Đề tài khoa học “Lịch sử tỉnh Bình Dương (từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI)”: Công trình nghiên cứu về lịch sử tỉnh bình dương lớn nhất từ trước đến nay
ThS. Nguyễn Xuân Hào
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Đề tài là một trong những công trình nghiên cứu trọng điểm thuộc chương trình Lịch sử, Văn hóa nằm trong Đề án nghiên cứu khoa học về Miền Đông Nam bộ của Trường Đại học Thủ Dầu Một (giai đoạn 2015-2020) do TS. Nguyễn Văn Hiệp làm chủ nhiệm đề tài và Trường Đại học Thủ Dầu Một chủ trì thực hiện. Đề tài có đóng góp khoa học và xã hội sâu sắc và là tâm huyết từ lâu của PGS. TS. Nguyễn Văn Hiệp cùng cộng sự đã được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu vào tháng 11/2021.
Đây là công trình nghiên cứu có quy mô lớn về lịch sử tỉnh Bình Dương từ trước đến nay, từ kết quả đề tài nhóm tác giả đã biên soạn được bộ sách Lịch sử tỉnh Bình Dương gồm 5 tập:
- Tập 1: Từ khởi thủy đến giữa thế kỷ XIX.
- Tập 2: Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1859 - 1945).
- Tập 3: Thời kỳ chống Pháp và Mỹ xâm lược (1945 - 1975).
- Tập 4: Thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1975 - 2020).
- Tập 5: Lịch sử tỉnh Bình Dương (giản lược)
Nội dung từng tập có thể được tóm tắt như sau:
Tập 1: Từ khởi thủy đến giữa thế kỷ XIX (4 chương)
Chương I trình bày vùng đất Bình Dương thời tiền sử và sơ sử, bao gồm tổng quan về vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên, kết quả khai quật, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ và một phác thảo về đời sống kinh tế - xã hội của cư dân Bình Dương thời tiền sử và sơ sử.
Chương II trình bày vùng đất Bình Dương từ thế kỉ I đến thế kỷ XVI, bao gồm quá trình định hình văn hóa của cư dân về trình độ sản xuất và giao thương, thiết chế xã hội và đời sống tinh thần trong 16 thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên.
Chương III trình bày vùng đất Bình Dương trong tiến trình đón nhận các đoàn người từ xứ Thanh, Nghệ, Ngũ Quảng, rồi người Hoa đến định cư, khẩn hoang, lập làng, xây dựng thiết chế chính trị - xã hội và đời sống văn hóa dưới sự khuyến khích rồi quản chế của nhà Nguyễn.
Chương IV trình bày vùng đất Bình Dương trong nửa đầu thế kỷ XIX (từ 1802 đến 1858), bao gồm sự thay đổi về tổ chức hành chính, sự biến đổi về kinh tế - xã hội dưới sự quản trị toàn diện của nhà Nguyễn.
Tập 2: Thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1959-1945) (3 chương)
Chương I trình bày vùng đất Bình Dương trong nửa cuối thế kỷ XIX (1859 - 1896): quá trình đánh chiếm và áp đặt bộ máy cai trị của thực dân Pháp, những thay đổi về tổ chức hành chính và định chế chính trị, tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân dưới sự lãnh đạo của quan quân triều Nguyễn và các sĩ phu yêu nước ở Thủ Dầu Một.
Chương II trình bày tỉnh Thủ Dầu Một trong hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp (1896 - 1929), những chuyển biến về tổ chức hành chính và tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1896 - 1914), giữa 2 cuộc khai thác thuộc địa và trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp (1918 - 1929).
Chương III trình bày tỉnh Thủ Dầu Một trong tiến trình đấu tranh tiến tới giành chính quyền (1930-1945), tình hình kinh tế - xã hội, quá trình thành lập các tổ chức cộng sản và hoạt động đấu tranh chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản qua các thời đoạn 1930 - 1936, 1936 - 1939 và 1939 - 1945.
Tập 3: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945-1975) (3 chương)
Chương I trình bày tỉnh Thủ Dầu Một - Thủ Biên trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954): Bối cảnh lịch sử và những hoạt động xây dựng chế độ xã hội mới trong tháng đầu độc lập, hoạt động tái xâm lược và áp đặt cơ chế quản trị của thực dân Pháp; đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một từ 1951 trở đi là tỉnh Thủ Biên cho đến năm 1954.
