Giải thưởng chất lượng quốc gia: Công cụ đánh giá năng lực của doanh nghiệp
Giải thưởng Chất lượng Việt Nam là giải thưởng duy nhất về chất lượng được Luật hóa, do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện hàng năm.
Đây là giải thưởng tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Mục đích của giải thưởng này là tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, thông qua các tiêu chí bầu chọn, giải thưởng như là một công cụ quan trọng để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế. Đây chính là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi ứng dụng mô hình “Giải thưởng chất lượng Quốc gia” trong quản lý tại doanh nghiệp.
Tham gia giải thưởng, doanh nghiệp sẽ phải trải qua quá trình thẩm định kéo dài gần 6 tháng, do hai Hội đồng cấp địa phương và cấp quốc gia xét tuyển. Trong quá trình kiểm định thực tế, mỗi doanh nghiệp sẽ phải trả lời trung bình khoảng 200 câu hỏi của Hội đồng các cấp. Những câu hỏi này liên quan đến hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, từ vấn đề chiến lược, quản trị, công nghệ, nhân sự cho đến những hoạt động thực tế như các văn bản, quy trình, quy định nội bộ, tiêu chuẩn quản lý, giám sát chất lượng hoạt động… Chính vì sự khắt khe này, nên số lượng doanh nghiệp có thể tham gia giải thưởng hàng năm không nhiều. Ông Nguyễn Bình Phước - PGĐ Sở KHCN Bình Dương, cho biết: “Giải thưởng chất lượng Quốc gia được đánh giá theo 7 tiêu chí, đó là: Vai trò lãnh đạo; Chiến lược hoạt động; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động; Kết quả hoạt động. Với 7 tiêu chí này, việc thực hiện tham gia là một quá trình nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gửi hổ sơ đăng ký tham gia, Hội đồng sơ tuyển sẽ đánh giá cho điểm theo 7 tiêu chí này. Nếu tổng điểm của doanh nghiệp đạt được từ 600 điểm trở lên, Hội đồng sơ tuyển sẽ chuyển hồ sơ, kết quả điểm lên Hội đồng Quốc gia. Căn cứ vào điểm này, Hội đồng Quốc gia sẽ thẩm định và trình cho Bộ Khoa học & Công nghệ và Thủ tướng Chính phủ xét tặng Doanh nghiệp đạt giải thưởng Doanh nghiệp Chất lượng cao. Nếu doanh nghiệp đạt 800 điểm trở lên, sau khi thẩm định và xem xét, Hội đồng Quốc gia sẽ tham mưu cho Bộ Khoa học & Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia”.
Công ty TNHH Esquel Gament Manufacturing Bình Dương ( 100% vốn đầu tư nước ngoài) là một trong 4 đơn vị được Hội đồng sơ tuyển xét chọn cho giải thưởng chất lượng Quốc gia năm nay. Đây cũng là đơn vị đã đạt Giải thưởng chất lượng QG năm 2018. Hiện, công ty có hơn 6000 công nhân, sản xuất 1.700.000 sản phẩm áo và hơn 400 tấn vải/tháng. Công ty áp dụng phương pháp sản xuất LEAN – nhằm mang lại các tiêu chí: Tiết kiệm nhất, chất lượng nhất, giao hàng ngắn nhất, giá thành thấp nhất, đạo đức cao. Thông qua việc rút ngắn dòng sản xuất bằng loại bỏ các lãng phí đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng/năm. Đây cũng là doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề môi trường, thông qua qui trình sản xuất nghiêm ngặt nhằm tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu và nước. Đây cũng chính là một trong những yếu tố được các thương hiệu lớn như: Hugo Boss, Michael Kors, Tommy Hilfiger, Nike, Calvin Klein,…tin tưởng chọn làm đối tác lâu dài. Theo ông Nguyễn Văn Lương - TGĐ Công ty Esquel Garment Bình Dương, để phát triển lâu dài và bền vững, công ty rất chú trọng đến vấn đề đổi mới công nghệ; áp dụng những phương pháp sản xuất tiên tiến; máy móc, thiết bị hiện đại và các công cụ hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ngành may mặc phải cạnh tranh rất cao. Do đó, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người lao động thì mới đảm bảo tính cạnh tranh, đảm bảo giá thành sản phẩm, giữ chân được người lao động. Bên cạnh đó, công ty còn chú trọng đến môi trường làm việc, tạo ra một môi trường làm việc hài hòa, thoải mái cho người lao động bằng những bữa ăn giữa ca đảm bảo dinh dưỡng. Môi trường sản xuất được gắn máy lạnh, giúp người lao động có tinh thần làm việc hơn.”
