Giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch - kiến trúc cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương trong tương lai
Xu thế “cạnh tranh đô thị” trên thế giới nói chung, và Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á nói riêng là tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Đô thị có tính cạnh tranh cao sẽ thu hút tốt vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, thu hút “chất xám” và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội với tốc độ cao. Trong những yếu tố góp phần nâng cao tính cạnh tranh đô thị, có yếu tố chất lượng sống của người dân đô thị, mà trong đó bản sắc quy hoạch và kiến trúc có vai trò rất quan trọng. Việc quy hoạch một đô thị bền vững, “độc đáo” với “bản sắc” phù hợp với đặc thù của từng khu vực, là xu hướng của các địa phương và quốc gia đang hướng tới.
Việc Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, Trường Đại học Thủ Dầu Một và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo lập bản sắc quy hoạch - kiến trúc cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương trong tương lai” với mục tiêu đề xuất các giải pháp quy hoạch - kiến trúc theo tiêu chí “bản sắc” cho Bình Dương nói chung, và cho một số khu vực của tỉnh Bình Dương nói riêng, sẽ đem lại sự hỗ trợ cần thiết về mặt quản lý quy hoạch đô thị, quản lý kiến trúc của các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để phát triển những nguyên tắc “kim chỉ nam” để các đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế tham khảo để áp dụng trong quá trình thực thi trách nhiệm.
Hướng đến việc tạo lập và phát triển các cộng đồng ở và làm việc đa dạng, trong không gian đô thị được quy hoạch với bản sắc phù hợp, phục vụ nhu cầu khác nhau của các nhóm cộng đồng, theo các định hướng chiến lược, đề tài đã tiến hành nghiên cứu thế nào là bản sắc đô thị? Các yếu tố cấu thành bản sắc đô thị là gì? Xác định các giá trị bản sắc vật thể và phi vật thể? Tại sao cần bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị? Các định hướng giúp tạo lập bản sắc đô thị? Các lợi ích văn hóa, kinh tế, xã hội của việc bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị? Những đối tượng có thể tác động đến bản sắc đô thị? Ý nghĩa của bản sắc đô thị đến thế hệ tương lai?…
Những yếu tố nào làm nên bản sắc đô thị Bình Dương? Quá trình phát triển và tạo lập bản sắc của Bình Dương? Điều gì làm Bình Dương đáng nhớ và thu hút khách du lịch đến Bình Dương? Làm sao để bảo tồn, và phát triển bản sắc Bình Dương, bao gồm một số khu vực tại Bình Dương? Những kinh nghiệm có thể học hỏi từ các điển cứu đô thị khác? Các cơ hội, và trở ngại của việc phát triển các khu đô thị có bản sắc riêng tại Bình Dương ngày nay? Vai trò của thiết kế đô thị, và các nguyên tắc tạo lập bản sắc Bình Dương?
Về mặt quy hoạch, đề tài hướng đến nghiên cứu các yếu tố tạo lập bản sắc quy hoạch kiến trúc đô thị và nông thôn của Bình Dương, trên cơ sở phân loại khu vực đô thị theo đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đã được phê duyệt; định hướng bảo tồn phát huy giá trị bản sắc một số trung tâm, khu đô thị, và khu vực không gian truyền thống của tỉnh Bình Dương; nghiên cứu định hướng các giải pháp khai thác lợi thế bản sắc, thông qua các giá trị cảnh quan đặc thù của Bình Dương: sông, hồ, núi đồi, vườn cây ăn quả…
Về mặt kiến trúc, đề tài còn hướng đến xác lập các định hướng phát huy giá trị bản sắc kiến trúc tỉnh Bình Dương, định hướng giải pháp thực hiện cho một số khu vực điển hình, nhằm đem lại bản sắc riêng cho Bình Dương; xác lập các định hướng bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc một số khu vực và công trình kiến trúc hiện hữu ở tỉnh Bình Dương.
Từ nền tảng các phân tích tổng hợp về những vấn đề liên quan đến các giá trị bản sắc từ tổng quát đến chi tiết, việc bảo tồn, tạo lập, và phát triển các giá trị bản sắc đô thị của Bình Dương được nhóm tác giả đề xuất theo những định hướng chiến lược: Nâng cao giá trị bản sắc tổng thể của Bình Dương trong quá khứ, hiện tại và tương lai thông qua các giá trị tổng hợp của nhiều bản sắc thành phần (bao gồm các giá trị bản sắc vật thể và phi vật thể); xác định mục tiêu chiến lược về mặt bảo tồn di sản, là phải giữ lại được các giá trị lịch sử của suốt quá trình phát triển trên 300 năm của Bình Dương; phát triển giá trị bản sắc mới, mang tính thời đại của thế kỷ 21, cho Bình Dương từ việc phát triển những khu đô thị đa bản sắc.
