Đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ nông nghiệp
- Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn An Đệ
- Thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 5/2021 đến tháng 6/2024)
- Sự cần thiết đề tài: Bưởi, cam, quýt là cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bình Dương, đồng thời là cây cho thu nhập cao. Những khó khăn thường gặp phải trong thời gian qua là tình trạng thiếu nước tưới, hoặc khó khai thác nước tưới trong mùa khô, chi phí tưới cao, khó điều chỉnh ra hoa đậu quả, chưa có quy trình tưới hiệu quả để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt và đạt năng suất cao ổn định. Do đó đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã được triển khai thực hiện.
- Mục tiêu đề tài:
Xây dựng được báo cáo điều tra khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã và đang áp dụng tại Bình Dương và một số vùng lân cận. Báo cáo nêu được tình hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã và đang áp dụng tại Bình Dương và một số vùng lân cận, đánh giá những ưu điểm và hạn chế, đúc kết những kỹ thuật có hiệu quả từ các mô hình có hiệu quả và đề ra giải pháp phát triển kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có hiệu quả.
Nghiên cứu và xây dựng được quy trình kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho vườn bưởi, cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quy trình giúp tăng năng suất ít nhất 10% so với đối chứng (là vườn áp dụng kỹ thuật tưới truyền thống).
Xây dựng được mô hình tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi, cam, quýt ở Bình Dương. Mỗi loại cây 1 mô hình, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế ít nhất 15% so với đối chứng (là vườn áp dụng kỹ thuật tưới truyền thống).
Xây dựng được sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và bảo dưỡng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi, cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các nội dung trong sổ tay được biên soạn cô đọng, cụ thể theo trình tự thời gian. Có hình ảnh minh họa, dễ hiểu và dễ áp dụng cho nông dân.
Chuyển giao quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cho người nông dân.
- Kết quả thực hiện đề tài:
Bằng phương pháp điều tra khảo sát kết hợp thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng, quy trình “Kỹ thuật chăm sóc và tưới nước tiết kiệm hiệu quả cho bưởi, cam quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã được xây dựng và áp dụng tại một số mô hình có hiệu quả thiết thực. Thông qua đề tài, Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và bảo dưỡng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi, cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã được biên soạn. Đề tài cũng tổ chức 2 hội thảo đầu bờ, 2 lớp tập huấn và 1 hội thảo khoa học cho người dân địa phương.
+ Điều tra khảo sát: Đã điều tra phỏng vấn 90 hộ trồng bưởi, cam, quýt; khảo sát đánh giá thành phần cơ giới đất; khảo sát đánh giá khả năng giữ nước của đất và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật cần thiết cho xây dựng quy trình “Kỹ thuật chăm sóc và tưới nước tiết kiệm hiệu quả cho bưởi, cam quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Kết quả khảo sát cho thấy đất trồng cam quýt bưởi trong khu vực có hàm lượng hữu cơ biến động lớn 0,4-2,9%, đa số mẫu có hàm lượng hữu cơ thấp. Đa số đất có thành phần cơ giới nhẹ. Khu vực đất thấp có độ ẩm héo cây từ 4,47% -10,50%; độ ẩm đồng ruộng 7,61%-15,90%; độ ẩm bảo hòa 44,2%-53,3%. Khu vực đất cao có độ ẩm héo cây từ 2,78%-10,70%; độ ẩm đồng ruộng 4,43%-18,20%; độ ẩm bảo hòa 30,2%-65,8%. Kết quả điều tra cũng rút kết được một số kỹ thuật có hiệu quả từ nhà vườn như kiểu tưới, loại thiết bị tưới, cách bón phân qua hệ thống tưới, loại phân và cách sử dụng, cách kiểm soát nước tưới để xử lý ra hoa. Đây là những cơ sở quan trọng để nghiên cứu và xây dựng quy trình.
+ Nghiên cứu bổ sung để xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước: 30 điểm thí nghiệm đã được triển khai đánh giá các nghiệm thức tưới tiết nước và đã xây dựng được Quy trình “Kỹ thuật chăm sóc và tưới nước tiết kiệm hiệu quả cho bưởi, cam quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Kết quả nghiên cứu trên cây bưởi cho thấy giai đoạn sau thu hoạch lượng nước tưới 120 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn phân hóa mầm hoa ngưng tưới khoảng 20 ngày; giai đoạn kích thích ra hoa lượng nước tưới 120 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn đậu quả lượng nước tưới 90 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn quả phát triển lượng nước tưới 90 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn thu hoạch lượng nước tưới 90 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 5 ngày/ lần là phù hợp.
Kết quả nghiên cứu trên cây cam cho thấy giai đoạn sau thu hoạch lượng nước tưới 100 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn phân hóa mầm hoa ngưng tưới khoảng 20 ngày; giai đoạn kích thích ra hoa lượng nước tưới 100 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn đậu quả lượng nước tưới 75 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn quả phát triển lượng nước tưới 75 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn thu hoạch lượng nước tưới 75 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 5 ngày/ lần là phù hợp.
Kết quả nghiên cứu trên cây quýt cho thấy giai đoạn sau thu hoạch lượng nước tưới 80 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn phân hóa mầm hoa ngưng tưới khoảng 20 ngày; giai đoạn kích thích ra hoa lượng nước tưới 80 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn đậu quả lượng nước tưới 60 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn quả phát triển lượng nước tưới 60 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 3 ngày/ lần; giai đoạn thu hoạch lượng nước tưới 60 lít/cây/lần với chu kỳ tưới 5 ngày/ lần là phù hợp.
+ Mô hình tưới tiết kiệm nước: 3 mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây bưởi, cam, quýt (mỗi mô hình 2 điểm; mỗi điểm 5.000m2) đã được thực hiện. Qua 24 tháng ứng dụng tưới tiết kiệm nước, cây trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tiết kiệm nước, năng suất tăng và có hiệu quả kinh tế cao so với đối chứng, đạt được mục tiêu của đề tài.
+ Tài liệu kỹ thuật: "Quy trình kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho vườn bưởi, cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương” và "Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và bảo dưỡng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi, cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã được biên soạn.
+ Công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật: 2 hội thảo đầu bờ (tổng cộng 80 người tham dự); 2 lớp tập huấn (tổng cộng 80 người tham dự); 01 hội thảo khoa học về kết quả của đề tài đã được tổ chức thực hiện. 01 bài báo khoa học đã được gởi đăng tạp chí Nông nghiệp và PTNT; đề tài đã hỗ trợ cho 1 sinh viên cao học đang học tại Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh.
- Hiệu quả đề tài:
+ Kết quả điều tra đã rút kết được một số kỹ thuật có hiệu quả từ nhà vườn như kiểu tưới, loại thiết bị tưới, cách bón phân qua hệ thống tưới, loại phân và cách sử dụng, cách kiểm soát nước tưới để xử lý ra hoa. Đây là những cơ sở quan trọng để nghiên cứu và xây dựng quy trình.
+ Quy trình được nghiên cứu ứng dụng tại mô hình từ đề tài có hiệu quả tốt:
Mô hình cây bưởi giúp tiết kiệm lượng nước tưới 468m3/ha/năm tương ứng 30,00% (1.092 m3/ha/năm của mô hình so với 1.560 m3/ha/năm của đối chứng); giảm chi phí tưới 2.340.000 đồng tương ứng 30,00% (5.460.000 đồng của mô hình so với 7.800.000 đồng của đối chứng); năng suất tăng 19,29% (13,6 tấn/ha của mô hình so với 11,4 tấn/ha của đối chứng); tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng 37.140.000 đồng tương ứng 35,1% (142.940.000 đồng của mô hình so với 105.800.000 đồng của đối chứng).
Mô hình cây cam giúp tiết kiệm lượng nước tưới 875m3/ha/năm tương ứng 19,44% (3.624 m3/ha/năm của mô hình so với 4.498 m3/ha/năm của đối chứng); giảm chi phí tưới 4.373.000 đồng tương ứng 19,44% (18.118.000 đồng của mô hình so với 22.491.000 đồng của đối chứng); năng suất tăng 21,55% (23,40 tấn/ha của mô hình so với 19,25 tấn/ha của đối chứng); tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng 58.123.000 đồng tương ứng 57,77% (158.722.000 đồng của mô hình so với 100.599.000 đồng của đối chứng).
Mô hình cây quýt giúp tiết kiệm lượng nước tưới 833m3/ha/năm tương ứng 22,22% (2.916 m3/ha/năm của mô hình so với 3.749 m3/ha/năm của đối chứng); giảm chi phí tưới 4.165.000 đồng tương ứng 22,22% (14.578.000 đồng của mô hình so với 18.743.000 đồng của đối chứng); năng suất tăng 22,17% (24,8 tấn/ha của mô hình so với 20,3 tấn/ha của đối chứng); tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng 61.765.000 đồng tương ứng 53,29% (177.663.000 đồng của mô hình so với 115.898.000 đồng của đối chứng).
Minh Thư