Điện năng mặt trời - giải pháp tiết kiệm và bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, khi giá điện tăng cao, cũng như tình trạng thiếu điện thì người dân càng hướng đến nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng để sử dụng trong sinh hoạt. Giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế nhất hiện nay, đó là sử dụng điện năng lượng mặt trời để phát điện các thiết bị gia dụng. Tại Bình Dương, thời điểm này, tỷ lệ hộ dân lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời đang có xu hướng tăng.
Gia đình ông Lưu Tiến Sĩ, ở khu phố 7, phường Phú Thọ, tp.Thủ Dầu Một. Trong căn nhà mới xây, ông Sĩ đã đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, gồm 12 tấm pin, công suất 5,2 Kw trên diện tích 25m2 mái nhà. Với hệ thống này, thông qua App trên điện thoại thông minh, ông Sĩ có thể biết lượng điện năng hấp thu từ hệ thống pin, số điện tiêu thụ và số dư được hòa lưới điện quốc gia mỗi ngày. Sau hơn hai tháng lắp đặt, hiệu quả đã thấy rõ. Ông chia sẻ: “ Gia đình tôi có 3 cái máy điều hòa, 1 tủ lạnh và 4 quạt, hệ thống đèn sáng. Trước đây, mỗi tháng phải trả từ 1,6 triệu - 1,7 triệu đồng. Khi lắp đặt hệ năng lượng mặt trời áp mái, trung bình ngày nắng điện năng thu được từ 23Kw - 25 Kw, ngày mưa thì được 16 -18 Kw. Ban ngày mình xài điện năng thu từ năng lượng mặt trời. Ban đêm mình sử dụng điện lưới quốc gia. Tính ra 1 tháng sử dụng điện lưới hết 285 Kw, chi phí trả là 637.000 đồng, Riêng số điện dư ban ngày bán lại cho điện lực khoảng trên 310Kw/tháng, vị chi được 612.000 đồng. Như vậy, có thể nói chi phí cho điện năng sinh hoạt gần như bằng 0”.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam, nhiều hộ dân đã trở thành nhà đầu tư vào ĐMT. Trước đây, khi hộ dân đầu tư hệ thống ĐMT, nếu sử dụng không hết sẽ phải hòa lưới điện quốc gia với giá 0 đồng. Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 6/4/2020, thay thế cho quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, với cơ chế mua bán và mức giá được phê duyệt cho điện mặt trời áp mái là 8,38 cent/kWh (tương đương khoảng 1.943 đồng/kwh). Riêng đối với dự án ĐMT trên mặt đất là 7,09 Cent/ kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh). Đối với dự án nổi trên mặt nước là 7,69 Cent/kWh (tương đương 1.783 đồng/kWh. Mức giá này chưa bao gồm thuế VAT, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Quyết định này đã tạo cơ hội cho người dân có thể mạnh dạn đầu tư ĐMT trong sinh hoạt hộ gia đình. Đồng thời, cũng tạo “cú hích” cho các nhà đầu tư áp dụng đầu tư lắp đặt điện mặt trời vào sản xuất và kinh doanh; như dự án thi công điện áp mái trên nhà kho này với tổng diện tích 12 ngàn m2, dự án đầu tư khoảng 20 tỷ VND, nhưng được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn đến 70% tổng giá trị đầu tư và thế chấp bằng chính những tấm pin năng lượng mặt trời. Sau khi hoàn thiện công trình, hệ thống này có thể sản xuất ra khoảng 8 ngàn kWh điện năng, tương đương gần 16 triệu đồng/ngày. Khi nhà kho đi vào hoạt động, chủ đầu tư không chỉ tiết kiệm chi phí điện cho vận hành kho bãi, mà còn có một nguồn thu đáng kể khi bán điện dư cho ngành điện lực.
Hệ thống điện mặt trời gồm các tấm pin quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng. Hệ thống phải có công suất lắp đặt không vượt quá 1 MWp, được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện. Các pin năng lượng mặt trời được thiết kế như những modul thành phần, được ghép lại với nhau tạo thành các tấm năng lượng mặt trời có diện tích lớn, được đặt nơi có ánh sáng nhiều nhất. Hệ thống tấm pin này kết nối với bộ chuyển đổi của mạng lưới điện, tạo ra điện năng. Pin năng lượng mặt trời có ưu điểm là hiệu quả kinh tế, gọn, nhẹ, có thể lắp bất kỳ ở đâu có ánh sáng mặt trời, tuyệt đối an toàn khi sử dụng và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Các pin năng lượng mặt trời có thể cung cấp nhiều ứng dụng trong thực tế: Từ các hệ thống cấp điện cho các tòa nhà, căn hộ, tới các hệ thống cấp điện cho các hệ thống chiếu sáng công cộng, sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao…Song, hiện nay các tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu nhập từ nước ngoài nên chất lượng, thương hiệu và giá thành có sự chệnh lệch rất lớn.
