Điều trị trượt đốt sống bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống kết hợp hàn xương liên thân đốt tại khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương năm 2019
Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Văn Đông
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Trượt đốt sống (TĐS) là bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như bẩm sinh, thoái hoá, khuyết eo, chấn thương… Mỗi nguyên nhân của bệnh gây nên một biến đổi giải phẫu riêng, tuy nhiên, chúng có đặc điểm chung nhất là gây nên sự di chuyển bất thường ra phía trước của thân đốt sống cùng với cuống, mỏm ngang và diện khớp phía trên. Chuyên khoa về ngoại thần kinh đã tiến hành mổ thường quy bệnh lý này bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống và hàn xương liên thân đốt. Vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:“Điều trị trượt đốt sống thắt lưng bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống kết hợp hàn xương liên thân đốt tại khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương”.
Mục tiêu: Đánh giá kết quả phẫu thuật bệnh TĐS thắt lưng bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống kết hợp hàn xương liên thân đốt
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiền cứu mô tả lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán là TĐS thắt lưng, điều trị phẫu thuật trong thời gian nghiên cứu (4/2018- 6/2019) tại Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân có chỉ định mổ - Được mổ thống nhất một phương pháp là cố định cột sống qua cuống kèm hàn xương liên thân đốt hai bên lối sau. Được theo dõi và đánh giá kết quả sau mổ khi bệnh nhân (BN) ra viện và có tái khám lại một trong các thời điểm khám lại theo nghiên cứu.
Kết quả: Qua khảo sát 45 bệnh nhân ghi nhận: đa phần là người bệnh bị ảnh hưởng đến chức năng cột sống: gặp nhiều nhất ở 24 BN (53,3%) mất chức năng ở mức 3; 13 BN (28,9%) mất chức năng mức 4 và đặc biệt có 1 BN (2,2%) mất chức năng mức 5. Mức độ TĐS, dựa trên phân loại của Meyerding cho thấy gặp nhiều nhất là trượt độ 1-2: 41 BN (91,1%). Thời gian phẩu thuật: 112,92± 32,78 phút (60 -120 phút). BN được nắn chỉnh trong mổ khá tốt. Tât cả các BN đều giảm mức độ trượt sau mổ. Những BN có mức độ hạn chế chức năng cột sống thấp thì kết quả tốt và những trường hợp có mức độ hạn chế chức năng cột sống lớn thì kết quả thường kém. Sau mổ có 6 BN (13,2%) có biến chứng: nhiễm khuẩn vết mổ, tổn thương rễ không hoàn toàn đã được xác định trong quá trình mổ, bí đại tiểu tiện, chảy máu vết mổ
Kết luận: Mức độ giảm chức năng cột sống ở BN TĐS đa phần ở mức nhiều và rất nhiều. Kết quả điều trị phẫu thuật bệnh TĐS thắt lưng bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống kết hợp hàn xương liên thân đốt: mức độ đau lưng và đau chân theo VAS giảm rõ đau. Tất cả BN sau mổ đều cải thiện mức độ trượt, cải thiện tốt chức năng cột sống. Có biến chứng sau mổ là nhiễm trùng vết mổ và tổn thương rễ thần kinh trong lúc mổ.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trượt đốt sống là sự di chuyển bất thường ra phía trước của thân đốt sống cùng với cuống, mỏm ngang và diện khớp phía trên. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt lưng, bệnh ảnh hưởng lớn tới đời sống và kinh tế của người bệnh, đồng thời là gánh nặng cho xã hội…Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 2-3% dân số mắc bệnh trượt đốt sống (TĐS), chi phí hàng năm trên 21 tỷ đô la Mỹ cho việc khám và chữa bệnh.
TĐS là bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như bẩm sinh, thoái hoá, khuyết eo, chấn thương…Mỗi nguyên nhân của bệnh gây nên một biến đổi giải phẫu riêng. Tuy nhiên chúng có đặc điểm chung nhất là gây nên sự di chuyển bất thường ra phía trước của thân đốt sống cùng với cuống, mỏm ngang và diện khớp phía trên.
Nhằm đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị bệnh TĐS phổ biến tại Việt Nam hiện nay cùng đánh giá các ưu nhược điểm, khó khăn và biến chứng thường gặp trong phẫu thuật. Vì thế chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Điều trị trượt đốt sống thắt lưng bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống kết hợp hàn xương liên thân đốt tại khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương”.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu tiền cứu mô tả lâm sàng.
Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân được chẩn đoán là TĐS thắt lưng, điều trị phẫu thuật trong thời gian nghiên cứu (4/2018- 6/2019) tại Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Tiêu chuẩn chọn mẫu:
- Các bệnh nhân (BN) đã qua thăm khám lâm sàng tỉ mỉ, có chẩn đoán hình ảnh cần thiết (X quang thường quy, X quang động, cộng hưởng từ cột sống thắt lưng) để chẩn đoán chính xác là TĐS thắt lưng, có chỉ định mổ. Được mổ thống nhất một phương pháp là cố định cột sống qua cuống kèm hàn xương liên thân đốt hai bên lối sau.
Tiêu chuẩn loại trừ:
- BN có dị tật hai chi dưới, các bệnh lý nội khoa ảnh hưởng lớn tới chẩn đoán (lao cột sống, viêm màng nhện tủy…), những BN TĐS không có biểu hiện lâm sàng hay không được thăm khám theo dõi sau phẫu thuật
- BN TĐS thắt lưng có loãng xương nặng ảnh hưởng đến chẩn đoán và điều trị. Bệnh nhân trượt độ nặng (độ 3-4) mà không thể nắn chỉnh giảm độ trượt gây ảnh hưởng đến ghép xương liên thân đốt được
- Những BN không thoả mãn với tiêu chuẩn lựa chọn.
Phương pháp phẫu thuật:
Chuẩn bị phẫu thuật: BN được chuẩn bị trước phẩu thuật. thụt tháo, nhịn ăn, khám gây mê trước mổ và sử dụng thuốc an thần nhẹ tối ngày trước mổ; Chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật: Bộ dụng cụ bắt vít cố định cột sống và bộ dụng cụ phá đĩa ghép xương liên thân đốt.
Các bước tiến hành phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị TĐS thắt lưng: Với mục đính chung là phòng quá trình tiến triển trượt, làm vững đoạn cột sống trượt, giải phóng chèn ép rễ thần kinh giúp hồi phục triệu chứng thần kinh, hết đau lưng và đau chân, sửa biến dạng đoạn thắt lưng cùng
Phương pháp phẫu thuật: Kỹ thuật cố định trực tiếp qua vùng khuyết eo; sử dụng phương tiện cố định cột sống kết hợp ghép xương; nẹp vít cuống cung và ghép xương sau bên; nẹp vít cuống cung và ghép xương liên thân đốt lối sau.
Chăm sóc và theo dõi sau mổ: Bất động trong 1-2 ngày đầu; sử dụng kháng sinh cefalosporin thế hệ 3, thuốc giảm đau, truyền dịch; theo dõi các biến chứng: chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thần kinh thứ phát sau mổ...; mặc áo nẹp cố định cột sống.
Hướng dẫn BN cách vận động trên giường và vận động đi lại khi ra viện: Ngày thứ nhất và ngày thứ 2: mặc áo nẹp mềm trên giường bệnh, tập thụ động và chủ động dần các nhóm cơ cẳng chân và cơ đùi; ngày thứ 3-4: nằm nghiêng, lăn trở tại giường, tập ngồi trong vòng 5-10 phút; ngày thứ 5: BN đứng dậy và tập đi lại có sự hỗ trợ người nhà và nhân viên y tế.
Đánh giá kết quả lâm sàng sau mổ:
Đánh giá tình trạng giảm đau của bệnh nhân dựa vào thang điểm VAS (visual analog pain scale).
Bảng 1: Kết quả lâm sàng sau mổ
VAS
|
0 - 1
|
2 - 3
|
4 - 5
|
6 - 7
|
8 - 9
|
10
|
|
Không đau
|
Đau nhẹ, có gây phiền hà nhẹ cho BN
|
Đau dai giẳng, triền miên gây không thoải mái cho BN
|
Đau làm cho BN cảm thấy khổ sở, lo lắng
|
Rất đau
|
Đau không chịu nổi
|
Đánh giá kết quả khám lại sau mổ: tại các thời điểm 3, 6 tháng, 12 tháng và thời điểm khám lại xa sau mổ. Đánh giá mức độ đau lưng và đau chân dựa vào thang điểm VAS; sự phục hồi; mức độ hạn chế chức năng cột sống thắt lưng và so sánh giữa các thời điểm khám lại xem mức độ hồi phục chức năng cột sống.
