Giải pháp phát triển cảnh quan khu vực Bờ đông sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương thành điểm nhấn bản sắc văn hóa Bình Dương
Bình Dương là một địa bàn năng động, đang trên đà phát triển đô thị và hướng đến việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trên con đường phát triển của mình, Bình Dương luôn là vùng đất dồi dào truyền thống lịch sử văn hóa, xã hội. Xây dựng cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn mang bản sắc độc đáo Bình Dương theo tiêu chí đô thị bền vững là một minh họa sinh động cho tính chất song trùng của con đường phát triển của Bình Dương, trong đó nhân tố truyền thống hòa nhập vào nhân tố hiện đại, phát triển nhưng luôn luôn giữ những nét độc đáo của riêng Bình Dương.
Hành lang du lịch Tây và Tây Bắc của Bình Dương gắn với sông Sài Gòn là vùng du lịch, nghỉ ngơi, giải trí trọng điểm của Bình Dương trong suốt quá trình phát triển. Vì vậy, việc xây dựng cảnh quan độc đáo tại bờ Đông sông Sài Gòn là việc làm cần thiết, phục vụ cho xây dựng.
Khu vực bờ Đông sông Sài Gòn thuộc Bình Dương là vùng đất thấp, tiếp cận trực tiếp với dòng chảy của sông, là vùng nhạy cảm đối với biến đổi khí hậu. Đây là khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nước biển dâng, tác động đến đông đảo dân cư cũng như các cơ sở kinh tế - văn hóa. Việc tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến dân cư và vùng đất này nhằm đưa ra các đề xuất xây dựng cảnh quan thân thiện với môi trường là sự chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với chủ trương của tỉnh trong hoạt động này.
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tạo lập quy hoạch - kiến trúc cho khu vực bờ Đông sông Sài Gòn, tỉnh Bình Dương đậm đà bản sắc lịch sử văn hóa truyền thống của Bình Dương có tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đem lại hai lợi ích là phát triển bản sắc Bình Dương, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế đô thị cao đóng góp cho sự phát triển bền vững của khu vực bờ Đông sông Sài Gòn, tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, đô thị Thuận An, đô thị Thủ Dầu Một, đô thị Nam Bến Cát đã được phê duyệt, đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch kiến trúc sông nước và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bờ Đông sông Sài Gòn; đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị một số không gian truyền thống của khu vực bờ Đông sông Sài Gòn (chợ ven sông, vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công truyền thống…); bảo tồn, phát huy giá trị một số công trình kiến trúc đặc thù khu vực bờ Đông sông Sài Gòn; các giải pháp quy hoạch và quản lý một số không gian du lịch mới; đề xuất kết nối không gian 2 bờ Đông và tây sông Sài Gòn (khung giao thông, không gian mở, điểm nhấn…); đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong sinh hoạt, trong kiến trúc nhà ở tương thích với từng kịch bản của nước dâng.
Khí hậu khu vực bờ Đông sông Sài Gòn có nắng nóng khô và mưa nhiều vào mùa mưa, độ ẩm khá cao, cảnh quan đẹp và hầu như hàng năm không hứng chịu những trận thiên tai như bão, lũ nên khu vực này rất thuận lợi cho các phát triển các ngành nghề nông nghiệp như trồng cây ăn trái, đánh bắt và nuôi trồng thủy - hải sản, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với Bình Dương, cụ thể là khu vực này. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, nhóm tác giả nhận thấy hiện tượng ngập lụt cục bộ ở các khu vực bờ sông Sài Gòn đã làm cho một số vườn cây ăn trái bị giảm năng suất, cây chết, ra trái ít…; nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng giảm dần năng suất. Bên cạnh những ảnh hưởng đến nông nghiệp, thì biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, lối sống, nhà ở, giao thông đi lại của người dân ở trong khu vực.
Trên dải bờ Đông sông Sài Gòn thuộc tỉnh Bình Dương có 16 đơn vị hành chính, gồm có 7 xã, 8 phường và một thị trấn. Các xã (trừ xã An Sơn) hầu hết đều nằm ở phía Bắc vì đây là vùng nông thôn. Các phường đều nằm phía Nam là nơi đô thị hóa khá cao. Các tên gọi của các địa phương này đều mang ước vọng của người dân về một nơi chốn bình an, trù phú, thanh nhã, bền vững.
