Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa
Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tác giả Nguyễn Văn Quốc thực hiện với mục tiêu hình thành bộ Tổng tập toàn bộ 124 ngôi đình trong tỉnh với tất cả các yếu tố vật thể và phi vật thể (vị trí địa lý, lịch sử hình thành và phát triển, kiến trúc, văn hóa chữ Hán Nôm, sắc phong, thần tích/thần phả của các vị thần được thờ tự trong đình, các lễ hội tổ chức trong đình, nghi thức cúng, văn cúng, các hình thức diễn xướng, ảnh tư liệu...) nhằm phục vụ công tác lưu trữ tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về đình thần Bình Dương để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, giáo dục trước mắt và lâu dài.
Đồng thời, làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của đình thần trong đời sống cộng đồng cư dân địa phương. Xác định phương hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong tình hình đổi mới của đất nước. Sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành, nhóm nghiên cứu đề tài sẽ chuyển giao cho ngành văn hóa, chính quyền địa phương để sử dụng trong công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa của địa phương mình.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 124 ngôi đình, trong đó: Thành phố Thủ Dầu Một: 16 đình, thị xã Thuận An: 19 đình, thị xã Dĩ An: 17 đình, thị xã Tân Uyên: 41 đình, thị xã Bến Cát: 19 đình, huyện Dầu Tiếng: 4 đình, huyện Phú Giáo: 4 đình, huyện Bắc Tân Uyên: 3 đình và huyện Bàu Bàng: 2 đình. Các đình phân bố không đều ở các huyện, thị do tổ chức hành chính có nhiều biến đổi qua các thời kỳ vì vậy có địa phương có tới 6 đình (xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên) trong khi một số nơi khác không có đình nào.
Qua nghiên cứu cho thấy, đình làng hiện nay là một cơ sở văn hóa - tín ngưỡng nằm chơi vơi bên ngoài thiết chế văn hóa mới của làng xã, vai trò và vị trí của nó trong cơ cấu văn hóa còn chưa được xác định. Có nơi, đình tồn tại như vật chính lịch sử của làng xã; lễ hội đình được duy trì thể hiện cái phong hóa truyền thống của làng và làm cho dân làng an tâm làm ăn sinh sống. Nội dung lễ hội đình cần bổ sung những gì, vai trò và chức năng của đình trong đời sống văn hóa đương đại của làng xã ra sao? Đó là những câu hỏi chưa tìm được giải đáp thỏa đáng.
Về hiện trạng kiến trúc, Bình Dương có những ngôi đình mang lối kiến trúc truyền thống nhà Nguyễn ở Nam Bộ với kiểu nhà sắp đọi từ 2 - 3 nếp nhà nối liền nhau, mái ngói, tường xây, cột - vì kèo gỗ. Những ngôi đình này thường có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Hệ thống đối tượng thờ tự trong các ngôi đình ở Bình Dương hết sức phong phú, đa dạng, tập hợp nhiều dạng thần linh từ phúc thần, các thần linh phù trợ cho đất đai, cuộc sống, nghề nghiệp, bổn mạng đến những người bình thường có đóng góp, có làm lợi cho cuộc sống của làng xã hay của đình thần. Hệ thống đối tượng thờ tự cho ta biết đình thần không chỉ là nơi thờ một vị Thần linh mơ hồ mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công sức của ông bà, tiền nhân đời xưa.
Đình thần Bình Dương không chỉ là nơi gieo mầm, mà con là nơi nuôi giấu nhiều thế hệ và nhiều chiến sỹ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Đình là nơi quy tụ những người có uy tín, cần cù lao động và có lòng yêu nước. Vì vậy tại nhiều đình các chiến sỹ cách mạng thường đến để tuyên truyền và kêu gọi nhân dân ủng hộ và tham gia cách mạng trong các dịp cúng đình, khi người dân tập trung về khá đông đủ. Những lúc phong trào cách mạng bị đàn áp, ruồng bố thì đình trở thành nơi che giấu những trái tim tràn đầy nhiệt huyết và luôn quên mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Thông qua những kết quả nghiên cứu được, nhóm tác giả đã đề xuất các nhóm giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá - đình thần Bình Dương. Nhóm giải pháp tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; Quảng bá thiết chế văn hoá đình thần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời xuất bản các ấn phẩm du lịch và sách giới thiệu về các đình thần ở Bình Dương.
Thực hiện kiểm kê, thống kê định kỳ nhằm tham mưu kịp thời việc đề xuất lập hồ sơ xếp hạng di tích, định hướng bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá đình thần Bình Dương; Thiết lập trang thông tin điện tử về di sản văn hóa Bình Dương, trong đó có thể truy cập khai thác và bảo lưu những tư liệu quý về Hán - Nôm, văn cúng, kiến trúc,… các đình thần trong tỉnh Bình Dương. Trong đó chú trọng công tác chỉnh lý Hán - Nôm nhằm làm sáng tỏ các giá trị văn hoá được phản ánh qua di sản văn hoá Hán - Nôm; Tiếp tục kiện toàn thể chế văn hoá và đầu tư hợp lý việc tu bổ và phục hồi các di tích.