Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương
Kết quả nhiệm vụ đã được triển khai thực thực tiễn đem lại nhiều quả kinh tế cho tỉnh nhà. Đặc biệt, kết quả nhiệm vụ đã làm cơ sở đề xuất 03 đề án cấp tỉnh và 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.
Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện vào năm 2018 do ThS. Tào Mạnh Quân làm chủ nhiệm.
Đề tài được triển khai trong bối cảnh sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa trên địa bàn ảnh hưởng các kênh, rạch vùng đô thị phía Nam bị ô nhiễm làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của người xung quanh. Trong khi đó, vào thời điểm này tỉnh mới chỉ thực hiện quan trắc chất lượng nước và tập trung xử lý một số nguồn thải xả ra kênh, rạch, chưa đánh giá đầy đủ các nguồn thải, cũng như sức chịu tải của từng kênh, rạch. Do vậy, việc điều tra, đánh giá nguồn thải vào lưu vực từng kênh, rạch nằm trên vùng đô thị phía Nam của tỉnh và đánh giá khả năng chịu tải của từng kênh, rạch là một nhiệm vụ cần thiết. Đây chính là cơ sở xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trên các kênh, rạch. Đồng thời, phục vụ đắc lực và kịp thời cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước mặt nói riêng, góp phần tích cực trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế xã hội trên địa bàn.
Với lợi thế là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh có chức năng tổ chức thực hiện công tác quan trắc tài nguyên và môi trường, đo đạc và lập báo cáo giám sát môi trường, thực hiện trưng cầu giám định phục vụ công tác thanh kiểm tra về bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đơn vị chủ trì đã tập trung nguồn lực có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực này triển khai nhiệm vụ với mục tiêu xác định và đánh giá các nguồn thải xả nước thải vào lưu vực của từng kênh, rạch; đánh giá được khả năng chịu tải của từng kênh, rạch; đề xuất các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm trên các kênh, rạch là nguồn tiếp nhận nước thải công nghiệp vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương.
Qua kết quả triển khai cho thấy, hệ thống dữ liệu hiện tại liên quan đến chất lượng nước mặt và tải lượng các chất ô nhiễm thải và 10 suối, kênh, rạch vùng đô thị phí Nam còn rất nghèo nàn. Việc tính toán tải lượng ô nhiễm của một số nguồn chính, dự báo diễn biến chất lượng nước, xác định được khả năng tiếp nhận các nguồn thải của sông, tính toán được tải trọng tối đa được phép xả thải, tải lượng cắt giảm từng tiểu lưu vực, là cơ sở khoa học quan trọng để các cơ quan quản lý xem xét hoạch định các chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường nước sông, đặc biệt là việc kiểm soát tải lượng ô nhiễm cho phép các nhà máy, các khu công nghiệp… thải ra nguồn tiếp nhận.
Đề tài đã số hóa 1.261 nguồn thải bao gồm thông tin nguồn thải và lựa chọn lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải của 200 nguồn thải; số hóa 239 kết quả chất lượng nước mặt của 10 suối, kênh, rạch khu vực phía Nam, 96 kết quả mẫu nước mặt tại 2 trạm đo thủy văn sông Thị Tính và Suối Cát.
Đi từ kết quả đánh giá về thực trạng chất lượng nước 10 suối, kênh, rạch và công tác quản lý môi trường vùng đô thị phía Nam, đến kết quả tính toán tải lượng các nguồn ô nhiễm chính, đề tài đã ứng dụng mô hình MiKE 11, chỉ số WQI để tính toán kết quả đánh giá khả năng chịu tải và diễn biến chất lượng nước 10 suối, kênh, rạch vùng đô thị phía Nam ở thời điểm hiện tại (2017) và dự báo đến năm 2020, 2030 là bức tranh tổng thể để có thể đánh giá được hiệu quả công tác quản lý nguồn nước vùng đô thị phía Nam thời gian qua và những thách thức mới sẽ nảy sinh trong công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước này trong tương lai.
Các giải pháp quản lý thống nhất và tổng hợp bảo vệ chất lượng nước 10 suối, kênh, rạch vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương được đề xuất cũng là một kết quả nghiên cứu mới có tính hệ thống, tổng hợp cao có tính định lượng của đề tài mà trước đây cũng chưa có bất cứ một công trình nghiên cứu nào thực hiện, đặc biệt là mô hình tổ chức, điều phối thích hợp, khả thi, hiệu quả để tổ chức triển khai kế hoạch hành động cụ thể với tinh thần nói là làm có tính độ phá về quản lý và bảo vệ nguồn nước 10 suối, kênh, rạch vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương.
Đề tài góp phần cung cấp thông tin tin cậy về thực trạng chất lượng nước, tải lượng ô nhiễm các nguồn thải chính, khả năng chịu tải và diễn biến chất lượng nước vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ chất lượng nước vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương nói riêng và tính Bình Dương nói chung, cũng như trong việc kiểm soát các nguồn thải hiện hữu, xử lý các nguồn thải lớn, cấp phép đầu tư mới trên các tiểu lưu vực cũng như di dời các cơ sở đang gây ô nhiễm mà không có giải pháp khắc phục, xây dựng hạn mức xả thải tải lượng lượng chất ô nhiễm vào trong nước sông… nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước tỉnh Bình Dương.
Đề tài góp phần làm rõ thêm việc ứng dụng hệ thống các giải pháp quản lý thống nhất và tổng hợp bảo vệ chất lượng nước khả thi trên toàn vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Dương, là cơ sở tin cậy để các cơ quan quản lý xây dựng chương trình/kế hoạch hành động cụ thể bào vệ nguồn nước tỉnh Bình Dương trong hiện tại và tương lai, phát huy các nỗ lực tổng hợp của các tỉnh, thành, vai trò của cộng đồng cho nhiệm vụ này.
Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm các kênh rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong khuôn khổ nhiệm vụ
Nhóm giải pháp phi công trình:
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy hoạch, quy định có liên quan đến bảo vệ nguồn nước: (1) Ban hành quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương thay thế quy định bảo vệ môi trường năm 2016; (2) Ban hành quy định phân vùng chất lượng nước và quản lý nguồn nước trên địa bàn tỉnh; (3) Ban hành quy định về phân vùng xả thải các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh; (4) Ban hành quy định sử đổi về bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; (5) xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi công năng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và (6) ban hành chính sách hỗ trợ, rà soát lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra khỏi các địa bàn Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quản lý các nguồn thải: (1) Tăng cường công tác thanh, kiểm tra; (2) Tăng cường phối hợp giữa các cấp quản lý, các ngành; (3) Đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền về quản lý tài nguyên nước, quản lý các nguồn thải theo lưu vực sông và (4) Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của cán bộ môi trường các cấp.
- Áp dụng các công cụ kinh tế, kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý lưu vực sông: (1) Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh để xử lý nước thải; (2) Phân cấp và đẩy mạnh việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; (3) Tiếp tục đầu tư mở rộng các hệ thống quan trắc tự động; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn thải và ứng dụng phương pháp dự báo, mô phỏng chất lượng nước bằng mô hình và (4) Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin xử lý dữ liệu nguồn thải và chất lượng nước mặt trực tuyến; tích hợp phương pháp dự báo diễn biến chất lượng nước mặt bằng phương pháp mô hình và quan trắc tự động.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và đẩy mạnh xã hội hóa: (1) Tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông môi trường; (2) xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng tham gia tự quản môi trường tại các khu dân cư; (3) Tuyên truyền vận động nhân dân đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị; (4) nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp và (5) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường.
Nhóm giải pháp công trình: (1) Đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị và (2) Nạo vét khơi thông dòng chảy.
Ngoài ra, đề tài còn đề xuất một số giải pháp riêng cho từng nhóm tiểu lưu vực trong nghiên cứu.
03 đề án cấp tỉnh và 01 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh được đề xuất từ kết quả thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương”:
- Đề án: “Xây dựng quy định phân vùng xả thải các kênh rạch, sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, kết quả đề án là cơ sở khoa học để Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy định phân vùng xả thải các kênh rạch, sông suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Đề án “ Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương” là mở rộng phát triển của đề tài “Điều tra đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương” từ 9 suối, kênh, rạch chính vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương lên 27 suối, kênh, rạch cho toàn tỉnh.
- Đề án: “Điều tra, đánh giá, phân loại và hoàn thiện cơ sở dữ liệu các nguồn thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương” bổ sung dữ liệu nguồn thải để kết quả đánh giá, dự báo chất lượng nước mặt ngày càng chính xác.
- Nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin xử lí số liệu trực tuyến phục vụ công tác quan trắc môi trường nước tại Bình Dương” được đưa vào nhiệm vụ vào năm 2020 tại quyết định số 2872/QĐ- UBND.
Thy Diễm