Điều tra, đánh giá sự xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương, đề xuất giải pháp khắc phục và phòng ngừa
Điều tra tình trạng xói mòn, bạc màu ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương nhằm đánh giá thực trạng môi trường đất nông nghiệp và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp, từ đó cung cấp những thông tin, cơ sở khoa học cho việc bảo vệ môi trường đất và quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên đất nông nghiệp.
a/ Tên nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá sự xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương, đề xuất giải pháp khắc phục và phòng ngừa
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: KS. Nguyễn Xuân Nhiệm
- và những người tham gia chính:
1. TS. Phạm Quang Khánh
2. TS. Vũ Ngọc Hùng
3. ThS. Nguyễn Quang Thưởng
4. ThS. Nguyễn Văn Thãi
5. KS. Trần Văn Huệ
6. KS. Nguyễn Viết Bá
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Điều tra tình trạng xói mòn, bạc màu ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương nhằm đánh giá thực trạng môi trường đất nông nghiệp và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp, từ đó cung cấp những thông tin, cơ sở khoa học cho việc bảo vệ môi trường đất và quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên đất nông nghiệp.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Ở nước ta,Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng.Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và người dân đã được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, có nơi, có lúc đã đến mức báo động: đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng. các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường.
Đối với tỉnh Bình Dương, trong những năm gần đây tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang trên đà phát triển mạnh mẽ.Cùng với sự phát triển đó, hàng loạt những vấn đề về môi trường sẽ nảy sinh, vấn đề gây ô nhiễm và dẫn đến suy thoái môi trườngđất ngày một gia tăng.Để giải quyết các vấn đề về xói mòn và ô nhiễm môi trường đất trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo quan điểm nêu trên, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã thực hiện đề tài“điều tra, đánh giá sự xói mòn và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương, đề xuất giải pháp khắc phục và phòng ngừa”.
Đây là một trong những cơ sở khoa học thực tiễn trong việc bảo vệ môi trường đất và quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
II. Kết quả nội dung thực hiện
Đề tài tiến hành xác định nguyên nhân, diễn biến và các mức độ, diễn biến của quá trình xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xác định sự phân bố không gian về các cấp độ xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp trên cơ sở xây dựng bản đồ môi trường đất nông nghiệp; xác định mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường đất do hoạt động tiểu thủ công nghiệp ở thời điểm hiện tại và dự báo trong 10 năm tới của các khu tiểu thủ công nghiệp của 03 xã thuộc suối Bưng Cù. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng xói mòn và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp. Kết quả như sau:
1. Trên cơ sở điều tra, nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến xói mòn đất và sử dụng phương trình mất đất phổ dụng (RUSLE) của Wischmeier và Smith (2008), đề tài đã tính toán lượng đất mất đi do xói mòn trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả cho thấy: Về hiện trạng xói mòn, có khoảng 91,38% diện tích tự nhiên (DTTN) không bị xói mòn hoặc xói mòn rất nhẹ; khoảng 3,81% DTTN bị xói mòn nhẹ; khoảng 0,30% DTTN bị xói mòn trung bình và chỉ khoảng 0,34% DTTN bị xói mòn mạnh - rất mạnh. Về tiềm năng xói mòn, có khoảng 28,62% DTTN không bị xói mòn hoặc xói mòn rất nhẹ; khoảng 59,61% DTTN bị xói mòn nhẹ; khoảng 4,37% DTTN bị xói mòn trung bình và chỉ khoảng 3,23% DTTN bị xói mòn mạnh - rất mạnh.
2. Về mức độ bạc màu của đất: Phần lớn diện tích các đất phân bố trên mặt địa hình cao (83,18% DTTN) có độ phì kém, với những đặc tính như có thành phần cơ giới nhẹ, chua, dung tích hấp thụ và bão hòa bazơ thấp, mùn và đạm nghèo đến trung bình, lân và kali nghèo đến rất nghèo; trong đó, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Thông tư số 14/2012/TT-BTNMT), có khoảng 2,44% DTTN ở mức thoái hóa nặng, khoảng 10,96% DTTN ở mức thái hóa trung bình và khoảng 69,78% DTTN ở mức thoái hóa nhẹ. Các đất phân bố ở địa hình thấp (11,41% DTTN) có độ phì trung bình đến khá, với những đặc tính như có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, dung tích hấp thụ khá, chua đến chua vừa, mùn và đạm thường giầu, kali trung bình khá song lân thường nghèo.
3. Về ô nhiễm đất, kết quả điều tra, khảo sát, thu mẫu hiện trạng chất lượng, môi trường tại khu vực hoạt động tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn 3 xã, thị trấn: Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp và Thạnh Phước cho thấy: Về chất lượng nước thải, so với QCVN 40:2011/BTNMT, đa phần các mẫu nước thải có pH, tổng N, tổng P đạt quy chuẩn; kim loại nặng đạt quy chuẩn; riêng BOD5, COD, TSS không đạt quy chuẩn. Về chất lượng đất, chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng trong đất; tất cả các mẫu đạt quy chuẩn QCVN 03:2008/BTNMT. Về chất lượng nước ngầm: So với QCVN 09:2008/BTNMT, chất lượng nước ngầm tại khu vực nghiên cứu nhìn chung tốt và đạt quy chuẩn, ngoại trừ mẫu nước tại giếng bơm cận suối Bưng Cù có Coliform vượt quy chuẩn 1,3 lần. Hiện chưa có giếng nước ngầm nào trong khu vực nghiên cứu có hiện tượng ô nhiễm do kim loại nặng.
4. Với việc chồng xếp 5 lớp thông tin gồm: Địa mạo, địa hình, thổ nhưỡng, phân bố kết von trong đất và tiềm năng xói mòn đất, đề tài đã xây dựng bản đồ môi trường đất nông nghiệp tỉ lệ 1/50.000 với 44 đơn vị môi trường đất. Mỗi một trong 44 đơn vị môi trường đất được đặc trưng bởi 1 tổ hợp các đặc điểm của 5 lớp thông tin vừa nêu kèm theo một số tính chất lý hóa học quan trọng như: thành phần cơ giới, độ chua, khả năng trao đổi cation, độ no bazơ và các yếu tố dinh dưỡng đa lượng trong đất; mức độ và độ sâu xuất hiện tầng kết von, đá lẫn trong đất và mức độ xói mòn đất. Với những lớp thông tin như trên, bản đồ các đơn vị môi trường đất thực sự là cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu môi trường đất và theo dõi sự biến động về môi trường đất trong tương lai.
5. Trên cơ sở thu thập, tìm hiểu những nghiên cứu đã có và phân tích đánh giá thực trạng môi trường đất ở Bình Dương, 2 nhóm giải pháp nhằm phòng ngừa và khắc phục tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường đất đã được đề nghị gồm: (i) Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước như: Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, các công cụ pháp lý cũng như các công cụ kỹ thuật trong quản lý, bảo vệ môi trường và (ii) Nhóm các giải pháp về kỹ thuật như: Các biện pháp phòng ngừa quá trình xói mòn, rửa trôi đất; các biện pháp phòng ngừa và cải tạo đất bạc màu; các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm đất và một số biện pháp cải tạo đất bị ô nhiễm. Ngoài ra, trên cơ sở đặc điểm của các đơn vị môi trường đất nông nghiệp, đề tài đã đề nghị một số biện pháp nhằm phòng ngừa và khắc phục tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường đất theo các đơn vị môi trường đất có trong tỉnh.
III. Kết luận
Kết quả của đề tài là những thông tin cơ bản về thực trạng môi trường đất, là cơ sở khoa học để sử dụng cho nhiều lĩnh vực như bố trí sản xuất, quản lý, bảo vệ và cải tạo đất. Ngoài ra, tài liệu còn góp phần không nhỏ vào chiến lược bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh Bình Dương nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 12/2009
- Thời gian kết thúc: 12/2013
g/ Kinh phí thực hiện: 740.177.250 đồng
PTTKHCN