Hiện nay, chiến lược Kaizen, công cụ 5S đang được nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh áp dụng nhằm không ngừng cải tiến công cụ sản xuất, tạo ra năng suất chất lượng (NSCL), thúc đẩy sáng tạo, sáng kiến, sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho DN trên thị trường.
Thúc đẩy sáng tạo, sáng kiến
Thực hiện 5S Kaizen kết hợp là phương pháp đổi mới thông minh. Kaizen là một triết lý, một chiến lược cụ thể trong suốt quá trình cải tiến và đổi mới liên tục của tổ chức. Tích lũy các cải tiến nhỏ trở thành kết quả lớn. Giảm các lãng phí, tăng năng suất. Tạo động lực thúc đẩy cá nhân có các ý tưởng cải tiến. Quá trình này giúp tăng năng suất, tránh lãng phí và nâng cao ưu thế cạnh tranh.
5S là tên phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc của người Nhật. Nó được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật, bắt đầu bằng chữ S gồm Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng). Quy tắc 5S chú trọng vào sự gọn gàng ngăn nắp, tạo ra môi trường làm việc thuận tiện. Thực hiện tốt nguyên tắc 5S là tiền đề tiên quyết để thực hiện Kaizen, bởi môi trường làm việc có thoải mái, khoa học, mới kích thích sự sáng tạo cho nhân viên, dẫn đến các đổi mới ngày càng tốt hơn. 5S góp phần thiết lập một hệ thống quản lý, khuyến khích và đền đáp nỗ lực đóng góp ý tưởng cải tiến của tất cả mọi người.
Công ty Earth Corpration Việt Nam (Nhật Bản), KCN Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên, là một công ty chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm. Những năm qua, công ty không ngừng áp dụng quy tắc 5S, thực hiện chiến lược Kaizen, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc hành chính nhân sự công ty cho biết: “Ngay từ khi Chính phủ áp dụng 5S và Kaizen, DN của chúng tôi đã áp dụng trong sản xuất công cụ này. 5S đã góp phần cho công ty thiết lập một hệ thống quản lý hoàn thiện. Có nhiều công nhân lao động trong quá trình làm việc, khi áp dụng Kaizen đã phát huy tính sáng tạo ở một số khâu trong dây chuyền sản xuất như đóng gói, nhãn mác, từ đó nâng cao hiệu quả lao động. Năm nào công ty cũng trao thưởng cho những sáng tạo của công nhân trong hoạt động sản xuất”.
Anh Lê Quang Nguyên là cán bộ kỹ thuật Công ty Yayaki, KCN Mỹ Phước, TX. Bến Cát. Trong quá trình đứng máy, anh đã không ngừng nghiên cứu về máy móc nhằm tìm ra một giải pháp giúp dây chuyền sản xuất ngày càng tinh gọn, hoàn thiện và hiện đại. Năm 2000, anh đã sáng kiến thành công ra nắp chụp đấu nối nguồn điện trong dây chuyền sản xuất, và đã được áp dụng trong hệ thống Công ty Yajaky trên toàn thế giới.
Anh Lê Quang Nguyên, cho biết: “Trong quá trình lao động, lãnh đạo công ty luôn khuyến khích người lao động phát huy tính sáng tạo, sáng kiến trong sản xuất. Hiện nay, máy móc rất hiện đại, nhưng chỉ cần một lỗi nhỏ sẽ làm đứng cả một dây chuyền nếu không tìm ra lỗi. Có những lúc, nhóm kỹ thuật chúng tôi phải đứng trước chiếc máy một tuần để tìm 1 lỗi rất nhỏ như lỗi kỹ thuật đấu nối các dây điện. Nếu chúng tôi không tìm ra, công ty phải điều kỹ sư từ Nhật về. Và đã có trường hợp, không tìm ra “bệnh” công ty phải thay nguyên hệ thống dây chuyền sản xuất trị giá lên tới hàng chục ngàn USD”.
Nâng cao năng suất chất lượng
Những năm qua, các DN áp dụng các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen,…để nâng cao NSCL đã đạt được những kết quả nổi bật; từng bước phát huy năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường. Tạo cơ sở để DN xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ, khai thác hiệu quả thiết bị máy móc, gắn kết nghiên cứu vật liệu mới và sản phẩm mới, công nghệ vật liệu với công nghệ sản phẩm, công nghệ mới với công nghệ truyền thống.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo một môi trường làm việc thoải mái cho người lao động, lãnh đạo Công ty TNHH Nhật Tường (TP.Thuận An) đã quan tâm áp dụng các công cụ 5S, Kaizen thúc đẩy nâng cao NSCL. Bà Bùi Kim Oanh, Giám đốc công ty, cho biết: “Là công ty chuyên sản xuất bàn ghế salon gỗ, áp dụng quy tắc 5S, công cụ Kaizen trong sản xuất đã giúp công ty chúng tôi giảm được số lượng phế phẩm trong quá trình sản xuất, giảm việc đi lại cho công nhân bằng việc dùng palet bánh xe để di chuyển nguyên liệu, thành phẩm và thay thế một số công đoạn làm bằng tay sang làm bằng máy. Từ đó giảm nhiều chi phí sản xuất cho công ty, tình hình sản xuất của công ty đã có những bước cải thiện đáng kể. Theo đó, với 1 giờ sử dụng máy móc cho công việc chà sản phẩm nhanh hơn từ 3-4 lần so với làm bằng tay, từ đó năng suất tăng cao, giúp cho việc hoàn thành sản phẩm nhanh hơn”.
Ông Vũ Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Sản xuất - Kỹ thuật Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam, KCN Đồng An II, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Những năm qua, công ty đã áp dụng các công cụ quản lý như 5S, Lean TPM, Kaizen, ERP... để quá trình sản xuất được đảm bảo tuyệt đối, chất lượng sản phẩm đầu ra luôn đạt chuẩn theo đúng các thông số kỹ thuật quốc tế. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng tôi xác định trong nguy có cơ. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên Covid 19 là cơ hội để Tiền Phong Nam kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới, tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, nhằm tìm ra những hướng đi mới hiệu quả và bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung khai thác thị trường nội địa, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để nghiên cứu cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, cắt giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo nguồn nhân lực vận hành. Chúng tôi tin rằng nếu chuẩn bị tốt trong giai đoạn khó khăn thì hậu Covid-19 công ty sẽ có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ”.
-Ông Lý Thái Hùng, Chi Cục Trưởng Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: “Việc áp dụng các công cụ cải tiến để nâng cao NSCL của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là các DN vừa và nhỏ đã phát huy hiệu quả. Tại các DN, chi phí sản xuất giảm thiểu rõ rệt, DN tiết kiệm được nguyên liệu, nâng cao NSCL sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN trên thị trường”. |