Đề tài: Nghiên cứu, đánh giá chất lượng đất và đề xuất phát triển các loại hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương
Đơn vị thực hiện: Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Tp.HCM
Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Ngọc Hùng
Thời gian thực hiện: 2018-2019
Đơn vị được bàn giao kết quả: UBND các xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội; UBND thị xã Tân Uyên; Sở Tài nguyên và MT; Sở Nông nghiệp và PTNT
Sự cần thiết để thực hiện đề tài:
Xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội là hai trong số sáu xã nông nghiệp thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Xã Bạch Đằng có diện tích tự nhiên 1.079 ha và xã Thạnh Hội 428 ha là hai xã cù lao nằm giữa sông Đồng Nai. Với vị trí địa lý đặc biệt và tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, xã Bạch Đằng có thế mạnh cây đặc sản là cây bưởi với diện tích trên 450 ha đất trồng bưởi, còn xã Thạnh Hội có truyền thống trồng cây ngắn ngày với diện tích trên 170 ha. Cho đến nay, cây bưởi được trồng một số nơi ở xã Bạch Đằng trên 40 năm, còn vùng trồng cây ngắn ngày của xã Thạnh Hội được khai thác quay vòng từ 2 đến 4 vụ/năm. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp của hai xã còn manh mún, tự phát. Qua kinh nghiệm thực tế và các nghiên cứu trước đây, việc chuyên canh lâu năm và khai thác liên tục các loại hình sử dụng đất của hai xã sẽ làm suy thoái đất gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cũng như chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TX. Tân Uyên sẽ phát triển thành khu đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương nhưng hai xã cù lao Bạch Đằng và Thạnh Hội sẽ vẫn giữ lại phát triển nông nghiệp, nông nghiệp đô thị của thị xã để trở thành “lá phổi xanh’’ của thị xã, tỉnh Bình Dương. Do đó, hai xã cù lao Bạch Đằng và Thạnh Hội nói riêng và TX. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nói chung cần có một nghiên cứu cụ thể để phân tích, đánh giá chất lượng đất hiện nay tại địa phương, từ đó là căn cứ đề xuất các mô hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Qua thực tế đang diễn ra tại Việt Nam, nông nghiệp đô thị phát triển theo hướng hình thành các vùng chuyên canh và chuyên môn hóa phục vụ chức năng của các đô thị. Từ đó, có thể thấy phân hoá lãnh thổ nông nghiệp đô thị của Việt Nam hiện nay diễn ra theo hướng hình thành các quần thế cây, con phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và tính chất đô thị. Về bản chất, tuy đô thị là phân hệ địa-kỹ thuật, nhưng nông nghiệp đô thị vẫn lấy cây trồng, vật nuôi làm đối tượng sản xuất, nên vẫn chịu tác động mạnh của các nhân tố tự nhiên và phân hoá lãnh thổ. Vì vậy để xác định loại hình sử dụng đất phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao cho một tỉnh công nghiệp và đô thị hóa nhanh như tỉnh Bình Dương nói chung và tại thị xã Tân Uyên nói riêng, trong đó có 2 xã ven đô Bạch Đằng và Thạnh Hội, là một yêu cầu rất cấp thiết.
Tập thể tác giả đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá chất lượng đất và đề xuất phát triển các loại hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương.” làm cơ sở khoa học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường trên toàn địa bàn 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội nói riêng và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nói chung.
- Mục tiêu đề tài:
Mục tiêu chung:
Nghiên cứu đánh giá chất lượng đất làm cơ sở đề xuất phát triển các loại hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất đai và phát triển kinh tế xã hội tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu, đánh giá chất lượng đất tại xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, T. Bình Dương thể hiện trong bản đồ chất lượng đất tỷ lệ 1/5.000 (xã Bạch Đằng) và 1/2.000 (xã Thạnh Hội).
- Đánh giá và lựa chọn các mô hình (loại hình sử dụng đất) nông nghiệp có hiệu quả kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện xã Thạnh Hội và xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, T. Bình Dương.- Bố trí sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị (trên cơ sở đánh giá chất lượng đất).
- Kết quả thực hiện đề tài:
1. Báo cáo khoa học tổng kết đề tài
2. Báo cáo tóm tắt
3. Bản đồ đất nông hóa cho xã Bạch Đằng tỷ lệ 1/5.000 và xã Thạnh Hội tỷ lệ 1/2.000
4. Bản đồ chất lượng đất cho xã Bạch Đằng tỷ lệ 1/5.000 và xã Thạnh Hội tỷ lệ 1/2.000
5. Bản đồ đánh giá đất đai cho xã Bạch Đằng tỷ lệ 1/5.000 và xã Thạnh Hội tỷ lệ 1/2.000
6. Bản đồ đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất cho xã Bạch Đằng tỷ lệ 1/5.000 và xã Thạnh Hội tỷ lệ 1/2.000
7. Mỗi xã 01 đĩa CD chứa đựng các cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất
8. 01 bài báo khoa học trên Tạp chí Khoa học đất
9. Đào tạo 02 thạc sỹ chuyên ngành Sử dụng, quản lý tài nguyên, môi trường.
Hiệu quả đề tài (dự án):
Hiệu quả kinh tế:
Thông qua việc ứng dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu như đã nêu ở trên, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội nói riêng và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nói chung;
Làm cơ sở xây dựng đề án quy hoạch phát triển nông nghiệp, bố trí cây trồng hợp lý, thực hiện xây dựng các mô hình nông nghiệp, nông nghiệp đô thị phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất, nâng cao thu nhập nông hộ.
Hiệu quả xã hội:
Kết quả nghiên cứu đề tài giúp cho địa phương có cơ sở xây dựng chính sách phát triển ngành nghề thu hút vốn đầu tư tăng sản phẩm ngành nghề, phát triển an sinh xã hội; góp phần củng cố, duy trì hoàn thiện và phát triển theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.
- Hình ảnh minh họa:
Minh Thư