Đơn vị thứ hai trong đợt xét tuyển năm nay là Công ty CP Đầu tư & Xây dựng 3/2. Công ty được thành lập từ năm 1993, với nhiệm vụ chủ yếu là thi công xây dựng các công trình, sản xuất bê tông, gạch bê tông, khai thác và chế biến đá xây dựng. Trong thời kỳ hội nhập, để nâng cao năng lực cạnh tranh, công ty luôn chú trọng áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến; kết hợp với đầu tư, cải tiến công nghệ, nhằm tiết kiệm năng lượng, tăng công suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo dựng uy tín. Công ty là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong lĩnh vục xây dựng tại Bình Dương. Ngoài ra, công ty cũng áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp quản trị tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động như: Hệ thống quản lý sức khỏe nghề nghiệp OHSAS ( đọc là ô hát xát) 18001, Quản lý kết quả công việc theo KPI ( đọc là kây pi ai), Kiểm soát rủi ro, 5S, LEAN và Quản lý trực quan. Đây là những tiêu chuẩn, công cụ giúp nâng cao năng suất, loại bỏ các lãng phí trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ông Trần Văn Bình – Phó TGĐ cty CP Xây dựng 3/2 Bình Dương chia sẻ: Chú trọng áp dụng các công cụ quản lý và cải tiến công nghệ là mục tiêu để nâng cao năng suất, cũng như hiệu quả kinh doanh. Với phương châm: chất lượng sản phẩm là hàng đầu. Ban lãnh đạo công ty đã có chiến lược hoạt động rất cụ thể; Đó là quản lý tích hợp hệ thống từ qui trình sản xuất, đầu ra sản phẩm, tới tuyển dụng và đào tạo tay nghề. Chiến lược hoạt động giúp công ty giải quyết được những thách thức cũng như đà phát triển của xã hội theo thị trường. Với đặc thù của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đòi hỏi tự động hóa rất cao. Vì vậy, việc cải tiến công nghệ không chỉ tăng năng suất, chất lượng mà còn giảm giá thành sản xuất, giải quyết được bài toán thiếu lao động hiện nay. Hiện tại, qui trình sản xuất vật liệu tại nhà máy đã có thể thay thế được 70 – 80% con người.
Đánh giá thực tế tại cty nhựa thiếu niên Tiền Phong
Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty TNHH Cường Phát là hai đơn vị còn lại đạt các tiêu chí xét tuyển năm nay. Công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong, với lĩnh vực chuyên sản xuất các loại ống PVC, PPR, PEHD và phụ tùng ống nhựa phục vụ các ngành xây dựng, công nghiệp, nông-lâm-ngư nghiệp. Là một trong những đơn vị sớm đầu tư công nghệ hiện đại nên sản phẩm sản xuất ra đều phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và được chứng nhận bởi QUACERT. Hiện nay tổng sản lượng của công ty đạt khoảng trên 80.000 tấn sản phẩm/năm. Mức tăng trưởng bình quân 15%/năm trở lên. Có thể nói, ống nhựa Tiền Phong được tin dùng trong hầu hết công trình, dự án trong cả nước. Hiện, với dây chuyền hiện đại của Đức và Ý, sản phẩm ống nhựa HDPE DN 2000 và ống HDPE 2 vách theo công nghệ châu Âu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và cũng là sản phẩm lớn nhất khu vực châu Á cho tới thời điểm hiện nay.
Quá trình thẩm định hồ sơ và đánh giá tại chỗ 4 doanh nghiệp trên, Hội đồng sơ tuyển Chất lượng Quốc gia tỉnh Bình Dương đã thống nhất chấm điểm và đề xuất giải thưởng. Cụ thể: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia cho 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong Phía Nam với số điểm 950 và Công ty TNHH Esquel Gament Manufacturing Bình Dương 925 điểm; Giải thưởng Chất lượng Quốc Gia cho 2 đơn vị, gồm: Công tty CP Đầu tư Xây dựng 3/2, với số điểm 795 và Công ty TNHH Cường Phát, với số điểm 780.
Năm 1996, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam chính thức được triển khai. Đến nay, sau 23 năm đã có gần 2 ngàn doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng chất lượng QG; trong đó có 240 doanh nghiệp đoạt Giải Vàng, 46 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh ở cấp độ quốc tế. Hiện cả nước có khoảng hơn 700 ngàn doanh nghiệp hoạt động. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 80 DN được nhận Giải thưởng chất lượng QG. Đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp trong cả nước hiện nay. Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp doanh nghiệp, với 42.814 doanh nghiệp. Song, rất ít doanh nghiệp đạt 7 tiêu chí của Giải thưởng chất lượng QG. Vì vậy, có thể khẳng định: Doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không chỉ có cơ hội nâng tầm thương hiệu mà còn là dịp doanh nghiệp tự đánh giá và khắc phục những điểm còn hạn chế. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mang đến những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao cho người tiêu dùng, đối tác và cộng đồng. Hy vọng, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đủ tiêu chí tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia. Đây sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thu Huyền BTV