Theo ông Phan Thanh Lâm - PGĐ Công ty Điện lực Bình Dương: Ứng dụng phổ biến của điện năng lượng mặt trời là điện mặt trời hòa lưới và điện mặt trời độc lập có lưu trữ. Trong đó, giải pháp điện mặt trời hòa lưới có lợi ích kinh tế và phù hợp với hộ gia đình hơn. Do chi phí đầu tư của giải pháp này thấp, chỉ bằng ½ so với chi phí hệ mặt trời độc lập có ắc qui lưu trữ. Điện mặt trời hòa lưới nghĩa là sau khi hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời, người dân sẽ liên hệ với công ty điện lực. để được lắp đặt công tơ 2 chiều và hòa với lưới điện quốc gia. Khi điện mặt trời sản sinh ra điện năng, nếu sử dụng không hết thì điện dư đó sẽ đẩy lên lưới và bán lại cho điện lực. Chi phí đầu tư cho hệ mặt trời áp mái nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện lắp đặt. Ví dụ, mái nhà có cần gia cố, khung đỡ hay không, tấm pin và inverter loại nào, phụ kiện lắp đặt như: thanh ray, dây điện…
Giá phổ biến cho hệ tiêu chuẩn trên thị trường hiện nay dao động từ 15 triệu đồng - 16 triệu đồng/Kwp. Tất cả nhà sản xuất tấm pin đều bảo hành vật lý tấm pin 12 năm, với hiệu suất tấm pin 25 năm. Inverter cũng được bảo hành trong 5 năm. Chất lượng tấm pin của các hãng cũng không có sự khác biệt nhiều. Với hộ gia đình đầu tư mức giá 15 triệu - 16 triệu đồng/Kwp là đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Ở khu vực nắng như Đông Nam Bộ, thì 1 Kwp sản xuất được 4 - 5 Kw điện/ngày. Để xác định công suất cần lắp đặt, nên căn cứ vào nhu cầu sử dụng điện của gia đình. Ví dụ, đối với gia đình sử dụng hết 600 Kw điện/tháng thì nên lắp đặt hệ 3Kwp là phù hợp. Tuy nhiên, nếu có khả năng về tài chính thì hộ gia đình có thể đầu tư hệ 5Kwp, hoặc 10Kwp để có thêm thu nhập hàng tháng từ số điện dư.
Hiện nay, nhà nước đã cho phép hòa lưới và bán điện nếu sử dụng không hết. Vì vậy, giải pháp hiệu quả và kinh tế nhất vẫn là sử dụng điện hòa lưới. Nếu ban ngày, sử dụng không hết thì điện dư sẽ được đẩy lên lưới và điện lực sẽ trả tiền cho số điện dư đó. Ban đêm, nếu sử dụng điện lưới thì số tiền điện bán ban ngày sẽ bù cho số tiền dùng điện ban đêm.
Riêng đầu tư hệ thống điện độc độc lập lưu trữ, chi phí đầu tư ắc qui rất cao. Tuổi thọ của ắc qui chỉ khoảng 2 năm là phải thay mới. Vì vậy, giải pháp này chỉ phù hợp với những vùng sâu, vùng xa mà điện lưới quốc gia chưa tới được.
Trước nhu cầu về điện và giá điện ngày càng tăng cao, thì giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời để sử dụng trong sinh hoạt nhằm tiết kiệm điện năng có giá trị kinh tế và xã hội rất lớn. So với các năm trước, chi phí đầu vào đã giảm khoảng ½. Với tuổi thọ của tấm pin năng lượng mặt trời trên 25 năm, thời hạn bảo hành 12 năm, được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với 70% giá trị công trình; thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái là giải pháp căn cơ, giúp các hộ gia đình giảm chi phí tiền điện, tiết kiệm nguồn điện năng của đất nước và góp phần bảo vệ môi trường.
Thu Huyền