Chương II trình bày tỉnh Thủ Dầu Một từ sau hiệp định Geneve được ký kết cho đến giữa năm 1965, đời sống mọi mặt của nhân dân Thủ Dầu Một ở vùng chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, và vùng giải phóng, căn cứ địa do chính quyền kháng chiến kiểm soát.
Chương III trình bày tỉnh Thủ Dầu Một trong thời kỳ Mỹ trực tiếp đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hóa chiến tranh".
Tập 4: Thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1975 - 2020) (4 chương)
Chương I trình bày các hoạt động của nhân dân Bình Dương trong tổ chức hành chính tỉnh Sông bé (1975 - 1985): tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị và quan hệ sản xuất mới; tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc trên biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia.
Chương II trình bày 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của nhân dân vùng Bình Dương ngày nay trong tổ chức hành chính tỉnh Sông bé mới (1986 - 1996), quá trình chuyển biến về cơ chế quản lý, những khó khăn và thành tựu bước đầu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh.
Chương III trình bày sự kiện tỉnh Bình Dương thành lập và giai đoạn đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh (1997 - 2010), chuyển dịch cơ cấu kinh tế với những bước đi bứt phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế đối ngoại, sự phát triển về mọi mặt trong đời sống của nhân dân Bình Dương.
Chương V trình bày quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại (2010 - 2020). Sau khi nêu vị thế mới của Bình Dương trong tiến trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đề tài trình bày hoạt động đổi mới mô hình, cơ cấu và chất lượng tăng trưởng kinh tế, cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững.
Tập 5: Lịch sử tỉnh Bình Dương (giản lược)
Nội dung của tập này là trình bày giản lược toàn bộ lịch sử tỉnh Bình Dương. Cụ thể là trình bày từng vấn đề theo chiều dọc, xuyên suốt từ khởi thủy đến nay, bao gồm: "Diên cách và tài nguyên", "Cư dân và cơ cấu quản trị", "Kinh tế", "Văn hóa - xã hội", "Truyền thống đấu tranh yêu nước và bảo vệ tổ quốc".
Chương I trình bày diên cách và tài nguyên vùng đất Bình Dương, gồm địa hình, khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, sông suối, nước ngầm, khoáng sản đất đai, rừng; các nội dung vừa có đặc điểm riêng, đặc thù, vừa mang những yếu tố chung của Đông Nam Bộ mà Bình Dương là vùng đất trung tâm.
Các chương II, III, IV trình bày giản lược qua từng thời kỳ lịch sử, từ khởi thủy (sơ sử, tiền sử) đến khai phá lập làng, thuộc Pháp, kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nội dung các chương lần lượt trình bày tình hình dân cư và cơ cấu quản trị địa bàn; hoạt động kinh tế và tác động của hoạt động ấy trong đời sống dân cư nội, ngoại tỉnh; tình hình văn hóa - xã hội là những đặc điểm bản sắc của Bình Dương trong tiến trình giao thoa, tiếp biến, nhất là từ khi thực dân Pháp xâm lược (1859) cho đến ngày nay.
Chương V trình bày truyền thống yêu nước và các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Bình Dương trong lịch sử.
Cuối Tập 5 có phần tổng luận chung của cả công trình, nêu và phân tích những luận điểm khoa học chính được trình bày trong các tập 1, 2, 3, 4 về điều kiện tự nhiên, những chuyển biến về tình hình dân cư, thể chế quản trị địa bàn, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử.
Có thể thấy, đây là công trình công phu, có giá trị khoa học và thực tiễn cao và sẽ được xuất bản thành sách. Công trình nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn bộ sách Lịch sử tỉnh Bình Dương (từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XXI) là bộ tài liệu góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh Bình Dương. Bộ sách sẽ được ứng dụng vào việc giảng dạy lịch sử địa phương trong tất cả các cấp học tại tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, bộ sách Lịch sử tỉnh Bình Dương được tiếp cận và trình bày diễn trình lịch sử một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan và khoa học, xứng tầm với vị trí là một địa bàn thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nội dung bộ sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân trong tỉnh; phục vụ công tác giáo dục truyền thống của các ngành, các cấp.