Chúng tôi đánh giá mức độ can xương của tất cả BN khám lại (từ sau mổ 6 tháng trở lên), mức độ trượt thứ phát dựa vào hình ảnh phim chụp X quang thường quy... Dựa theo phân độ của của Bridwell để đánh giá mức độ can xương.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Một số đặc điểm chung của bệnh nhân
Biểu đồ 1: Bệnh nhân theo nhóm giới tính
Nhận xét: Nghiên cứu của chúng tôi, nữ gặp nhiều hơn nam với tỷ lệ nữ/nam là: 2,23
Biểu đồ 2: Phân bố nhóm tuổi bệnh nhân
Nhận xét: Tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là: 48,40 ± 12,23 (24-78). Nhóm tuổi gặp nhiều nhất là 50-59 tuổi chiếm 33,3%. Đặc biệt có 17,8 % BN trên 60 tuổi mắc bệnh.
Bảng 2: Đánh giá mức độ giảm chức năng cột sống
|
Mức 1
|
Mức 2
|
Mức 3
|
Mức 4
|
Mức 5
|
N
|
n
|
1
|
6
|
24
|
13
|
1
|
45
|
%
|
2,2
|
13,3
|
53,4
|
28,9
|
2,2
|
100
|
Nhận xét: Trong nghiên cứu này đa phần là người bệnh bị ảnh hưởng đến chức năng cột sống: gặp nhiều nhất ở 24 BN (53,3%) mất chức năng ở mức 3; 13 BN (28,9%) mất chức năng mức 4 và đặc biệt có 1 BN (2,2%) mất chức năng mức 5.
Bảng 3: Phân bố theo vị trí đốt sống bị trượt
Vị trí đốt sống bị trượt
|
N
|
%
|
L3- L4
|
2
|
4,45
|
L4-L5
|
23
|
51,10
|
L5-S1
|
20
|
44,45
|
Tổng
|
45
|
100
|
Nhận xét: BN chủ yếu bị trượt đốt sống L4-L5 chiếm tỉ lệ 51,1%( 23 BN), TĐS L5-S1 tỉ lệ 44,45% (20 BN).
Bảng 4: Phân bố theo độ trượt đốt sống theo Meyerding
Phân loại Trượt đốt sống
|
N
|
%
|
Độ 1
|
32
|
71,1
|
Độ 2
|
9
|
20
|
Độ 3
|
2
|
4,45
|
Độ 4
|
4
|
4,45
|
Nhận xét: Mức độ TĐS, dựa trên phân loại của Meyerding cho thấy gặp nhiều nhất là trượt độ 1 - 2: 41 BN (91,1%) ; Trượt độ 1: 32 BN (71,1%) trượt độ 2: 9 BN (20%); Trượt độ 3 - 4: 6 BN (9,9%).
Kết quả điều trị:
- Thời gian phẩu thuật: 112,92 ± 32,78 phút (60-120 phút)
- Thời gian nằm viện sau phẩu thuật: 16,56 ± 1,14 ngày (14-18 ngày)
Bảng 5: Mức độ trượt trước và sau phẫu thuật
Trước mổ
Sau mổ
|
Độ 1
|
Độ 2
|
Độ 3
|
Độ 4
|
N
|
Độ 0
|
32
|
8
|
1
|
0
|
41
|
Độ 1
|
0
|
1
|
1
|
2
|
4
|
N
|
32
|
9
|
2
|
2
|
45
|
Nhận xét: X quang kiểm tra sau mổ cho thấy các BN được nắn chỉnh trong mổ khá tốt. Tât cả các BN đều giảm mức độ trượt sau mổ
Bảng 6: Đánh giá mức độ đau của BN theo thang điểm VAS
VAS lưng TM
|
VAS lưng trước mổ
|
VAS lưng sau mổ
|
VAS chân trước mổ
|
VAS chân sau mổ
|
X ± SD
|
6,54 ± 1,25
|
2,60 ± 0,56
|
6,04 ± 1,48
|
1,72 ± 0,86
|
P
|
p < 0,05
|
p < 0,05
|
Nhận xét: Sau mổ mức độ đau trung bình của cả đau chân và đau lưng ở mức đau ít. So sánh với mức độ đau trung bình trước mổ với thời điểm sau mổ thấy có cải thiện rõ rệt. Mối tương quan này có ý nghĩa thống kê.
