nói đến giáo dục thì trẻ nhập cư đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ này, do kinh tế khó khăn, thủ tục phức tạp. Và hơn hết, trẻ em di cư không có điều kiện, thời gian dành riêng cho việc học, nên nhu cầu của các em là được đi học ở những lớp học tình thương. Ngoài ra, nhu cầu tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của các em hầu như là một điều rất khó khăn.
Lớp học tình thương trong một giờ học
Về thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ: Nhiều văn bản pháp luật về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được địa phương thi hành, hằng năm đều tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em và người nhập cư. Trẻ có cơ hội phát triển cả thể lực và trí lực thông qua việc học tập ở mô hình lớp học tình thương và các chương trình học bổng hiếu học hỗ trợ cho trẻ em nghèo. Lớp học không những tạo sân chơi lành mạnh vào những dịp lễ và cuối tuần cho trẻ được giải trí mà còn giúp trẻ phát triển năng lực, trí tuệ và luyện tập các mối quan hệ xã hội. Qua đó, có thể giúp cho trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp khác trong cuộc sống.
Về khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ: Trẻ chưa được tiếp cận tới các dịch vụ này vì phần lớn gia đình trẻ có kinh tế khó khăn, cha mẹ chỉ tập trung vào việc mưu sinh nên không đủ điều kiện để mua bảo hiểm y tế, gia đình nhập cư thường thiếu kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như không có thời gian để lo cho các con. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhập cư đặc biệt là các trẻ em gái. Bên cạnh đó, việc thường xuyên di chuyển chỗ ở, nên khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục, chứng từ thường mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là một trong những khó khăn khiến cho người nhập cư ít khi tiếp cận với nhũng dịch vụ này.
Ngoài ra, trẻ nhập cư thường phải chịu ảnh hưởng của việc lao động sớm, theo như kết quả được khảo sát thì phần lớn trẻ đều bị chi phối bởi hoạt động giáo dục và việc kinh doanh phụ giúp gia đình. Các trẻ khó có cơ hội tiếp xúc với việc học, một số bậc phụ huynh cho rằng việc học không quan trọng bằng việc kiếm tiền nên thường cho trẻ theo họ buôn bán, kinh doanh kiếm sống. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc trẻ đi đến lớp học tình thương ở địa phương. Nói về hoạt động vui chơi giải trí thì hầu như các trẻ đều không được đáp ứng nhu cầu này vì phần lớn thời gian dành cho nhu cầu giải trí của trẻ thường phải phụ giúp kinh tế cùng với gia đình. Vì thế việc tiếp cận với các dịch vụ về y tế, giáo dục và vui chơi giải trí đối với trẻ ở lớp học tình thương này còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
3. KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu của đề tài này chỉ mới là khảo sát cho những bước đầu tiên, nghiên cứu chỉ làm sáng tỏ khả năng tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí của trẻ nhập cư tại lớp học tình thương phường Phú Cường thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chính vì thế, cần có thêm các nghiên cứu mở rộng chuyên sâu hơn và toàn diện hơn của trẻ nhập cư trong khu vực thành phố Thủ Dầu Một. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ là tài liệu tham khảo cho các bạn sinh viên khoa công tác xã hội về đề tài trẻ nhập cư nói chung và trẻ nhập cư tại địa bàn phường Phú Cường nói riêng. Bên cạnh đó, có thể làm nguồn tài liệu thêm cho chính quyền địa phương trong các lĩnh vực về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí của trẻ nhập cư.▲