Du lịch tỉnh Bình Dương phát triền bền vững (2010 - 2020).
Đây là đề tài nghiên cứu của thạc sĩ Trần Đức Thuận thực hiện vào năm 2021 với mục tiêu phản ánh quá trình lịch sử ngành du lịch tỉnh Bình Dương (2010 - 2020) dưới góc độ phát triển bền vững (chỉ số tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng ngành; thúc đẩy đời sống xã hội phát triển; bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống). Qua đó, đánh giá, rút ra ý nghĩa và bài học kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững ngành du lịch tỉnh Bình Dương trong tương lai
Là một đề tài lịch sử, có nhiều vấn đề mang tính liên ngành, vì vậy để thực hiện các mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra, tác giả sử dụng cơ bản phương pháp lịch sử, phương pháp logic và một số phương pháp bổ sung khác như phương pháp SWOT, phương pháp phân tích, tổng hợp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Bình Dương có hệ thống tài nguyên du lịch tương đối phong phú và đa dạng song không thực sự đặc sắc và không tạo nên lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác trong khu vực. Tuy nhiên, Bình Dương lại có những ưu thế riêng biệt về vị trí địa lý, mật độ dân cư, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và đặc biệt Bình Dương được đánh giá cao về sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, điều hành; cơ chế thông thoáng; hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ cao đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch… Mặt khác, chính sách phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương được đánh giá là rất hợp lý, không quá đề cao các chỉ tiêu mà hướng đến phát triển ngành du lịch một cách bền vững, phát huy những ưu thế về vị trí, dân số, sức mạnh kinh tế, quản trị; phát huy hệ sinh thái du lịch, kết nối với sức mạnh cộng đồng; chú trọng xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng.
Du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn những năm trước 2010 đã đạt được một số thành quả đánh chú ý: Bước đầu đã khai thác được tiềm năng du lịch để hình thành nên các sản phẩm du lịch dịch vụ tương đối đa dạng, một số mô hình kinh doanh đạt hiệu quả cao, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất phục vụ du lịch tương đối phát triển bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, bộ máy quản lý nhà nước, đội ngũ lao động ngành du lịch từng bước được củng cố, phát triển và ngày càng hoàn thiện…
Du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 - 2020 đạt được những bước tiến đáng kể, chỉ số đóng góp ngân sách ngày càng tăng, du lịch đang góp phần thay đổi bộ mặt địa phương, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy vậy, đánh giá trên các nội dung phát triển du lịch bền vững, du lịch Bình Dương vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt. Du lịch chưa thực sự có được những bước tiến vững chắc, mức độ đóng góp vào GRDP chưa cao, khả năng cung ứng việc làm, thúc đẩy tiến bộ xã hội còn rất hạn chế. Mặt khác, ngành du lịch là nhóm ngành dễ chịu tác động từ môi trường, dễ gây ảnh hưởng đến nhiều đối tượng lao động trực tiếp, gián tiếp.
Thông qua đề tài, tác giả cũng đã đúc rút ra cho ngành di lịch Bình Dương những bài học kinh nghiệm quý giá như phát huy vai trò quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững; phát huy các lợi thế, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu; phát huy vai trò, trách nhiệm du khách, cộng đồng cư dân.
Có thể thấy, đề tài đã phác thảo bức tranh tổng thể về phát triển du lịch tỉnh Bình Dương (2010 - 2020) trên các tiêu chí phát triển bền vững, đúc rút những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Đây cũng sẽ là tài liệu đáng tin cậy để các cơ quan chuyên ngành tham khảo nhằm xây dựng các quy hoạch, đề án, các chương trình hành động và là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên, học viên, nhân viên nghiên cứu trong lĩnh phát triển du lịch bền vững.
Ngọc Dung