Bảng 7: Đánh giá kết quả sau mổ theo JOA
Tốt
|
Khá
|
Trung bình
|
Xấu
|
N
|
n
|
18
|
22
|
4
|
1
|
45
|
%
|
40
|
48,9
|
8,9
|
2,2
|
100
|
Nhận xét: Đánh giá kết quả sau mổ 6 tháng theo phân loại JOA cho kết quả: Tốt: 18 BN (40%), Khá: 22 BN (48,9%), trung bình: 4 BN (8,9%) và Xấu: 1 BN (2,2%).
Bảng 8: Ảnh hưởng của mức độ trượt đến kết quả sau phẫu thuật
Tốt
|
Khá
|
Trung bình
|
Xấu
|
N
|
P
|
Độ 1
|
4
|
25
|
2
|
1
|
32
|
P > 0,05
|
Độ 2
|
1
|
5
|
3
|
0
|
9
|
Độ 3
|
0
|
2
|
0
|
0
|
2
|
Độ 4
|
0
|
2
|
0
|
0
|
2
|
Tổng
|
5
|
34
|
5
|
1
|
45
|
Bảng 9: Ảnh hưởng của hạn chức năng cột sống đến kết quả sau phẫu thuật
Tốt
|
Khá
|
Trung bình
|
Xấu
|
N
|
P
|
Mức 1
|
1
|
0
|
0
|
0
|
1
|
P < 0,05
|
Mức 2
|
3
|
3
|
0
|
0
|
6
|
Mức 3
|
1
|
22
|
1
|
0
|
24
|
Mức 4
|
0
|
9
|
4
|
0
|
13
|
Mức 5
|
0
|
0
|
1
|
0
|
1
|
Tổng
|
5
|
34
|
6
|
0
|
45
|
Nhận xét: Dựa trên bảng 8, bảng 9: mức độ hạn chế chức năng cột sống có ảnh hưởng đến kết quả chung sau mổ. Những BN có mức độ hạn chế chức năng cột sống thấp thì kết quả tốt và những trường hợp có mức độ hạn chế chức năng cột sống lớn thì kết quả thường kém. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Bảng 10: Biến chứng sau phẫu thuật
Biến chứng
|
Số BN
|
%
|
Rò dịch não tuỷ
|
0
|
0
|
Chảy máu sau mổ
|
1
|
2,2
|
Nhiễm khuẩn
|
3
|
6,6
|
Bí đại tiểu tiện
|
1
|
2,2
|
Tổn thương rễ thần kinh
|
1
|
2,2
|
Tổng
|
6
|
13,2
|
Nhận xét: Sau mổ có 6 BN (13,2%) có biến chứng, gặp nhiều nhất là 3 BN (3,3%) có nhiễu khuẩn vết mổ, một BN có tổn thương rễ không hoàn toàn đã được xác định trong quá trình mổ, một BN bí đại tiểu tiện khi rút sonde tiểu lần đầu, sau 4 tuần điều trị. Một BN (2,2%) có chảy máu vết mổ do đóng da không tốt, cả hai BN chỉ cần khâu tăng cường thêm, BN ổn định ra viện tốt.
BÀN LUẬN
Đặc điểm chung của bệnh nhân: Nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nữ/nam là: 2,23, nữ giới chiếm 69% (biểu đồ 1). Các tác giả trong nước và thế giới đều có chung nhận định là bệnh TĐS thắt lưng gặp ở nữ nhiều hơn nam. Tỷ lệ nữ/nam trong các nghiên cứu được công bố như: Võ Văn Thanh (2014) là 3 [2], Refaat (2014) là 2,7 [3]. Tuổi trung bình là: 48,40 ±12,23. Nhóm tuổi gặp nhiều nhất là từ 50-59 tuổi chiếm 33,3%. Nghiên cứu của các tác giả trong nước và thế giới cho kết quả tương tự: Võ Văn Thành tuổi trung bình là 49,5±10,1 (28-73) [2]; với nhóm 50-59 (35,3%) và 40-49 (19,3%). Hầu hết bệnh tập trung ở nhóm tuổi lao động cho thấy vai trò của lao động thể lực trong cơ chế bệnh sinh của bệnh lý TĐS.