Theo số liệu thống kê năm 2014, diện tích của tổng 16 đơn vị hành chính bờ Đông sông Sài Gòn là 324,89km2. Dân số là 289.283 người. Như vậy mật độ dân số ở khu vực này là 890 người/km2. Trong đó mật độ dân số cao nhất là phường Phú Cường với 10.209 người/km2 và xã có mật độ dân số thấp nhất là xã Đinh Thành với 65 người/km2. Qua đó cho thấy, dân cư tập trung đông nhất vẫn là các phường ở các khu đô thị, nơi có phương tiện, hạ tầng phát triển. Ngược lại, khu vực nông thôn, nơi chưa có tỷ lệ đô thị hóa cao, xa các trung tâm hành chính, xa các khu công nghiệp thì dân cư thưa thớt hơn rất nhiều.
Trong suốt lịch sử mở mang, đất Bình Dương là nơi cộng cư của nhiều cộng đồng dân tộc. Trong đó, người Việt chiếm tỷ phần quan trọng nhất, họ là những người thuộc các thành phần xã hội khác nhau, gốc gác ở khắp các vùng của tổ quốc đã quy tụ về đây qua các giai đoạn lịch sử suốt từ thế kỷ XVII đến nay…
Sự phân bố không đồng đều về mức độ đô thị hóa tại Bờ Đông, có nơi quá thấp, thấp gần tuyệt đối, có nơi quá cao, cao gần tuyệt đối không nói lên sự mâu thuẫn trong xã hội hoặc chênh lệch gay gắt giữa giàu và nghèo mà chỉ nói lên sự khác nhau trong chính mức độ đô thị hóa. Tuy vậy, sự chênh lệch nhau trong đô thị hóa, nhìn từ quan điểm phát triển, ta thấy đây là tiềm năng hỗ trợ cùng phát triển của cả hai vùng. Vùng đô thị hóa cao có thể hỗ trợ cho vùng nông thôn về nhân lực có trình độ, kỹ thuật hiện đại để có thể xây dựng, phát triển nông nghiệp đô thị, phát triển du lịch xanh, và ngược lại, vùng nông thôn sẽ là địa bàn lý tưởng cho những ý tưởng về đô thị xanh, biệt thự xanh. Sự tương phản nhau về đô thị hóa của bờ Đông cũng chính là điểm mạnh của khu vực này…
Qua nghiên cứu thực tiễn, nhóm tác giả đã ứng dụng nguyên lý CITY DESIGN trong công tác bảo tồn và tạo lập bản sắc của khu vực bờ Đông sông Sài Gòn của Bình Dương, dựa trên hiện trạng và nhu cầu phát triển đặc thù, từ đó các định hướng chiến lược sẽ phải đặc biệt chú trọng ý nghĩa sông nước đến bản sắc đô thị và sinh hoạt động cồng như: giao tiếp đa chiều để đáp ứng cung cầu, hợp tác đa ngành để bổ sung cho nhau, cộng tác các nhóm để phát triển cộng đồng, quản lý theo quy hoạch…
Tùy theo bản sắc từng địa phương, đề tài đưa ra những đề xuất về cải tạo và các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao bản sắc của từng vùng. Ví dụ như xã Định Thành có cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có nhiều địa danh nổi tiếng là chùa Thái Sơn, hồ Dầu Tiếng, Suối Trúc, đặc sản cá lăng, được đề xuất hình thành khu du lịch xanh, kết nối các địa điểm nổi tiếng của xã Định Thành lại với nhau và xây dựng thêm tuyến đường đi bộ dọc quanh hồ Dầu Tiếng. Hoặc như thị trấn Dầu Tiếng thì bảo tồn các công trình tôn giáo, đình thần, các công trình có giá trị lịch sử tại thị trấn và đề xuất tuyến đường du lịch tâm linh dọc bờ Đông từ xã Định Thành về đến phường Vĩnh Phú. Con đường này sẽ qua nhiều cơ sở tín ngưỡng dân gian và tôn giáo như chùa Thái Sơn, chùa Tây Tạng, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh…
Có thể nói, sông Sài Gòn có tài nguyên mặt nước tương đối dồi dào, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước… đồng thời, là con đường thủy huyết mạch cho các đô thị ven sông, tạo động lực phát triển cho các vùng phụ cận. Nghiên cứu, tôn tạo bờ của con đường thủy huyết mạch, phủ vào nó tính thân thiện, văn minh, cũng chính là thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng trong đó có Bình Dương.
Xây dựng cảnh quan khu vực bờ Đông sông Sài Gòn theo tiêu chí đô thị bền vững thực chất là cụ thể hóa sự kết nối của Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này sẽ là điểm tựa cho sự phát triển hai bên bờ sông Sài Gòn, làm cho hai đô thị gần nhau hơn về mặt kinh tế cũng như văn hóa và là chất kết dính cho sự đồng phát triển hài hòa giữa hai đô thị.
Thu Trang (Đọc toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN)