Đề tài: Lịch sử chính quyền nhân dân tỉnh Bình Dương (1945-2005)
Đơn vị thực hiện: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
- Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Hữu Phước
- Thời gian thực hiện: 30 tháng (12/2009 – 6/2012)
- Đơn vị được bàn giao kết quả: Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
- Sự cần thiết để thực hiện đề tài:
Từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến những năm đầu thế kỷ XXI, địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay đã trải qua nhiều biến đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, gắn liền với tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong quá trình đó, bộ máy chính quyền cấp tỉnh trên địa bàn Bình Dương đã đảm nhận và hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền nhà nước tại địa phương trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các lĩnh vực trong đời sống xã hội, cả thời chiến lẫn thời bình.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang chuyển biến nhanh chóng từ một xã hội nông nghiệp - nông thôn sang xã hội công nghiệp - đô thị, cùng cả nước tiến nhanh vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh đó, việc kiện toàn bộ máy chính quyền cho phù hợp với yêu cầu mới, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển đất nước là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Chính vì vậy, nghiên cứu quá trình và đặc điểm hình thành, phát triển; đúc kết những bài học (cả lý luận và thực tiễn) từ thực tế hoạt động của hệ thống chính quyền nhân dân ở Bình Dương từ 1945 đến 2005 là công việc cần thiết để góp phần nhận thức đầy đủ và phát huy hiệu quả vai trò quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền ở địa phương trong giai đoạn tăng tốc phát triển. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về lịch sử chính quyền nhân dân cấp tỉnh ở Bình Dương và là một trong không nhiều công trình đầu tiên thuộc loại này trong cả nước.
- Mục tiêu đề tài:
+ Dựng lại một cách có hệ thống và chân thực quá trình hình thành và hoạt động của chính quyền nhân dân tỉnh Bình Dương từ năm 1945 đến năm 2005 qua các thời kỳ lịch sử: đấu tranh giải phóng dân tộc; kháng chiến chống xâm lược; xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
+ Khẳng định những thành tựu đạt được và chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền cấp tỉnh; đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tế lịch sử phục vụ cho công cuộc đổi mới hệ thống chính trị nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
+ Lưu giữ tư liệu, ghi nhớ và tôn vinh công lao của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền nhân dân ở Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử; nâng cao lòng tự hào chính đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền hiện nay.
- Kết quả thực hiện đề tài:
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu:
+ Nhân dân Bình Dương đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (1930 – 1945)
+ Chính quyền nhân dân ở Bình Dương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)
+ Chính quyền nhân dân ở Bình Dương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)
+ Chính quyền nhân dân tỉnh Sông Bé - Bình Dương trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới (1975 – 1996)
+ Chính quyền nhân dân tỉnh Bình Dương trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997-2005)
+ 60 năm xây dựng, trưởng thành của chính quyền dân chủ nhân dân ở Bình Dương (1945-2005): đặc điểm, thành tựu và hạn chế, bài học kinh nghiệm
- Hiệu quả đề tài:
+ Cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc củng cố, hoàn thiện và phát huy hiệu lực của bộ máy chính quyền ở địa phương gắn với những điều kiện kinh tế - xã hội có tính đặc thù của miền Đông Nam Bộ, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
+ Góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh; phục vụ công tác giáo dục truyền thống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Thành Lâm