Xây dựng bản sắc cộng đồng đô thị Bình Dương từ việc củng cố bản sắc khác nhau của các cộng đồng dân cư và cộng đồng người nhập cư; xây dựng các nền tảng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, và hạ tầng để Bình Dương trở thành đô thị đáng sống, phát triển bền vững, văn minh hiện đại. Tiếp tục phát triển Bình Dương theo nguyên tắc phát triển không gian “Một đô thị, 3 chiến lược phát triển kết nối với hành lang xanh” cho Bình Dương, trong đó (1) xây dựng khu vực phía Nam theo mô hình “ đô thị nén”, mật độ cao; (2) xây dựng khu vực trung tâm của tỉnh theo mô hình “đa chức năng, đa trung tâm”; (3) Xây dựng khu vực phía Bắc theo mô hình “đô thị vệ tinh”.
Về chiến lược phát triển, nghiên cứu này cho thấy một bức tranh toàn cục của các khu vực có bản sắc đặc thù trong một tổng thể chung, giúp ích cho các cơ quan quản lý có thể đưa ra các quyết sách mang tính chiến lược về mặt phát triển của đô thị Bình Dương trong mối tương quan kết nối giữa lịch sử, với hiện tại và tương lai, trong mối tương quan kết nối vùng và khu vực; phối hợp các sở và ban ngành cùng với các doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm mang tính liên ngành, như dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và Đô thị Bình Dương.
Về văn hóa lịch sử, việc xác định các khu vực mang bản sắc đặc thù qua các thời kỳ phát triển, có thể giúp ích cho các cơ quan quản lý trong việc xác lập danh sách các di sản đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng, kèm theo đó là các hướng dẫn và định hướng bảo tồn phù hợp, không những về mặt không gian vật thể, mà cả về mặt hoạt động và về mặt các giá trị phi vật thể khác.
Về quy hoạch kiến trúc, nghiên cứu cung cấp các luận điểm và yếu tố cấu thành bản sắc, để giúp ích cho các cơ quan quản lý trong việc phân tích các khu có bản sắc phức tạp, là nơi giao thoa của nhiều khu đô thị có bản sắc khác nhau, và các khu có tiềm năng phát triển bản sắc đô thị độc đáo, để có thể đưa ra các định hướng chiến lược và giải pháp quy hoạch kiến trúc phù hợp, vừa bảo vệ được giá trị bản sắc riêng của từng khu vực, vừa đem lại được hiệu quả tổng thể giữa các khu vực bản sắc, đáp ứng nhu cầu đa dạng, mà lại đặc thù, của các nhóm cộng đồng dân cư.
Về quản lý đô thị, nghiên cứu này xác định các khu vực trung tâm và khu đô thị đa chức năng mật độ cao ở phía Nam và khu vực lỏi đô thị trung tâm của Bình Dương có thể quản lý hiệu quả theo hướng đô thị thông minh, gắn kết với việc quản lý mạng thông minh giao thông công cộng, để giúp ích cho các cơ quan quản lý xem xét khả năng ưu tiên ứng dụng công nghệ cao và thông minh một cách chọn lọc, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.
Về kinh tế, nghiên cứu xác định các yếu tố làm cho nhiều dự án phát triển địa ốc trong khu vực bị đóng băng cho đến ngày nay, để giúp ích cho các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư địa ốc xem xét lại tổng quan các vấn đề có liên quan, để tìm giải pháp trong mối liên kết vùng và hợp tác công tư, khơi thông các trở ngại hiện hữu tại các khu dự án mới và các khu dự án chậm phát triển, để giúp cho Bình Dương có thể tăng tốc phát triển trở lại.
Về phát triển cộng đồng xã hội và phát triển dự án địa ốc, nghiên cứu đã xác định các khu đô thị cần được phát triển với bản sắc đặc thù, tương ứng với tiềm năng phát triển của khu vực, và tương ứng với nhu cầu của cư dân hiện tại và cư dân tương lai, để giúp ích cho các cơ quan quản lý quan tâm hơn đến vấn đề quy hoạch phát triển cộng đồng, là một vấn đề hiện nay vẫn còn bị xem nhẹ tại đa số các đô thị Việt Nam. Nhưng trong trường hợp Bình Dương, là một tỉnh đang phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, sẽ rất cần phát triển sự hình thành và gắn kết của các nhóm cộng đồng đa dạng, bao gồm người địa phương, người nhập cư, người nước ngoài,… để cùng nhau góp sức cho việc phát triển Bình Dương về nhiều mặt.
Về môi trường, nghiên cứu này xác định tiềm năng phát triển chuỗi các dự án đô thị ven sông Sài Gòn theo hướng văn hóa - du lịch -sinh thái, và chuỗi các dự án đô thị ven sông Đồng Nai theo hướng chuỗi đô thị cảng - công nghiệp-công nghệ cao, với mạng lưới giao thông kết nối đường bộ và đường thủy, thích ứng tốt với kịch bản ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Thy Diễm (Đọc toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN)