Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương trong những năm khôi phục và phát triển kinh tế
Dựng lại một cách chân thực quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương từ năm 1975 đến năm 2010 về số lượng, chất lượng; những đóng góp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của công nhân, người lao động ngành cao su đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
a/ Tên nhiệm vụ: Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương trong những năm khôi phục và phát triển kinh tế
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Vương Quốc Khanh
- và những người tham gia chính:
1. TS. Nguyễn Văn Hiệp
2. TS Nguyễn Đình Thống
3. TS. Hồ Sơn Điệp
4. ThS. Phạm Văn Thịnh
5. ThS. Ngô Minh Sang
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
Dựng lại một cách chân thực quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương từ năm 1975 đến năm 2010 về số lượng, chất lượng; những đóng góp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của công nhân, người lao động ngành cao su đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Khẳng định những thành tựu đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong các chủ trương, chính sách phát triển lực lượng công nhân, người lao động ngành cao su Bình Dương; chỉ rõ những mặt tích cực cũng như những mặt còn hạn chế của công nhân cao su về trình độ, năng lực sản xuất, về khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của công nhân cao su để từ đó xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đối với ngành cao su nói chung, với công nhân và người lao động nói riêng.
Góp phần nâng cao nhận thức chính trị của các cấp, các ngành đối với vị trí, vai trò của công nhân, người lao động ngành cao su trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao nhận thức của công nhân và người lao động ngành cao su về quyền lợi, nghĩa vụ của mình để xây dựng ngành cao su, xây dựng tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu phát triển hiện đại và bền vững.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Bình Dương là một trong những vùng đất đầu tiên trồng cây cao su ở Việt Nam. Gắn liền với quá trình khai hoang lập đồn điền của tư bản Pháp vào đầu thế kỷ XX, Bình Dương là nơi tập trung nhiều đồn điền cao su ở Đông Nam bộ. Đi cùng với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển ngành cao su Bình Dương, đội ngũ công nhân cao su nơi đây đã được tôi luyện, trưởng thành và từng bước phát triển, đóng góp không ít công sức vào sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bình Dương trở thành một trung tâm công nghiệp lớn trong cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp cao su. Tiếp nối truyền thống anh hùng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng, với cương vị là chủ nhân trên mảnh đất mình từng là nô lệ, công nhân cao su Bình Dương ngày càng tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Nhìn lại chặng đường đấu tranh và xây dựng đất nước của đội ngũ công nhân cao su Bình Dương, có thể thấy, việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách chính xác, đầy đủ về những con người này là một việc làm đúng đắn, kịp thời và nhiều ý nghĩa, góp phần làm sáng tỏ bản chất, đặc điểm, vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và giai cấp công nhân cao su Bình Dương nói riêng, là một tài liệu cần thiết cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu về lịch sử của địa phương.
II. Kết quả nội dung thực hiện của đề tài
Đề tài đã tiến hành nghiên cứu, tổng hợp được nội dung về đội ngũ công nhân cao su Bình Dương thời kỳ trước tháng 4 năm 1975; Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương mười năm đầu sau ngày giải phóng (1975 - 1985); Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương thời kỳ đổi mới (1986 - 1996); Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương sau ngày tái lập tỉnh (1997 - 2010) và tác động xã hội, xu hướng vận động phát triển của đội ngũ công nhân, người lao động trong ngành cao su Bình Dương.
1. Đội ngũ công nhân cao su Bình Dương thời kỳ trước tháng 4 năm 1975
Thủ Dầu Một trong thời kỳ thuộc Pháp là địa bàn hợp nhất hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước ngày nay. Đất đai màu mỡ, phì nhiêu, rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao như tiêu, điều, cà phê và đặc biệt là cây cao su. Đây là một trong những điều kiện giúp cho cây cao su sớm có mặt ở Thủ Dầu Một và trở thành cây kinh tế chủ lực của vùng, có diện tích gấp ba lần diện tích trồng lớn và lớn nhất nước ta về diện tích trồng cây cao su.
