Mô hình phân loại rác thải của Phụ nữ phường Phú Hòa - Thủ Dầu Một
Phân loại rác tại nguồn là mô hình không mới, nhưng để thành công thì những người triển khai mô hình này phải có cách làm sáng tạo và quan trọng hơn là phải làm cho những người tham gia thay đổi ý thức và có những hành vi thân thiện với môi trường.
Là một trong những người tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn đầu tiên ở khu phố 6 - phường Phú Hòa - TP. Thủ Dầu Một, nhà của bà Võ Thị Hoàng Minh lúc nào cũng được trang bị 03 giỏ đựng rác. Mỗi giỏ rác có một công năng khác nhau. Giỏ thứ nhất được dùng để bỏ các loại rác hữu cơ có thể phân hủy được. Đó là những loại thức ăn thừa hay rác phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Giỏ rác thứ 2 dùng để đựng các loại rác vô cơ như các loại chai lọ, giấy carton... có thể tái sử dụng được. Giỏ rác thứ 3 để đựng các loại rác vô cơ không thể tái sử dụng như các chai thủy tinh, bóng đèn, pin... Với cách phân loại này, bất kỳ ai trong gia đình của bà đều có thể dễ dàng thực hiện.
Bà Võ Thị Hoàng Minh cho biết, ba giỏ rác với ba công dụng khác nhau, các loại rác tái chế được của giỏ rác thứ 2 sẽ được các thành viên trong mô hình bán ve chai và đóng góp vào nguồn quỹ chung. Đây là nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động của mô hình. Khi mô hình bắt đầu triển khai năm 2013 có 18 hộ dân tham gia. Qua một thời gian, nhận thấy sự thiết thực của mô hình mà đến nay hầu như toàn bộ các hộ gia đình ở tổ 10 và 11 của khu phố 6 đã đồng loạt tham gia mô hình này.
Hình ảnh: Phân loại rác tại các hộ gia đình khu phố 2
Điểm nổi bật nhất của mô hình phân loại rác tại nguồn của Chi hội Phụ nữ Khu phố 6 phường Phú Hòa đó là việc tác động tới ý thức của từng cá nhân chứ không phải hô hào để thực hiện. Những người tham gia trước làm gương và tự tác động tới từng thành viên trong gia đình của mình. Khi một gia đình thay đổi nhận thức cũng tác động đến gia đình sống bên cạnh. Cứ như vậy, sự lan tỏa của mô hình dựa trên sự tự nguyện của các hộ dân trong khu phố. Chính vì thế mà mô hình này có sức sống và lan tỏa không ngừng.
Những thành viên trong Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức những buổi thăm trò chuyện thân tình. Những buổi gặp gỡ này không chỉ tạo sự khắng khít trong các thành viên của mô hình mà còn giúp cho những người trực tiếp tham gia phân loại rác góp ý lẫn nhau để từ đó duy trì mô hình tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chi hội Phụ nữ phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một cho biết, trong khu vực tổ 10 và 11 của khu phố 6 - phường Phú Hòa, các tuyến hẻm đều sạch đẹp, khang trang. Phía trước nhà mỗi hộ dân đều có trang bị giỏ đựng rác. Hầu như không có tình trạng vứt rác ra đường phố.
Có thể nói mô hình phân loại rác thải tại nguồn của Chi hội Phụ nữ khu phố 6 - phường Phú Hòa dù chỉ mới áp dụng ở 02 tổ của khu phố nhưng sức lan tỏa của nó đã vượt ra nhiều tổ dân phố khác. Điều này cho thấy tính hiệu quả của mô hình. Nó cũng chứng minh một điều khi một mô hình thiết thực thì ắt sẽ thu hút được người dân tham gia. Và dĩ nhiên, sự thay đổi ý thức cũng sẽ tác động tích cực đến môi trường sống. Đây mới chính là điều quan trọng trong việc xây dựng đô thị văn minh, thân thiện với môi trường.▲
Thanh Hải