Giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở ở tỉnh Bình Dương hiện nay. Thực trạng và giải pháp
Để đảm bảo chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh THCS cần có những nội dung và phương pháp phù hợp. Nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh THCS được thực hiện trong Chương trình môn “Giáo dục công dân” ở trường; Năm Điều Bác Hồ dạy thiếu nhi; đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phương pháp giáo dục học sinh THCS thể hiện ở sự kết hợp hợp lý các phương pháp đàm thoại, giảng giải, kể chuyện, nêu gương, quan sát,…
a/ Tên nhiệm vụ: Giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở ở tỉnh Bình Dương hiện nay. Thực trạng và giải pháp
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Đại học Thủ Dầu Một
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trương Thị Xử và ThS. Huỳnh Ngọc Bích đồng chủ nhiệm
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Đặt vấn đề
Bình Dương là một địa phương có nhiều khu công nghiệp, sự tăng trưởng kinh tế hàng năm đã cải thiện đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn và đóng góp vào ngân sách chung của nhà nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề bức xúc cần quan tâm nghiên cứu giải quyết, trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở (THCS). Việc giáo dục đạo đức cho học sinh THCS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục.
Với những yêu cầu đã đặt ra, đề tài “Giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở ở tỉnh Bình Dương. Thực trạng và giải pháp” đã được đề xuất thực hiện.
Kết quả nghiên cứu
Đạo đức và vai trò của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh THCS:
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chính hành vi của mình phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và tiến bộ xã hội.
Đạo đức có vai trò quan trọng, là cái gốc của con người. Nếu người không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không giúp ích được cho nước và dân. Ở trường phổ thông nói chung, trường THCS nói riêng, giáo dục đạo đức có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Qua giáo dục đạo đức giúp học sinh hình thành những quan điểm, quy tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản. Từ đó, có thể lựa chọn những hành vi ứng xử phù hợp. Đồng thời, còn giúp cho học sinh có khả năng đánh giá đúng các hiện tượng đạo đức xã hội và tự đánh giá tư cách, ý thức và hành vi của bản thân.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh THCS cần có những nội dung và phương pháp phù hợp. Nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh THCS được thực hiện trong Chương trình môn “Giáo dục công dân” ở trường; Năm Điều Bác Hồ dạy thiếu nhi; đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phương pháp giáo dục học sinh THCS thể hiện ở sự kết hợp hợp lý các phương pháp đàm thoại, giảng giải, kể chuyện, nêu gương, quan sát,…
Các nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh THCS phải được lựa chọn sử dụng sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thiếu niên, tránh mệnh lệnh và áp đặt học sinh theo ý muốn chủ quan của giáo viên.
Thực trạng đạo đức và giáo dục đạo đức cho học sinh THCS ở tỉnh Bình Dương hiện nay
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế, kết quả điều tra, báo cáo tổng kết năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo; phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường THCS, trung học phổ thông có cấp THCS… kết quả cho thấy, nhìn chung công tác giáo dục đạo đức cho học sinh THCS ở tỉnh Bình Dương trong những năm qua đặt kết quả khá khả quan. Đa phần học sinh được xếp loại đạo đức tốt, khá, chấp hành Nội quy nhà trường, chăm học, đi học đều, đúng giờ, phát biểu ý kiến xây dựng bài… thương yêu, tôn trọng, lễ phép với giáo viên, ông bà, cha mẹ, vâng lời thầy cô, người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ bạn, sống chan hòa với mọi người; giữ gìn vệ sinh trường lớp; phụ giúp gia đình khi có thời gian rãnh; tham gia tích cực các phong trào do trường; phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức; không tham gia tệ nạn xã hội; không vi phạm luật giao thông đường bộ…
Năm học 2011 - 2012, có 39.927 (75.1%) học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt; có 10.902 (20.5%) học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá. Sở dĩ, đạt được những ưu điểm nêu trên là do cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh đều nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đạo đức trong nhà trường; lãnh đạo các cấp thường xuyên chỉ đạo công tác này một cách sát sao; giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh tạo điều kiện thuận lợi và có phương pháp, biện pháp, hình thức giáo dục đạo đức khá phù hợp; bản thân học sinh nỗ lực tu dưỡng và rèn luyện đạo đức…
Song bên cạnh những kết quả nêu trên vẫn còn những hạn chế như: Học sinh nghỉ học không phép, trốn học, cúp tiết đi chơi game, đánh nhau, nói tục, chửi thề, vô lễ với thầy cô, không vâng lời cha mẹ… nên vẫn còn số học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu. Cụ thể, năm học 2011 - 2012, có 2.195 (4.1%) học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình và 145 (0.3%) học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu.
