Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở tỉnh Bình Dương
Nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; làm rõ những kết quả đã đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế đó. Đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
a/ Tên nhiệm vụ: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở tỉnh Bình Dương.
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Công an tỉnh Bình Dương
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Huỳnh Văn Thành
- và những người tham gia chính:
1. Ths. Bùi Thanh Chung
2. CN. Trần Văn Được
3. CN. Nguyễn Hoàng Luân
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; làm rõ những kết quả đã đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế đó. Đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Trong quá trình phát triển, bên cạnh những mặt tích cực, Bình Dương phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực trong đó có sự gia tăng nhanh chóng và diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung.
Song song đó, quá trình áp dụng Nghị định 163/2003/NĐ-CP để giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở tỉnh Bình Dương còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế; chưa phát huy được hết sức mạnh của hệ thống chính trị, của quần chúng nhân dân, của thân nhân gia đình để quản lý, giáo dục đối tượng, góp phần phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khiến cho kết quả của công tác quản lý, giáo dục đối tượng còn hạn chế.
Thực tế này đặt ra yêu cầu cần và phải đánh giá thực tiễn, tổng kết các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở tỉnh Bình Dương; đề ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
II. Kết quả thực hiện
Tổng quan
Xuất phát từ yêu cầu của thực tế, nhóm nghiên cứu tìm hiểu cơ sở pháp lý và những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đó, qua thực tiễn, nhóm nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thực trạng công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đặc điểm của đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Đặc điểm nhân thân của đối tượng: Số đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phần lớn là nam giới (96,3%), trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi (60,5%). Phần lớn đối tượng không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp không ổn định (82%); có trình độ học vấn thấp, chủ yếu là học cấp 1 và cấp 2 (70%).
Đặc điểm hành vi vi phạm: Đối tượng chủ yếu là người từ 12 tuổi trở lên, nhiều lần có hành vi gây rối trật tự công cộng (55,3%), tiếp đến là đối tượng có hành vi trộm cắp vặt (18%), gây gổ đánh nhau (9,7%). Các đối tượng trước khi được đưa vào diện quản lý thường có các đặc điểm, thói quen như : nói tục, chửi thề (37%), không nghe lời cha mẹ, gây gổ với người thân hoặc người xung quanh (18,4%), lười biếng lao động, học tập (13%); nhiều lần có hành vi vi phạm pháp luật (13%), xăm mình (13%), có nhiều tên gọi, biệt danh (13%).
Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của lực lượng công an cơ sở
Tổ chức bộ máy của lực lượng công an cơ sở
Qua khảo sát thực tế, công an phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa được tổ chức theo quy định của Bộ Công an, phần lớn chưa bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác trật tự, phòng chống tội phạm. Hoạt động quản lý, giáo dục đối tượng theo Nghị định 163/NĐ-CP ở Công an các phường, thị trấn chủ yếu do lực lượng cảnh sát khu vực thực hiện.
Căn cứ vào đợn vị hành chính, về cơ bản số lượng công an xã đáp ứng được yêu cầu công tác tuy nhiên trình độ cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung; công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP nói riêng.
Thực trạng công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP
Công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP còn tồn tại nhiều hạn chế, cần được khắc phục:
- Việc thực hiện biện pháp quản lý, giáo dục ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả công tác chưa đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
- Số đối tượng trong thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tiếp tục có hành vi vi phạm bị xử lý chiếm tỷ lệ tương đối lớn.
- Lực lượng công an cơ sở chưa thực hiện tốt một số mặt công tác nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý, giáo dục đối tượng.
- Một bộ phận cán bộ chiến sĩ chưa nắm vững quy định của pháp luật, yêu cầu nghiệp vụ trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn.
- Quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an cơ sở với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chưa thật sự chủ động, tích cực.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn của lực lượng công an cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Dự báo tình hình tác động ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người lao động từ các nơi khác đến làm việc trong các khu công nghiệp cũng như du khách đến tham quan, du lịch, học tập, làm ăn tại Bình Dương sẽ tăng nhanh, kèm theo đó các loại hình dịch vụ khác nhau có cơ hội phát triển. Tình hình này làm cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương càng có nhiều vấn đề phải quan tâm.
Các nhóm tội phạm họat động có tổ chức tăng cao, tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường có chiều hướng gia tăng, Tệ nạn xã hội gia tăng, diễn biến phức tạp, tình hình tranh chấp lao động, đình công trong các doanh nghiệp tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có chiều hướng gia tăng và ít ổn định, tỷ lệ tăng, giảm theo từng địa phương.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của lực lượng công an cơ sở tỉnh Bình Dương
Trước tình hình đó, đề tài đề xuất các giải pháp sau để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP của lực lượng công an cơ sở tỉnh Bình Dương
-
Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng công an cơ sở.
- Đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý, giáo dục đối tượng.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng công an cơ sở với các ngành, các lực lượng tham gia quản lý, giáo dục đối tượng.
- Nâng cao công tác nghiệp vụ của lực lượng công an cơ sở trong quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn.
- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, phát hiện, xây dựng những mô hình, phương pháp quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/NĐ-CP hiệu quả, sáng tạo, bảo đảm kinh phí thực hiện công tác theo quy định.
III. Kết luận
Đây là công trình nghiên cứu thực tiễn về biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 do lực lượng công an cơ sở tiến hành trên địa bàn tình Bình Dương. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được áp dụng vào thực tế địa phương để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề tài còn phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy, học tập tại các trường Công an nhân dân.
e/Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian kết thúc: 12/2013
g/ Kinh phí thực hiện: 126.739.550 đồng
Trúc Mai