Mức độ giảm chức năng cột sống theo Oswestry: Gặp nhiều nhất là mất chức năng nhiều: mức 3 có 24 BN (53,4%), mất chức năng rất nhiều (61-80) đi lại khó khăn cần có sự giúp đặccbiệt. Kết quả trên cho thấy đều có mức giảm chức năng cột sống trung bình trước mổ mức mất chức năng nhiều. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả mất chức năng cột sống trung bình cao; thể hiện mức độ ảnh hưởng trầm trọng của những BN đến viện quá muộn, không được điều trị đúng và đầy đủ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phẫu thuật của chính người bệnh, khả năng phục hồi hạn chế hơn.
Vị trí trượt đốt sống: Vị trí trượt cột sống thắt lưng thường gặp nhất ở tầng L4L5 (51,1%), sau đó là L5S1 (44,5%). Trên lâm sàng vị trí TĐS có những ảnh hưởng nhất định đến các dấu hiệu: đau cách hồi, biểu hiện kích thích rễ nặng (Lasègue <300), dấu hiệu bậc thang rối loạn cơ tròn gặp nhiều ở tầng L5S1.
Phân độ trượt đốt sống theo Meyerding: Phim chụp X quang thường quy tư thế nghiêng giúp chẩn đoán xác định mức độ TĐS, dựa vào phân độ của Meyerding, nghiên cứu của chúng tôi thu được: 32 BN (71,1%) trượt độ 1. Nghiên cứu của Võ Văn Thanh [3] thấy chủ yếu gặp trượt độ 1 và độ 2. Cộng hưởng từ là phương pháp có giá trị tin cậy cao trong việc đánh giá các nguyên nhân chèn ép thần kinh, giúp tiên lượng trong và sau mổ đối với bệnh TĐS.
Mức độ giảm chức năng cột sống theo Oswestry: Nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng đến chức năng của cột sống vùng thắt lưng, chúng tôi dựa trên bảng đánh giá Oswestry. Gặp nhiều nhất là mất chức năng nhiều có 24 BN (53,4%); mất chức năng rất nhiều gặp ở 13 BN (28,9%), đặc biệt có 1 BN (2,2%) đi lại khó khăn cần có sự trợ giúp đặc biệt. Theo Võ Văn Thanh [2] có mức giảm chức năng cột sống trung bình trước mổ ở mức mất chức năng nhiều.
Thời gian phẩu thuật: Thời gian phẫu thuật trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 112,92 ± 33,78 phút (60-120 phút). Nghiên cứu của Võ Văn Thanh thời gian phẫu thuật trung bình tương đương với chúng tôi là 123,9 ± 13,2 phút [2], nghiên cứu của Sakaura cho thấy thời gian phẫu thuật là: 145 ± 32 phút (82-232 phút) [5].
Mức độ trượt trước và sau phẩu thuật: Khả năng nắn chỉnh độ trượt 100% BN đều được nắn chỉnh giảm mức trượt trong đó 91,1% (41/45 BN) BN được nắn chỉnh tốt hết trượt, 8,9% được nắn về độ 1. Điều này cho thấy việc nắn chỉnh trong nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả tốt, sự khác biệt về mức độ trượt trước và sau mổ có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Võ Văn Thanh [2] kết quả tương tự .
Đánh giá mức độ đau theo VAS: Đánh giá mức độ cải thiện đau theo điểm VAS lưng trung bình chúng tôi thấy có sự cải thiện đáng kể sau mổ, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Poh [4] VAS lưng trung bình trước mổ 7,2; sau mổ là 2,3; VAS chân trung bình trước mổ 7,8 sau mổ là 1,7.
Đánh giá kết quả sau mổ theo phân loại của JOA: Sau mổ tái khám, các biểu hiện lâm sàng bệnh của BN đã có sự phục hồi đáng kể, hầu hết BN đã bắt đầu trở về cuộc sống với sinh hoạt tương đối bình thường, chúng tôi nhận thấy có sự hồi phục đáng kể.
