Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp: Đạt mục tiêu phát triển của ngành trong giai đoạn mới
Ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng sau đại dịch Covid 19. Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện tại có rất nhiều thách thức. Giải quyết những thách thức đó cần có cả một hệ sinh thái nông nghiệp hướng tới kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu bền vững thông qua nông nghiệp kết hợp với các ngành kinh tế khác như du lịch, giáo dục. Quan trọng hơn nữa, hệ sinh thái nông nghiệp cần phải gia tăng năng lực thông qua chuyển đối số, công nghệ, cộng đồng, phát triển nhân lực và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết tận gốc rễ và bền vững những vấn đề nông nghiệp của quốc gia Việt Nam.
Tại Bình Dương, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các lĩnh vực của ngành, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đảm bảo phát triển nhanh, hướng tới kinh tế tuần hoàn và mục tiêu bền vững.
Thành tựu trong giai đoạn 2016-2020
Ngành nông nghiệp Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp bình quân tăng 2,98%/năm (Kế hoạch 4%/năm). Các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến… được triển khai, bước đầu góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phầm nông nghiệp có giá trị và hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao từng bước hình thành và phát triển, tổng diện tích được ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đạt trên 5.345 ha, đã hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 1.129 ha. Phát triển nông nghiệp đô thị đang được triển khai với các đề án, dự án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam của tỉnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm và thủy sản từng bước phát triển gắn với vùng sản xuất, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và khu vực. Công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiệp được đẩy mạnh, nhiều loại nông sản được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận nhãn hiệu và được đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng, góp phần ổn định đời sống nông dân, nông thôn.
Huy động nhiều nguồn lực đẩy mạnh đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới và nâng cấp các xã phát triển theo hướng đô thị lên phường; bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đời sống người dân ngày một nâng cao. 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 100% huyện thị đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 88,9%.
Công tác phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời và có hiệu quả. Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh. Tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%.
Kế hoạch giai đoạn 2021-2025
Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng bình quân 2,5% - 3%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đến năm 2025 dưới 4%. Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất với mục tiêu đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025; riêng nông nghiệp công nghệ cao bình quân/ha canh tác/năm đạt trên 200 triệu đồng.
Tăng cường công tác khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học. Phát triển cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển các khu nông nghiệp áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, các vùng nông nghiệp đô thị và cây ăn quả đặc sản.
Đẩy mạnh ngành chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn bịch bệnh và bảo vệ môi trường; chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng, nhất là rừng lịch sử, rừng phòng hộ. Đến năm 2025, duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm ở mức 57,5% nhằm cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch.
Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ phù hợp từng khu vực nông thôn. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 93%.
Giải pháp thực hiện đổi mới sáng tạo
Để đạt được mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp Bình Dương cần tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi; khơi dậy tiềm năng và lợi thế của ngành, đặc biệt cần thực hiện đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát phát triển nhanh và bền vững.
Hướng tới kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp thiết yếu trong giai đoạn hiện nay cho ngành nông nghiệp, do sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, sự phụ thuộc nguyên liệu vào các nước khác khác sẽ dẫn đến căng thẳng về chính trì trên toàn cầu, tác động của biến đổi khi hậu là gia tăng mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững, việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tạo ra cơ hội kinh tế mới.
Tận dụng những điều kiện thuận lợi để đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp tại địa phương: Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giao thông thuận lợi, giá thành các công nghệ và phần cứng ngày càng rẻ, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu về sạch hơn, ngon hơn, giá trị hơn là hơn được tăng lên, mô hình kinh doanh chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp ngày được thay đổi theo xu hướng tiêu dùng khách hàng và đặc biệt là chính sách OCOP hướng đến phát huy nội lực và gia tăng giá trị nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Liên kết, hợp tác và phát triển mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp phù hợp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, bởi lẽ hợp tác liên kết lại mới tạo ra khu sản xuất tập trung và là cơ sở quan trong để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm mà mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.
Bên cạnh đó, trong xu thế hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hiện đại, chúng ta cần phát triển nông nghiệp theo xu hướng khởi nghiệp kết hợp với các ngành khác: kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, kết hợp với giáo dục trong trải nghiệm thực tiễn, giáo dục cách sống, kết hợp với y tế đảm bảo chất lượng lượng sản phẩm đầu ra, kết hợp phát triển nông nghiệp với thành thị trong việc đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả sản phẩm được gia tăng, kết hợp với cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng theo nhu cầu, kết hợp với doanh nghiệp xã hội để có cơ hội tiếp cận với nhiều thành phần kinh tế hơn.
Đồng thời, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong nông nghiệp là không thể thiếu trong việc nâng cao tăng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, tạo thương hiệu sản phẩm cho sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị hàng hóa và có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường lớn hơn.