Năm 1917, tại Thủ Dầu Một có một số đồn điền cao su lớn như: Terresrouges, CEXO, Michelin... Năm 1927, một nhóm tư bản đã thành lập và đi vào khai thác Sở Cao su Phước Hòa hay còn gọi là đồn điền Labbé (Plantation de Labbé). Tại các địa bàn khác cũng hình thành nhiều đồn điền cao su với diện tích trồng tập trung lớn. Đồn điền cao su được hình thành và phát triển ngày càng nhiều thì nhu cầu lao động ngày càng lớn. Nguồn lao động cung cấp cho các đồn điền lớn đa số là chiêu mộ ở khu vực miền Bắc và miền Trung.
Thời gian đầu, giữa người chủ và người làm thuê chưa có sự trói buộc về công việc và tiền lương. Dần dần, vì lợi nhuận, nguồn lao động và dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người công nhân cao su bị đẩy vào tình cảnh bị áp bức bóc lột nặng nề. Chế độ lao động khắc nghiệt như trả lương ăn công nhưng bắt làm khoán, ngày lao động kéo dài từ 13 - 14 tiếng đồng hồ, tăng cường độ lao động, trả lương thấp… Ngoài những cực nhọc trong lao động, người công nhân gặp không ít khó khăn như: Nạn muỗi (đặc biệt là “muỗi đòn xóc” gây ra bệnh sốt rét dẫn đến chết người), vắt, kiến, mòng, mối càng, rắn độc và nguy hiểm nhất là việc phá rừng để trồng cao su. Người công nhân còn bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, đau bệnh không được điều trị, bệnh nặng vào nhà thương còn bị hành hạ đến khi không còn cảm giác đau đớn thì mới được điều trị, nhưng lúc đó thì đã quá muộn.
Lao động cực nhọc, ăn uống kham khổ, ốm đau bệnh tật không được chữa trị, bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn… tất cả những điều đó làm cho số người chết hàng năm trong công nhân đồn điền cao su khá cao. Để sinh sống và tồn tại, người công nhân cao su đã nổi dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột để giải phóng cho mình và cho cả dân tộc. Có thể nói, cùng với toàn dân, công nhân cao su Thủ Dầu Một đã góp một phần công sức xứng đáng vào thắng lợi chung trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước.
2. Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương mười năm đầu sau ngày giải phóng (1975 - 1985)
Sau giải phóng, tỉnh Bình Thủ được thành lập trên cơ sở sát nhập hai tỉnh Bình Phước và Thủ Dầu Một. Năm 1976, tỉnh Sông Bé ra đời tiếp tục sự nghiệp khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhiều vườn cây cao su có mật độ cây thấp, cây già cỗi, khả năng khai thác mủ ít. Nhiều đồn điền cao su bị bỏ hoang, người công nhân bị phân tán và lâm vào cảnh thất nghiệp, đói, rét. Việc khôi phục và phát triển ngành sản xuất cao su gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồn điền cao su được tiếp quản, đội ngũ công nhân cao su được kiện toàn là lực lượng lao động tiên phong dưới chế độ mới, sẵn sàng bước vào thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà các cấp lãnh đạo Tỉnh Đảng bộ đã đề ra trong những năm đầu sau ngày giải phóng. Tuy cuộc sống công nhân cao su còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn tự hào là công nhân của chế độ mới nên mọi người đều tích cực ra sức làm việc góp phần khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đến cuối năm 1980, hầu hết các vườn cây cao su cũ đều được cải tạo và khai thác lại. Bên cạnh đó, công nhân còn khai hoang trồng mới thêm nhiều diện tích vườn cây, đưa tổng diện tích cây cao su cao hơn thời kỳ trước nhằm đáp ứng yêu cầu tăng nguồn xuất khẩu, thu nhiều ngoại tệ, làm giàu cho đất nước.