Đánh giá kết quả chung sau mổ và các yếu tố ảnh hưởng: Dựa vào mức độ đau lưng và đau chân theo thang điểm VAS, mức độ hồi phục theo JOA, mức độ hạn chế chức năng cột sống chúng tôi tổng hợp thành bảng chung đánh giá kết quả chung sau mổ TĐS của BN. Mức độ phụ thuộc vào mức độ hạn chế chức năng cột sống của kết quả sau phẫu thuật, mức độ hạn chế càng ít thì khả năng BN sau mổ đạt kết quả tốt càng cao. Mối quan hệ này có ý nghĩa thống kê với p<0,05
Biến chứng thường gặp sau mổ TĐS: Sau mổ có 6 BN (13,2%) có biến chứng, gặp nhiều nhất là 3 BN (3,3%) có nhiễu khuẩn vết mổ, 1 BN có tổn thương rễ không hoàn toàn đã được xác định trong quá trình mổ, 1 BN bí đại tiểu tiện khi rút sonde tiểu lần đầu, sau 4 tuần điều trị. 1 BN (2,2%) có chảy máu vết mổ do đóng đa không tốt, cả hai BN chỉ cần khâu tăng cường thêm, BN ổn định ra viện tốt.Nghiên cứu của El-Soufy gặp 4 BN có biểu hiện nhiễm khuẩn vết mổ tuy nhiên chỉ cần chăm sóc vết mổ và điều trị thuốc sau 3 tuần ổn định [6]. Nghiên cứu của Pasha cũng gặp 1 trường hợp rối loạn cơ tròn gây nhiễm trùng tiết niệu [7].
KẾT LUẬN
Qua khảo sát 45 bệnh nhân trượt đốt sống thắt lưng được phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, từ tháng 4/2018 đến 6/2019, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
Bệnh nhân có tuổi trung bình là: 48,40 ± 12,23 (24-78). Nhóm tuổi gặp nhiều nhất là 50-59 tuổi (33,3%). Đặc biệt có 17,8 % BN trên 60 tuổi mắc bệnh. Bệnh nhân đa số là nữ gặp nhiều hơn nam.
Mức độ giảm chức năng cột sống ở BN TĐS đa phần ở mức nhiều và rất nhiều (82,3%). Mức độ TĐS là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới các biểu hiện lâm sàng Kết quả X quang thường quy: trượt độ 1 .Kết quả điều trị phẫu thuật bệnh TĐS thắt lưng bằng phương pháp cố định cột sống qua cuống kết hợp hàn xương liên thân đốt. Thời gian mổ trung bình là: 112,92 ± 32,78 phút. Kết quả ngay sau mổ chúng tôi nhận thấy: mức độ đau lưng và đau chân theo VAS giảm rõ đau. Tất cả BN sau mổ đều cải thiện mức độ trượt, cải thiện tốt chức năng cột sống. Kết quả chung sau mổ: 100% BN mức độ 1: cho kết quả tốt; 100% BN mức độ 2: cho kết quả tốt (50%) và khá (50%); 100% BN mức độ 5: cho kết quả trung bình. Biến chứng sau mổ là nhiễm trùng vết mổ và tổn thương rễ thần kinh trong lúc mổ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái Khắc Châu. X quang cột sống. Các phương pháp chẩn đoán bổ trợ thần kinh. Nhà xuất bản Y học Hà Nội. Bộ môn thần kinh, học viện Quân Y. 2008; tr.23-52.
2. Võ Văn Thành. Báo cáo bước đầu thực hiện phương pháp mới cắt đĩa sống vi phẫu qua ống banh nội soi trong điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, chuyên đề chấn thương chỉnh hình. 2002; phụ bản số 1, tập 6, tr.55-65.
3. Refaat, M.I. Management of Single Level Lumbar. Degenerative Spondylolisthesis: Decompression Alone or Decompression and Fusion. Egyptian Journal of Neurosurgery. 2014; volume 29, No. 4: p. 51-56.
4. Poh, S.-Y., et al. Two-year outcomes of transforaminal lumbar interbody fusion. Journal of Orthopaedic Surgery. 2011; 19(2).
5. Sakaura, H., et al. Outcomes of 2-level posterior lumbar interbody fusion for 2-level degenerative lumbar spondylolisthesis: Clinical article. Journal of Neurosurgery: Spine. 2013; 19(1): p. 90-94.
6. El-Soufy, M., et al. Clinical and Radiological Outcomes of Transforaminal Lumbar Interbody Fusion in Low-Grade Spondylolisthesis. J Spine Neurosurg. 2015; 4. 2: p.
7. Pasha, I., et al. Surgical treatment in lumbar spondylolisthesis: experience with 45 patients. J Ayub Med Coll Abbottabad. 2012; 24(1).