Giải pháp khoa học bền vững cho toàn bộ hệ thống tên đường đô thị tỉnh Bình Dương
Đánh giá đúng thực trạng tên Đường hiện nay trên phạm vi toàn tỉnh Bình Dương và hoạch định các giải pháp bền vững cho toàn bộ hệ thống tên Đường của tỉnh trong hiện tại và tương lai
I. Đặt vấn đề
Việc đặt tên, đổi tên Đường là việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết đối với việc quy hoạch phát triển đô thị của Bình Dương từ nay đến năm 2020 với hướng tầm nhìn tới năm 2050, nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế. Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang đô thị thể hiện ở nhiều mặt như quy hoạch đô thị, xây dựng các tuyến Đường, khu phố văn minh sạch đẹp, luôn được các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương quan tâm thực hiện theo các quy định của Nhà nước… Từ những lý do trên, đề tài “Giải pháp khoa học bền vững cho toàn bộ hệ thống tên Đường đô thị tỉnh Bình Dương” được đề xuất thực hiện.
II. Kết quả thực hiện:
Hiện nay, tại tỉnh Bình Dương, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc trung ương vào năm 2020. Do đó, hạ tầng giao thông ở đây phát triển nhanh chóng từ các nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Việc này đã hình thành nên một hệ thống giao thông rộng lớn, đa dạng nên đòi hỏi ở công tác đặt tên Đường cho hệ thống giao thông chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hệ thống tên Đường ở Bình Dương hiện nay chưa được hoàn chỉnh do: Một số Đường có tên nhưng chưa phù hợp với quy chế đặt tên đường, hoặc tên quá dài gây khó khăn khi thể hiện trên bản đồ và kém tính gợi nhớ; một vài tên Đường bị đặt trùng tên hoặc rẽ nhánh cùng tên trong cùng một địa bàn huyện, thị, thành; một số tuyến Đường chính kết nối giauwx các khu đô thị được đặt tên bằng số hiệu hoặc số thứ tự… và nhiều tên Đường vẫn chưa được đặt tên.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá cơ sở pháp lý, lý luận khoa học cho việc đặt, đổi tên đường đô thị tỉnh Bình Dương; thực trạng hệ thống tên đường đô thị trên địa bàn tỉnh; giải pháp khoa học bền vững trong việc đặt tên, đổi tên đường và quản lý hệ thống tên đường tỉnh Bình Dương hiện tại và tương lai. Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành tổ chức hội thảo lấy ý kiến đánh giá của các nhà quản lý chuyên môn, các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, địa lý; các cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch, quản lý đô thị tại các huyện, thị xã về thực trạng tên Đường và công tác quản lý Đường giao thông hiện nay.
Từ những số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra, sắp xếp, bố cục lại cho có hệ thống, logic khoa học. Sau đó, hình thành bản đồ hệ thống về hiện trạng tên Đường ở các khu vực trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ của đề tài là đánh giá đúng thực trạng tên Đường hiện nay trên phạm vi toàn tỉnh Bình Dương, hoạch định các giải pháp bền vững cho toàn bộ hệ thống tên Đường của tỉnh trong tương lai và chiến lược lâu dài. Các mục tiêu hoàn thiện phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ gồm: Thiết lập hồ sơ đánh giá đầy đủ và chi tiết về thực trạng tên Đường hiện nay của toàn tỉnh; xây dựng giải pháp trong việc điều chỉnh, chỉnh sửa tên Đường của tỉnh; hoạch định những giải pháp bền vững cho toàn bộ hệ thống tên Đường của tỉnh; kiến nghị kế hoạch xây dựng ngân hàng tên Đường đủ để đáp ứng cho quá trình đô thị hóa mạnh mẽ; sơ đồ vị trí tổng thể các tuyến Đường đề nghị đặt, đổi tên; danh sách tên Đường đề nghị đặt tên, đổi tên ghi rõ; số thứ tự, mã hiệu, tên Đường…
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất dữ liệu Ngân hàng tên Đường được xây dựng trên kết quả nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, danh nhân…; điều chỉnh 137 tên Đường trên các khu vực; đặt mới 85 tên Đường và ứng dụng GIS trong công tác đặt đổi, quản lý hệ thống tên Đường tại Bình Dương; quản lý và cập nhật hệ thống tên Đường phải thống nhất sử dụng chỉ một nguồn cơ sở dữ liệu.
Nhằm đảm bảo tính khoa học cho việc đặt tên Đường, phố ở Việt Nam nói chung hay ở Bình Dương nói riêng là nhiệm vụ quan trọng. Giải pháp khoa học bền vững cho hệ thống tên Đường sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, giao dịch dân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội. Qua đó, còn thể hiện văn minh đô thị, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, tình yêu quê hương, đất nước… Ngược lại, nếu không chú trọng đúng mức việc đặt đổi tên Đường cho mang tính khoa học, bền vững thì rất địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước; thiếu một kênh tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu quê hương đất nước, tôn vinh công trạng, sự đóng góp của cá nhân, tập thể đối với đất nước và dân tộc; có thể gây khó khăn với bạn bè quốc tế, bạn bè của địa phương đến tham quan du lịch và giao thương.
III. Kết luận:
Đề tài góp phần đáng kể trong việc đưa ra giải pháp khoa học bền vững cho toàn bộ hệ thống tên Đường đô thị tỉnh Bình Dương nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác điều chỉnh, đổi hệ thống tên Đường để việc quản lý đô thị hiệu quả cũng như thuận lợi trong sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Quang Vinh