Tuy nhiên những hạn chế nêu trên hoàn toàn có thể khắc phục được và tiến tới loại bỏ, nếu mỗi học sinh tích cực, chủ động hơn trong quá trình học tập, rèm luyện, cũng như được sự tạo điều kiện thuận lợi từ phía nhà trường, gia đình, cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, 03 môi trường giáo dục này cần phải có sự phối kết chặt chẽ, thường xuyên, cần sử dụng hợp lý các phương pháp giáo dục, hình thức giáo dục đạo đức phù hợp với lứa tuổi THCS. Mặt khác, cần sự đầu tư về thời gian, kinh phí, nguồn nhân lực cho công tác giáo dục đạo đức.
Những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh THCS ở tỉnh Bình Dương hiện nay
Việc giáo dục đạo đức cho học sinh là vấn đề quan trọng được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo trong đường lối, chủ trương của mình và ngành giáo dục khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trong các trường THCS nói riêng, các trường trung học phổ thông nói chung tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm góp phần phát triển nhân cách học sinh.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới nội dung; phương pháp giáo dục; tạo sự đồng thuận giữa giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội; đầu tư cho kinh phí, thời gian và nguồn nhân lực cho giáo dục đạo đức; vai trò tự giáo dục của học sinh. Đặc biệt, cần tổ chức thực nghiệm giải pháp “Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh THCS ở tỉnh Bình Dương” vì đây là giải pháp quan trọng có tác động mạnh mẽ và quyết định đến chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh.
Qua quá trình tổ chức thực nghiệm giải pháp trên, bước đầu cho thấy các giải pháp đưa ra có tính khả thi, các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy lớp thực nghiệm đều thấy được sự tiến bộ nhất định của học sinh về mặt đạo đức: Chấp hành Nôi quy nhà trường; quy định của lớp… Bên cạnh đó, những học sinh cá biệt cũng đã biết cách khắc phục những sai sót của mình và dần dần hoàn thiện bản thân.
Sở dĩ có được kết quả này là do Lãnh đạo nhà trường, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, các đoàn thể trong trường, cha mẹ học sinh, các tổ chức chính trị xã hội đã có sự đồng thuận trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm năng nổ, nhiệt tình, hết lòng yêu thương, hiểu được tâm lý, hoàn cảnh gia đình, có phương pháp, biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh cụ thể, đặc biệt có sự quan tâm lãnh đạo Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh và vai trò tự giáo dục của học sinh.
Kết luận
Giáo dục đạo đức cho học sinh nói chung, học sinh THCS nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Nhiệm vụ này đã được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục với những nội dung đa dạng, hình thức, biện pháp, phương pháp phong phú nhằm góp phần giáo dục học sinh trở thành con người toàn diện.
Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh cần thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện đạo đức của con; bình tĩnh, lắng nghe những thông tin chưa tốt về con em mình từ phía nhà trường để cùng nhau tìm ra biện pháp giáo dục con; dành thời gian hàng ngày quan tâm đến con; sử dụng nhiều hơn phương pháp đàm thoại, nêu gương, giảng dạy trong giáo dục con.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 07/2011
- Thời gian kết thúc: 06/2013
g/ Kinh phí thực hiện:...................... đồng
Phạm Thảo