Đình trong bối cảnh đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương - Hiện trạng và giải pháp
Đây là đề tài của ThS. Đinh Thị Hòa, trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện với mục tiêu nhận diện những biến đổi trong hoạt động giao lưu tương tác của Đình ở các điểm dân cư đô thị của tỉnh Bình Dương hiện nay. Đánh giá các nguồn lực và đề xuất các giải pháp góp phần gia tăng giá trị tồn sinh của Đình.
Đình trong đề tài nghiên cứu này được hiểu là một thiết chế văn hóa làng xã có từ thời phong kiến và vẫn đang hiện tồn với tư cách như một cơ sở tín ngưỡng dân gian, một di sản văn hóa. Đình làng hay Đình thần là nơi thờ thần Thành Hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn (làng). Nhìn chung ở Nam bộ, sau khi mỗi làng xã được hình thành và tương đối ổn định, tùy theo đất đai, tiền bạc và công sức đóng góp của cư dân, mà tiến hành xây dựng một ngôi đình. Từ đó, ngôi đình tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy. Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Kỳ.
Qua đề tài cho thầy, đô thị đã trở thành là không gian sinh tồn mới của phần lớn đình ở Bình Dương hiện nay. Cụ thể, trong tổng số trên 100 ngôi đình hiện tồn cả tỉnh có 80 ngôi đình thuộc địa bàn phường, chỉ có hơn 20 ngôi đình ở địa bàn xã. Như vậy, mức độ phân bố đình ở khu vực đô thị hóa chiếm tỉ lệ trên 60% (80 đình/trên 100 đình), cao hơn khu vực nông thôn. Ngoài ra, đáng chú ý là trong số 13 ngôi đình được xếp hạng di tích các cấp có 11 ngôi đình thuộc địa bàn phường và chỉ 2 ngôi đình thuộc địa bàn xã.
Quá trình đô thị hóa dẫn đến sự biến đổi địa giới hành chính, làm cho các xã trở thành phường. Điều đó có nghĩa là cấu trúc làng xã truyền thống cũng như kết cấu dân cư làng xã hoàn toàn bị phá vỡ và phân rã, người dân và ngôi đình hầu như không còn chung một địa bàn cơ sở nữa. Trong 4 địa bàn khảo sát là thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và thị xã Tân Uyên chỉ có 4 phường ở thành phố Thủ Dầu Một không có đình, còn lại các phường của 4 địa bàn khảo sát đều có ít nhất 1 ngôi đình/phường, và nhiều nhất 5 ngôi đình/phường. Tóm lại, đô thị hóa làm cho đình không còn gắn với làng, mà gắn với phường. Như vậy, có thể nói, bối cảnh đô thị hóa là bối cảnh chủ đạo của đình ở Bình Dương hiện nay. Đây chính là bối cảnh nghiên cứu của đề tài, các ngôi đình được chọn khảo sát đều đảm bảo phân bố ở địa bàn phường thuộc các thành phố, thị xã có cấp độ đô thị hóa khác nhau.
Đề tài tập trung phân tích ba biến đổi lớn của đình trong bối cảnh đô thị hóa, thứ nhất là biến đổi về chức năng tương tế của ban nghi lễ đình với người cúng đình, thứ hai là biến đổi về sự tương tác của đình với các đình khác, thứ ba là biến đổi về sư tương tác của đình với chùa.
Về chức năng tương tế, có thể nói, ở Bình Dương, việc cúng đình từ xưa đã gắn liền với tang quyền. Tang quyền là quyền được hưởng khi có tang, đó là quyền được xin ban quý tế đình cấp hiệu lịnh (trống, chiêng, cảnh) và đến dâng lễ bái quan. Thông qua việc các ban quý tế đình đến đám tang dâng lễ bái quan cho những hội viên sinh thời đã có công đóng góp cúng đình thì giá trị tồn sinh của đình lại tăng thêm, vì hình thức đó là chất keo gắn kết cá nhân, gia đình với cộng đồng, xã hội.
Về giao lưu liên đình, tất cả các trường hợp đình khảo sát trong bài viết đều cho thấy có sự mở rộng qui mô giao lưu liên đình ra khỏi phạm vi địa phương phường, thị xã, thành phố. Hơn nữa, có 6 trường hợp mở rộng giao lưu sang các tỉnh thành lân cận ở Biên Hòa- Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Và đặc biệt là 1 trường hợp được khảo sát là đình Tương Bình Hiệp có giao lưu với hai đình ở An Giang, như vậy giao lưu liên đình không chỉ dừng ở miền Đông Nam Bộ mà còn mở rộng đến miền Tây Nam Bộ.
Về sự tương tác giữa đình với chùa, có thể thấy hiện tượng chùa đến đình tụng kinh cầu an vào dịp Kỳ yên, hoặc đình mời chùa đến dự lễ Kỳ yên đều thể hiện sự giao lưu qua lại giữa đình và chùa trong bối cảnh làng giềng lân cận cùng một hệ thống tâm linh tín ngưỡng dân gian là Tam giáo Nho - Phật - Lão. Một số đình tuy có mời giao lưu chùa qua lại nhưng không có truyền thống thỉnh chùa đến tụng kinh cầu an. Một số đình tuy có xuất hiện hiện tượng đưa tượng Phật vào khuôn viên đình nhưng không làm thay đổi chức năng chính của đình. Có thể nói, sự giao lưu qua lại giữa đình với chùa ít nhiều thể hiện thái độ dung hoà trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt.
Trong bối cảnh đô thị hóa, để củng cố và gia tăng giá trị tồn sinh của đình thì năm nguồn lực sẳn có của hệ thống đình thần ở Bình Dương bao gồm vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn con người, vốn xã hội cần được huy động đồng bộ vào các giải pháp để phát huy tối đa mọi nguồn lực của đình…
Đề tài ứng dụng cách tiếp cận mới là cách tiếp cận Nhân học, vận dụng lý thuyết chức năng, lý thuyết vốn xã hội để nghiên cứu hiện trạng những biến đổi của đình trong bối cảnh đô thị hóa. Từ đó, kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp nhận thức mới về đình theo lý thuyết vốn xã hội. Đề tài bước đầu sử dụng phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào các nguồn nội lực (ABCD) vào đề xuất các giải pháp phát triển cộng đồng của đình. Như vậy, hướng tiếp cận vấn đề và kết quả nghiên cứu của đề tài đảm bảo tính mới sáng tạo và không trùng lặp với các công trình nào có sẵn.
Kết quả nghiên cứu cung cấp một số phát hiện về mối quan hệ tương tác giữa đình và người dân cúng đình cũng như mối quan hệ tương tác giữa các đình và giữa đình với chùa, đồng thời phân tích được sự biến đổi của các mối quan hệ tương tác của đình trong bối cảnh đô thị hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy dưới góc nhìn của lý thuyết vốn xã hội, chúng ta có cơ sở để đánh giá rằng sự tương tác giữa ban quý tế đình với người dân cúng đình, với chính thành viên/hội viên của ban quý tế/ban nghi lễ và với các đình bạn gần xa đã tạo thành những mạng lưới quan hệ xã hội dày đặc góp phần nâng đỡ và củng cố sự tồn sinh của đình từ trước đến nay và cũng dự báo khả năng tồn sinh của đình trong tương lai nếu vẫn duy trì phát huy được vốn xã hội như hiện nay. Qua cách phân tích các nguồn lực của đình dựa trên năm nguồn vốn (vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn xã hội, vốn con người), đề tài đã đề xuất giải pháp góp phần gia tăng giá trị tồn sinh của đình trong bối cảnh đô thị hóa.
Ánh Nguyệt