Giáo dục Stem/Steam: Giải pháp xây dựng nhân lực có trình độ cao cho thành phố thông minh Bình Dương
Trong những năm gần đây mô hình giáo dục STEM (khoa học - Science, công nghệ - Technology, kỹ thuật - Engineering và toán học - Mathematics)/ STEAM (khoa học - Science, công nghệ - Technology, kỹ thuật - Engineering, nghệ thuật - Art và toán học - Mathematics) đang được triển khai ở nhiều trường học tại Việt Nam, đây là mô hình giáo dục thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0). Đối với tỉnh Bình Dương đang trong quá trình triển khai Đề án xây dựng Thành phố thông minh (TPTM) thì mô hình giáo dục này góp phần xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao.
“Xây dựng” và “phát triển” tư duy sáng tạo
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì mô hình giáo dục STEM ngoài trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng lồng ghép liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, còn giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Nguyễn Thành Hải, Viện nghiên cứu giáo dục STEM (Đại học Missouri - Hoa Kỳ) cho biết, với STEM không còn rào cản của việc học kiến thức lý thuyết với ứng dụng, các chương trình giáo dục STEM nhất thiết phải hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống. Và cùng với sự phát triển, thì mô hình mới của STEM là STEAM, trong đó thêm yếu tố nghệ thuật - Art, qua đó tạo động lực đẩy mạnh tư duy sáng tạo.
Đại diện Tổ chức Teach for VietNam chia sẻ, thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Giáo dục STEM không hướng đến mục tiêu đào tạo để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà chủ yếu là trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay, nhất là trong xu thế CMCN 4.0.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, đổi mới sáng tạo và giáo dục STEM/STEAM gắn liền với mục tiêu của nền kinh tế đổi mới sáng tạo mà thế giới đang hướng đến, điều này cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Dương. Trong giai đoạn hiện nay, STEM/STEAM sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, đồng thời từng bước hình thành nguồn nhân lực có trình độ cao từ cấp học phổ thông lên đến bậc cao đẳng và đại học.
Triển khai theo kế hoạch
Với những lợi ích STEM mang lại, ngày 04/05/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg giao nhiệm vụ cho các ngành trong việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về STEM bên cạnh ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông.
Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, giáo dục STEM đề cao phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết… Do đó, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình STEM/STEAM tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi cần thiết để có thể bắt nhịp cùng công cuộc đổi mới của CMCN 4.0.
Tại Hội thảo “Giáo dục STEM/STEAM từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo” được tổ chức tại Bình Dương vào tháng 5/2019 vừa qua, các giáo viên, giảng viên của các trường trung học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều đánh giá cao mô hình giáo dục STEM, tuy nhiên cũng cần có bước triển khai phù hợp và lựa chọn cách thức tiếp cận theo tình hình thực tế tại các trường.
Thầy Kiều Doanh Nhân, giáo viên trường THCS Trần Hưng Đạo (huyện Phú Giáo) cho rằng mô hình giáo dục STEM rất hay, khơi được sự sáng tạo cho học sinh, giúp cho học sinh say mê hơn với việc học, nhất là trong việc áp dụng các kiến thức về khoa học. Việc áp dụng STEM phải phù hợp với từng trường, theo thế mạnh về cơ sở vật chất đã được đầu tư của trường, tránh việc đầu tư dàn trải, vừa không hiệu quả vừa gây lãng phí.
“Đối với tỉnh Bình Dương, trong sự phát triển của CMCN 4.0 và việc triển khai xây dựng TPTM thì STEM trở thành “kênh” giáo dục để xây dựng lực lượng lao động có trình độ. Chất lượng nguồn nhân lực là các yếu tố trụ cột quan trọng với mô hình cốt lõi là mô hình Ba Nhà - đó là sự tham gia hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo và KHCN là những yếu tố cốt lõi. Giáo dục STEM là một phương pháp giáo dục tích hợp tiên tiến, tạo ra những con người có năng lực làm việc tốt trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao”, bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft nói.
Ngày 18/6 vừa qua, Công ty NTT Việt Nam (thuộc Tập đoàn NTT Nhật Bản) đã có buổi thăm và làm việc tại Bình Dương. Tại buổi làm việc, ông Kondo Shunichi, Giám đốc điều hành NTT Việt Nam cho biết sẽ triển khai thực hiện thí điểm mô hình giáo dục thông minh (Smart Education) tại tỉnh Bình Dương. Chương trình giáo dục này nhằm mang đến một phương pháp giảng dạy sinh động, trực quan, giúp tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh.
Khánh Linh