Ở thời kỳ này, trong biện pháp thực hiện chủ trương phát triển nhanh diện tích cao su, đã phạm nhiều thiếu sót thậm chí sai lầm, phát triển ồ ạt không tính kỹ điều kiện và khả năng chăm sóc và quản lý… dẫn đến tổn thất lớn. Mặc dầu, điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, công nhân vẫn phấn đấu vươn lên thực hiện chỉ tiêu kế hoạch được giao, tích cực hưởng ứng các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong khai hoang trồng mới, khai thác chế biến.
3. Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương thời kỳ đổi mới (1986 - 1996)
Giai đoạn này, ngành cao su đã có bước phát triển theo tư duy đổi mới. Củng cố hệ thống công ty phục vụ đời sống từ trên xuống tận các nông trường, xí nghiệp nhằm tạo điều kiện cho công nhân an tâm sản xuất. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy quá trình hình thành câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trẻ ở các đơn vị, xây dựng các vườn cây cao sản của thanh niên…
Đời sống công nhân và người lao động cao su đã có những chuyển biến tích cực. Những yếu tố tiền lương, tiền thưởng và chế độ chính sách được quan tâm giải quyết tốt làm cho công nhân, lao động an tâm tin tưởng vào sự nghiệp phát triển cao su. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của công nhân, lao động cũng được các cấp, các ngành quan tâm phát động nhiều phong trào như: Văn hóa nghệ thuật quần chúng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phong trào thể dục thể thao…
Có thể nói, giai đoạn 1986 - 1996, việc làm, trình độ văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật và đời sống cán bộ, công nhân cao su không ngừng được cải thiện nâng cao. Đó chính là kết quả của một quá trình phát triển đúng đắn, hợp quy luật. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, từng bước tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt trong toàn ngành.
Qua các cuộc thi công nhân cạo mủ giỏi, đa số công nhân cạo mủ của các nông trường đều đảm bảo được quy trình kỹ thuật. Công nhân cạo mủ hạng A, B chiếm 93,96%, hạng D, E còn 1,07%. Có thể nói, giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, phát triển về số lượng gắn với nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, học vấn, tay nghề, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động, với năng suất, chất lượng lao động.
4. Đội ngũ công nhân, lao động ngành cao su Bình Dương sau ngày tái lập tỉnh (1997 - 2010)
Ngày 01/01/2007, tỉnh Bình Dương được tái lập với 4 đơn vị hành chính, đến cuối năm 1999, tỉnh Bình Dương được chia lại thành 7 huyện thị. Sau khi tách tỉnh, diện tích cao su Bình Dương bị thu hẹp lại, đội ngũ công nhân cũng bị giới hạn theo, nhưng Bình Dương vẫn phát huy thế mạnh của hai công ty đầu ngành về năng suất, sản lượng và chất lượng mủ là Công ty Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cao su Phước Hòa.
Trong giai đoạn này, tình hình sản xuất kinh doanh có thời điểm gặp khó khăn, giá bán mủ cao su luôn sụt giảm và không ổn định, có lúc sản phẩm tồn kho với khối lượng lớn không tiêu thụ được, nhưng các công ty cao su vẫn tích cực tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm; đổi mới quy trình công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm làm ra các mặt hàng mà thị trường có nhu cầu; đồng thời động viên công nhân lao động thường xuyên cải tiến quy trình kỹ thuật, thực hành tiết kiệm để giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, thu nhập bình quân của công nhân lao động năm sau cao hơn năm trước.
Song song đó, công nhân lao động còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe định kỳ, phong trào giỏi việc nước đảm việc nhà, xây dựng gia đình văn hóa, phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi… Bên cạnh đó, công nhân lao động được học tập nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỷ luật lao động, chấp hành thực hiện tốt các nội quy, quy chế làm việc của đơn vị, xây dựng ý thức tự chủ, tự giác chống những biểu hiện, việc làm tiêu cực, tệ nạn tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh và xây dựng cuộc sống, xã hội lành mạnh.
