Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - Góc nhìn từ thực tiễn địa phương Bình Dương
ThS. Phan Thị Thùy Trang
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương
Với Chiến lược phát triển theo định hướng thành phố thông minh trên nền tảng của khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thể hiện ở chủ trương và chính sách của tỉnh và sự tiên phong của Tổng công ty Becamex trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn liền với chiến lược phát triển khu công nghiệp KHCN.
Là một Tỉnh có tư duy đổi mới sáng tạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tháng 11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án Thành phố thông minh Bình Dương với mục tiêu tạo ra những điều kiện mới, thuận lợi để nâng tầm các chương trình hành động của tỉnh trở nên tiên tiến hơn, năng động sáng tạo và quy tụ được thêm nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, trong đó lấy khoa học và công nghệ là yếu tố cốt lõi, chú trọng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Bài viết này nhằm tổng kết một số kết quả mà tỉnh Bình Dương đã đạt được về mặt thực tiễn trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.
1. Về việc xây dựng chính sách
Tỉnh đã ban hành hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể:
- Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 quyết định giao Quỹ đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;
- Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025;
- Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 về ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đên năm 2025”.
- Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020
- Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025"
Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững….
2. Phát triển tiềm lực về cơ sở vật chất
Hình thành và đưa vào hoạt động ổn định Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương nhằm mục tiêu thực hiện việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh;
Các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ từng bước được hình thành và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh:
- Vườn ươm doanh nghiệp tại Trường Đại học Quốc tế miền Đông;
- Câu lạc bộ khởi nghiệp tại Trường Đại học Thủ Dầu Một thành lập;
- Tổ chức hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại Trường Đại học Bình Dương;
- 07 phòng thí nghiệm, thực nghiệm dựa trên những lĩnh vực thuộc thế mạnh của địa phương: Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore); Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học (Trường Đại học Thủ Dầu Một); Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đông và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương); Phòng thí nghiệm chế tạo Becamex; Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại Đại học Quốc tế Miền Đông; Viện nghiên cứu và phát triển Becamex; Phòng nghiên cứu và phát triển chung của VNTT và Wustech. Trong đó, 02 Fablab đã tham gia vào mạng lưới Fablab của thế giới gồm: Fablab tại Trung tâm sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh và Fablab tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông
Hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ ở từ khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 29 tổ chức khoa học và công nghệ, 04 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 03 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cải tiến phát triển sản phẩm mới tại doanh nghiệp với tổng số tiền trích Quỹ hơn 100 tỷ đồng.
Điển hình cho hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ phía doanh nghiệp là việc Tổng công ty Becamex đang phát triển:
(1) Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ Bình Dương, bao gồm các cụm chiến lược được quy hoạch: Cụm Đổi mới Sáng tạo, Cụm Sản xuất Tiên tiến, Cụm Giải trí Trải nghiệm và Cụm Đô thị Tri thức. Dự án với mục tiêu mang đến một hệ sinh thái toàn diện cho các hoạt động thâm dụng công nghệ và tri thức như: giáo dục và đào tạo, nghiên cứu phát triển, thương mại hóa công nghệ cũng như sản xuất tiên tiến và môi trường sống thân thiện, tạo điều kiện thúc đẩy việc kiến tạo kiến thức, công nghệ, ý tưởng đổi mới được triển khai áp dụng trong doanh nghiệp;
(2) Dự án Trung tâm Thương mại Thế Giới tại thành phố mới Bình Dương (WTC) nhằm mục tiêu kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế; Dự án xây dựng Xưởng thử nghiệm dành cho sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp với quy mô hơn 15.000 m2, dự kiến hoàn thành trong năm 2021;
(3) Dự án xây dựng tòa nhà cao tầng A9 tại vòng xoay trung tâm thành phố mới với nhiều phân khu văn phòng thiết kế đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp;
(4) Dự án BLOCK71 hợp tác với đại học quốc gia Singapore đặt tại TP. Hồ Chí Minh nhằm hình thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với TP. Hồ Chí Minh và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.
3. Về phát triển nguồn nhân lực và tổ chức hoạt động
Trong giai đoạn 2017-2020, thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng và triển khai những chương trình với nội dung nâng cao năng lực ĐMST các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời thực hiện ký kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài tỉnh như các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh; các tổ chức hỗ trợ, tổ chức thúc đẩy, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, mạng lưới chuyên gia, cố vấn để thúc đẩy, phát triển toàn diện các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đồi mới sáng tạo của tỉnh.
Chương trình đào tạo chú trọng trang bị, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo dành cho các đối tượng là cán bộ, công chức các sở, ngành làm công tác quản lý và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; giảng viên các trường đại học, cao đẳng và hỗ trợ các kỹ năng xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp theo chuyên đề chuyên sâu cho đối tượng là cá nhân/nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp, sinh viên, giảng viên.
Hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng được từng bước xây dựng thông qua các chương trình trải nghiệm sáng tạo cho học sinh đã được tổ chức trong dịp hè 2018 và 2019; các buổi hội nghị chuyên đề về quản trị và khai thác tài sản trí tuệ; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM/STEAM nhằm giúp cho các giáo viên tiếp cận và có định hướng ứng dụng trong công tác giảng dạy, góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo trong học sinh và thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy ở giáo viên.
Ngoài ra, hoạt động kết nối quốc tế cũng được quan tâm phát triển trong thời gian qua như: phối hợp với đối tác Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan IPP trong việc triển khai các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo tại Bình Dương; hợp tác đối tác từ Hà Lan tổ chức nhiều cuộc thi Hackathon quy mô lớn; phối hợp thành phố Daejeon Hàn Quốc tổ chức thành công cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh năm 2018; Vườn ươm doanh nghiệp Becamex đã phối hợp với các đối tác Singapore tổ chức nhiều chương trình kết nối, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo startup theo chuẩn quốc tế; Tổng Công ty Becamex đã hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore mở Block71 đặt tại Tp. Hồ Chí Minh, hình thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với Tp. Hồ Chí Minh và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.
4. Tổng kết và đánh giá chung
Chiến lược phát triển theo định hướng thành phố thông minh trên nền tảng của KHCN và ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của sự đổi mới được khẳng định và đang trong quá trình xúc tiến triển khai thực tế với sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp, thể hiện ở chủ trương và chính sách của tỉnh và sự tiên phong của Tổng công ty Becamex trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn liền với chiến lược phát triển khu công nghiệp KHCN.
Hệ thống cơ sở vật chất và những chương trình hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng đã và đang được quan tâm đầu tư và phát triển. Các hoạt động tiền đề được tổ chức trong thời gian qua bước đầu cho thấy có tác động tích cực đến cộng đồng, đã tạo được mạng lưới liên kết, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái ĐMST trong và ngoài tỉnh.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành đồng thời gắn kết được các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy đối mới sáng tạo giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp, những nội dung sau đây đang được quan tâm triển khai thực hiện:
(1) Tăng cường truyền thông về những chủ trương, chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo hiệu ứng lan tỏa từ những hoạt động tiền đề đã xây dựng;
(2) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế hợp tác công - tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ; khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ - đổi mới sáng tạo. Phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu trong các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
(3) Tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh thực hiện tốt các hoạt động kết nối, ký kết hợp tác giữa các thành phần sinh thái trong và ngoài tỉnh. Phối hợp cùng với các đơn vị Trung ương xây dựng một mô hình điểm kết nối chung cho cả nước để hỗ trợ khai thác thông tin, kết nối là cần thiết ở thời điểm hiện tại.
(4) Tăng cường vai trò kết nối và hỗ trợ của nhà nước trong việc thúc đẩy hình thành và phát triển hoạt động của các tổ chức trung gian thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. ¨