Du lịch sinh thái: Xu hướng phát triển bền vững
Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa có tính hấp dẫn cao, tạo sự thu hút của cộng đồng đến với thiên nhiên và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với thế giới tự nhiên.
Theo định nghĩa của IUCN (Tổ chức bảo tồn thế giới) thì “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường, địa điểm là những khu vực thiên nhiên còn được bảo tồn, nhằm mục đích chiêm ngưỡng và trân trọng vẻ đẹp tự nhiên (và song song đó là những giá trị văn hóa, trong quá khứ lẫn hiện tại), giúp thúc đẩy việc bảo tồn, giảm thiểu tác động của khách du lịch và là nguồn thu nhập to lớn cho sự tham gia tích cực vào nền kinh tế xã hội của người dân địa phương.” Trong những năm gần đây, Du lịch sinh thái đã phát triển như một hiện tượng, một xu thế được quan tâm của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, nhiều du khách và nó đã trở thành vấn đề phát triển toàn cầu. Năm 2002, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra thông điệp “Du lịch sinh thái - chìa khóa để phát triển du lịch bền vững”; 2009, “Du lịch nối kết các nền văn hóa.”; 2011, “Du lịch nối kết các nền văn hóa.”… Và cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu, dự án được triển khai như:
Bùi Thị Minh Nguyệt, 2012, Giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững tại vườn quốc gia Ba Vì đã đưa ra các giải pháp phát triển du lịch sinh thái đặc biệt là phát triển bền vững trên ba khía cạnh là bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường và bền vững về xã hội. Và cần triển khai tốt các nguyên tắc như: Khai thác, sử dụng nguồn lực một cách bền vững; giảm sự tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải; duy trì tính đa dạng, cả đa dạng thiên nhiên, đa dạng xã hội và đa dạng văn hóa; phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội; phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển; lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương; lấy ý kiến quần chúng và các đối tượng có liên quan; chú trọng công tác đào tạo nguồn lực; tiếp thị du lịch một cách có trách nhiệm và coi trọng công tác nghiên cứu.
Năm 2014, dự án “Phát triển du lịch sinh thái ở trong và xung quanh khu bảo tồn tại Việt Nam” đã xây dựng thành công một mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, qua đó đóng góp vào bảo tồn thiên nhiên trong khu vực, tạo việc làm ổn định cho 100 hộ dân là người dân tộc thiểu số tại địa phương, doanh thu trong quý 1 năm 2014 đạt 875,8 triệu đồng. Dự án cũng xây dựng một cơ chế chia sẻ lợi ích để đảm bảo mô hình này đóng góp nguồn lợi hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Một khoản cố định trích từ vé vào cửa được đóng góp trực tiếp vào Quỹ Phát triển Cộng đồng, sử dụng để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cho người dân vay để phát triển sinh kế khác.
Ở Bình Dương, năm 2016 đề tài phát triển du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương đã triển khai hoàn thành. Hướng tiếp cận của đề tài này cũng dựa vào thiên nhiên, văn hóa bản địa của Bình Dương để phát triển. Kết quả, đề tài đã nghiên cứu xác định lại thực trạng khai thác du lịch làng nghề gốm sứ, sơn mài và điêu khắc gỗ tại tỉnh Bình Dương tính đến năm 2015 và dự báo tương lai dựa trên các số liệu điều tra xã hội học từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, xây dựng những mô hình phù hợp cho việc khai thác hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là về sinh thái và làng nghề tại địa bàn tỉnh Bình Dương.
Việt Nam được đánh giá là đất nước giàu tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái, tính đến năm 2015, Việt Nam có 31 vườn quốc gia; 64 khu dự trữ thiên nhiên; 16 khu bảo tồn loài - sinh cảnh và 55 khu bảo vệ cảnh quan. Và gần đây nhiều hệ sinh thái nông nghiệp như các miệt vườn, các làng sinh thái thu hút được rất nhiều khách tham quan du lịch… Nó không chỉ góp phần đưa lại hiệu quả cho ngành kinh tế du lịch mà còn có ý nghĩa cao, tác động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương và đóng góp nỗ lực cho bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước.
Thái Tân