Hoạt động chăm lo đời sống vật chất tinh thần về mọi mặt cho người lao động được các công ty rất quan tâm xây dựng nhiều chương trình thiết thực như: Chương trình trợ vốn cho công nhân làm nhà ở, nhà “Mái ấm công đoàn”, nhà tình thương, phát triển kinh tế gia đình, công tác y tế, giáo dục mầm non, phong trào học bổ túc văn hóa… Ngoài ra, các công ty còn quan tâm chăm lo đến các gia đình chính sách, các nạn nhân chất độc màu da cam, giữ gìn an ninh trật tự quần chúng.
Giai đoạn 1997 - 2010 là sự phát triển mạnh mẽ đội ngũ công nhân cao su về lượng và chất, góp phần làm cho lực lượng công nhân ở Bình Dương tăng lên. Bên cạnh đó, do quá trình đào tạo, cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ văn phòng chính là quá trình trí thức hóa công nhân. Sự phát triển của cao su tiểu điền cũng làm tăng nhanh số công nhân triệu phú, góp phần làm biến đổi giai cấp, giai tầng xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, đối với công nhân tiểu điền, họ là những người làm thuê thực thụ, có thể lương, thu nhập cao hơn so với công nhân ở các nông trường quốc doanh vì sức lao động của họ bỏ ra nhiều hơn, nhưng họ lại không được hưởng các chế độ đãi ngộ về văn hóa, về học tập nâng cao trình độ và các chính sách an sinh xã hội khác.
5. Tác động xã hội và xu hướng vận động phát triển của đội ngũ công nhân, người lao động trong ngành cao su Bình Dương.
Sau giải phóng, diện tích trồng cao su được mở rộng, phát triển cao su tiểu điền là một yêu cầu khách quan đảm bảo tính bền vững và an sinh xã hội, khai thác tối đa tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị thu nhập và xuất khẩu hàng hóa nông - lâm sản.
Giai đoạn 1975 - 1985, thời kỳ quản lý kinh tế - xã hội theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, công nhân ở các công ty, đồn điền cao su trên địa bàn đã có những tác động đáng kể đến các giai cấp, giai tầng và sự phân tầng xã hội. Năm 1986, bước vào công cuộc đổi mới, cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp dần được xóa bỏ, toàn dân thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tại Bình Dương, có nhiều công nhân trở nên tỷ phú, thành “ông chủ” trong khi có nhiều công nhân có thu nhập thấp, thậm chí có người thất nghiệp.
Giai đoạn 1975 - 2010, đội ngũ công nhân, người lao động trong ngành cao su Bình Dương không những lớn mạnh về số lượng và chất lượng, điều đó được thể hiện trên bình diện bản lĩnh chính trị, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật và trình độ tay nghề của công nhân. Sự thay đổi về lượng và chất đó đã tác động mạnh mẽ đến sự biến đổi cơ cấu xã hội trên địa bàn tỉnh, đó là sự chuyển đổi từ nông dân thành công nhân, từ công nhân thành người tri thức (trí thức hóa công nhân), từ người nông dân nghèo, từ người công nhân vô sản thành hữu sản, thành những ông chủ đồn điền, thuộc thành phần trung lưu, thượng lưu.
Bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển, cán bộ công nhân ngành cao su Bình Dương luôn giữ vững lập trường, kiên định trong từng bước đi, căn cứ vào đặc điểm lịch sử, tiềm năng và thế mạnh của mình để đề ra và tổ chức thực hiện thắng lợi các nội dung phát triển sản xuất và hội nhập kinh tế thế giới, nâng cao đời sống công nhân.
III. Kết luận
Đội ngũ công nhân, người lao động ngành cao su trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2010 không những lớn mạnh về số lượng và chất lượng mà còn được nâng cao về bản lĩnh chính trị, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề. Công nhân, người lao động ngành cao su Bình Dương đã góp phần xứng đáng thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Họ đã góp sức cùng đội ngũ công nhân các ngành khác để trở thành lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công nhân, lao động ngành cao su cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế; thiếu nghiêm trọng cán bộ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỹ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống; một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 06/2011
- Thời gian kết thúc: 06/2013
g/ Kinh phí thực hiện: 395.825.000 đồng
PTTKHCN